Tiêu điểm
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Với vị trí địa lý nằm giáp biển, Bạc Liêu được xem là một trong những tỉnh của khu vực ĐBSCL chịu tác động nặng nề từ quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong đó, xâm nhập mặn, triều cường, nước biển dâng và sạt lở chính là những thách thức mà Bạc Liêu phải đương đầu.
Nhiều thách thức…
Với bờ biển dài 56km, Bạc Liêu có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Song, với địa hình thấp, cao trình từ 0,2 - 1,3m so với mực nước biển nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi triều cường, nước biển dâng và các thiên tai khác như: bão, áp thấp nhiệt đới, xâm nhập mặn… Đây thật sự là một thách thức không nhỏ, trong điều kiện nền kinh tế của tỉnh đến nay vẫn là sản xuất nông nghiệp. Để chủ động ứng với BĐKH và diễn biến cực đoan của thời tiết, thời gian qua, Bạc Liêu xây dựng nhiều kịch bản nhằm chủ động ứng phó và các giải pháp thích nghi theo hướng biến các nguy cơ thành cơ hội và thời cơ. Tuy nhiên, qua khảo sát và diễn biến thực tế, BĐKH đã diễn ra nhanh hơn so với các kịch bản dự báo. Đặc biệt trong những năm gần đây, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, sạt lở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nhất là các tuyến dân cư khu vực ven biển từ Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) đến thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải).
Triều cường dâng gây ngập cục bộ tuyến dân cư biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D
Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2010 - 2016, tỉnh Bạc Liêu đã chịu ảnh hưởng của 50 cơn bão, 34 cơn áp thấp nhiệt đới, 16 đợt triều cường, 230 cơn lốc xoáy, 37 trường hợp sạt lở đất, 4 đợt hạn hán, xâm nhập mặn làm cho hơn 96.420ha lúa, hoa màu bị thiệt hại với tổng số tiền gần 680 tỷ đồng và hàng trăm hộ dân phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt.
Đáng quan tâm, trong những năm gần đây, triều cường xuất hiện ngày một gia tăng cả về quy mô lẫn cấp độ, nhất là những tháng cuối năm. Hiện tượng xói lở, sụt lún đất ven biển, ven sông rất nghiêm trọng xảy ra tại cửa biển Nhà Mát, hai bên bờ kênh 30/4, kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau (đoạn qua khu vực phường 8, TP. Bạc Liêu), khu vực phường 1, phường Hộ Phòng (TX. Giá Rai), cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải) gây thiệt hại các công trình, tài sản và đe dọa đến tính mạng người dân.
Qua đó cho thấy, để phát triển bền vững, Bạc Liêu phải đối mặt với nhiều thách thức và cần sự chung sức của cả cộng đồng.
Chung tay hành động
Theo Sở TN-MT, để chủ động và thực hiện tốt hơn nữa công tác ứng phó với BĐKH, nhất là nước biển dâng, tỉnh Bạc Liêu cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là tăng cường đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BĐKH cho các ngành, các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật ứng phó với BĐKH.
Bên cạnh đó, tăng cường bộ máy quản lý nhà nước, nguồn nhân lực về ứng phó BĐKH. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền về xây dựng năng lực chủ động ứng phó với BĐKH; khắc phục tình trạng tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt, mang tính hình thức, bỏ qua hoặc buông lỏng quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực, lực lượng nòng cốt về truyền thông, nâng cao nhận thức cho đảng viên, cán bộ, công chức và cộng đồng dân cư, tăng cường năng lực và vận hành có hiệu quả mạng lưới tuyên truyền viên về ứng phó với BĐKH. Đồng thời, kết hợp tăng chi từ ngân sách, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với BĐKH; hỗ trợ người dân trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển…
Thanh Thảo
- UBND tỉnh: Kiểm tra việc thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Phước Long
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL