Thị trường - Tiêu Dùng
Ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Giúp người tiêu dùng tránh hàng giả, hàng nhái
Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp thì việc áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa là hết sức cần thiết. Trong đó, công nghệ QR Code (mã phản hồi nhanh) được coi là giải pháp hiệu quả giúp nhà sản xuất bảo vệ thương hiệu, quản lý lưu thông hàng hóa; đồng thời còn là công cụ giúp người tiêu dùng nắm rõ hơn thông tin về sản phẩm, hàng hóa trên thị trường.
Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh sử dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa để kiểm tra sản phẩm. Ảnh: T.Q
Tem QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm là dạng mã vạch 2 chiều được đọc bởi smartphone có chức năng chụp ảnh, kết nối mạng wifi, 3G hoặc 4G. Thông qua một số phần mềm hỗ trợ quét mã QR Code như: Zalo hay Facebook… là có thể quét mã QR Code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất. Sau mỗi thao tác quét, hệ thống tự động sẽ gửi thông tin về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cho người tiêu dùng, bao gồm nơi sản xuất, nhà sản xuất, phân phối hoặc đơn vị kinh doanh sản phẩm; người tiêu dùng còn được biết về giá bán, điểm bán, công dụng, thành phần của sản phẩm.
Chị Hoàng Yến (ngụ phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Mỗi lần mua thực phẩm, nhất là trái cây ngoại, tôi đều dùng smartphone quét mã vạch để nhận biết nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Nhờ có ứng dụng này mà tôi yên tâm mua sắm, không lo mua phải hàng dỏm”.
Theo ông Trần Thanh Bình - Trưởng phòng nghiệp vụ Cục Quản lý thị trường tỉnh: “Thời gian qua, tình hình gian lận thương mại, lập lờ xuất xứ sản phẩm của không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã gây bức xúc cho doanh nghiệp chân chính lẫn người tiêu dùng. Giờ chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể kiểm tra được mọi thông tin chi tiết liên quan đến sản phẩm. Điều này làm cho người tiêu dùng thêm tin tưởng hơn về xuất xứ, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, qua đó giúp các doanh nghiệp tạo niềm tin, quảng bá sản phẩm đến với nhiều khách hàng hơn”.
Trong thời đại công nghệ 4.0, việc sử dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc ngày càng trở nên phổ biến và đã trở thành một trong những yêu cầu cần thiết đối với các mặt hàng thực phẩm tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng, shop. Đây cũng được xem là công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Song, thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối lẫn người tiêu dùng còn khá bỡ ngỡ với hình thức này. Do đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tập huấn, truyền thông trong lĩnh vực này để mọi người có thể an tâm kinh doanh, mua sắm mà không sợ mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
MINH LUÂN
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ