Thị trường - Tiêu Dùng
Sản xuất - kinh doanh thời dịch COVID-19: Doanh nghiệp chủ động vượt khó
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, vận tải, du lịch, dịch vụ ăn uống... Để tồn tại và phát triển, buộc các DN, cơ sở sở sản xuất - kinh doanh phải nỗ lực, tự tìm hướng đi mới, linh hoạt trong kinh doanh để duy trì, mở rộng sản xuất và ổn định việc làm cho người lao động.
Công ty TNHH Cà phê Trung Hiền ra mắt sản phẩm cà phê túi lọc. Ảnh: T.Q
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các nhu cầu về dịch vụ ăn uống, giải trí cũng bị co hẹp khiến nhiều DN rơi vào thua lỗ, cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa. Trước khó khăn chung đó, Công ty TNHH Cà phê Trung Hiền đã linh hoạt sáng tạo sản phẩm mới - đó là cà phê túi lọc dòng trung và cao cấp. Mặc dù mới ra mắt nhưng sản phẩm này đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận bởi hương vị nguyên chất truyền thống và tiện lợi. Ông Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Trung Hiền, chia sẻ: “Trong đại dịch này, DN nào cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại nhất định, nhưng nặng nề nhất vẫn là DN nhỏ và siêu nhỏ và chúng tôi cũng nằm trong số ấy. Thay đổi hình thức kinh doanh là một sự mạo hiểm vì rất tốn kém chi phí, nhưng chúng tôi đã thành công. Sắp tới, công ty tiếp tục ra mắt thêm nhiều dòng sản phẩm cà phê túi lọc mới, đặc biệt là dòng bình dân. Từ loại sản phẩm mới này, hứa hẹn sẽ giúp công ty mở rộng hơn nữa thị trường tiềm năng khác”.
Mặc dù thiệt hại không nặng nề như các DN lớn, song những cơ sở sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ cũng đang dần đuối sức bởi sức mua giảm, trong khi các chi phí khác từ nhân công, mặt bằng… vẫn phải chi trả. Để tăng sức mua, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chủ động nhiều giải pháp kích cầu qua việc triển khai các chính sách chăm sóc khách hàng, khuyến mại, hậu mãi. Theo đó, các cơ sở, nhất là cơ sở kinh doanh về thực phẩm, mỹ phẩm, điện máy, nội thất… phải tăng cường thực hiện nhiều chính sách khuyến mại như: giảm giá 20 - 50%, mua 1 tặng 1, giải phóng hàng tồn, tri ân khách hàng, giảm giá sốc nhằm thu hút người mua, tăng lợi nhuận kinh doanh để bù đắp lại những ngày mua bán ế ẩm.
Bên cạnh thực hiện các chương trình khuyến mãi, các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn đẩy mạnh kênh mua sắm online qua điện thoại, website thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người tiêu dùng. Qua việc đẩy mạnh kinh doanh bằng nhiều kênh khác nhau đã giúp doanh thu các cơ sở sản xuất - kinh doanh tăng trưởng khá ổn định.
Với các giải pháp linh hoạt, năng động nên nhiều DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh trong tỉnh vẫn có thể cầm cự, thậm chí là tăng trưởng ổn định trong mùa dịch. Tuy nhiên, để phục hồi và phát triển bền vững hơn, các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh vẫn rất cần sự trợ sức kịp thời của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc hỗ trợ họ tiếp cận vốn vay ưu đãi, mở rộng thị trường, quy mô sản xuất - kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
MINH LUÂN
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ