Tiêu điểm
Giải báo chí truyền thống tỉnh Bạc Liêu lần thứ 21 - năm 2018: Phong phú về đề tài, đa dạng về góc nhìn
Cùng với những người làm báo trong cả nước, lực lượng những người làm báo tỉnh nhà đang hòa nhập vào xu thế: Làm báo trong thế giới phẳng với nền tảng thông tin đa chiều. Mỗi bài viết, mỗi tác phẩm tốt của các cơ quan báo chí, của các nhà báo như những ngọn lửa thắp lên, tạo dựng niềm tin trong lòng độc giả, khán thính giả. Thực hiện đúng sứ mệnh của mình, làm cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, để tiếng nói của người dân đến nhanh với cơ quan chức năng, tạo ra những thúc đẩy cho sự thay đổi cơ chế vì dân và gần dân.
Thông qua các tác phẩm tham gia Giải báo chí truyền thống tỉnh lần thứ 21 - năm 2018 (gọi tắt là Giải báo chí tỉnh) cho thấy tinh thần làm việc nghiêm túc và lao động dấn thân của các nhà báo. Các tác phẩm đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương; tập trung phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp CNH-HĐH đất nước; phản ánh trung thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại trong năm 2018 của tỉnh. Các tác phẩm cũng đi sâu phát hiện những cái mới, những điển hình tiên tiến, những cá nhân, địa phương có nhiều sáng tạo trong huy động mọi nguồn lực, đầu tư, nghiên cứu, tạo bước đột phá để nâng cao hiệu quả trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gắn liền xây dựng nông thôn mới, chống biến đổi khí hậu, khắc phục hạn mặn; đảm bảo an sinh xã hội, quản lý và bảo vệ tài nguyên - môi trường, xây dựng đô thị… góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của Bạc Liêu sau 21 năm tái lập tỉnh.
Quang cảnh lễ trao Giải báo chí truyền thống tỉnh lần thứ 20 - năm 2017. Ảnh: P.T.C
Có không ít tác phẩm biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Song song đó, các tác phẩm dự thi cũng phản ánh sinh động mảng đề tài các ngành, các cấp thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh; phê phán những hành vi tiêu cực trong xã hội, đồng thời đấu tranh, phản bác với những luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Một số tác phẩm ở lĩnh vực phát thanh - truyền hình có sự đổi mới trong cách tiếp cận sự việc, đổi mới trong quá trình thể hiện; hình ảnh, âm thanh được chắt lọc một cách tương đối tốt..., được hội đồng giám khảo đánh giá cao. Có thể điển hình như tác phẩm “Cần chủ động ngăn chặn và xử lý tình trạng lấn chiếm kênh rạch thoát nước trên địa bàn thành phố Bạc Liêu” (tác giả Tăng Định - Anh Tuấn), “Cuộc cách mạng của ngành tôm” (tác giả Minh Khai - Minh Hải) đã cho thấy sự nhạy bén trong cách tiếp cận đề tài, nắm bắt được nhu cầu thông tin của khán thính giả. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm phát thanh tham dự giải vẫn còn khiêm tốn; chất lượng các tác phẩm ở lĩnh vực phát thanh, truyền hình chưa được nâng cao, thiếu sự đầu tư. Đa phần các tác phẩm dự thi của loại hình phát thanh - truyền hình chỉ dừng lại ở tính phản ánh, thiếu phần đề xuất hướng xử lý.
Riêng đối với lĩnh vực báo viết, Giải báo chí tỉnh năm nay thu hút khá đông bài dự thi, với 46 tác phẩm. Trong đó, tác phẩm là loạt bài chiếm áp đảo so với bài đơn, cho thấy các tác giả đã có sự đầu tư nghiêm túc và kỹ lưỡng cho tác phẩm dự thi. Có thể thấy những tác phẩm dự thi là những đề tài tâm huyết của các nhà báo, được gia công cẩn trọng với góc nhìn đa chiều khá phong phú. Các đề tài tuy không mới nhưng là những vấn đề nổi bật của tỉnh: tăng trưởng kinh tế năm 2018 của tỉnh Bạc Liêu; phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử, phát triển du lịch, chống biến đổi khí hậu: biến thách thức thành cơ hội phát triển của Bạc Liêu, kiên quyết thu hồi dự án treo... Bên cạnh đó, có những đề tài lần đầu được khai thác như chuyện khởi nghiệp của giới trẻ. Dù là đề tài cũ hay mới thì điểm chung tích cực là các bài viết phân tích khá sâu từ tư liệu đến thực tiễn, có tác phẩm đưa ra được đề xuất các giải pháp với ngành chức năng.
Điều đáng mừng là bên cạnh những nhà báo có nhiều năm công tác với kinh nghiệm làm báo khá dày dặn thì còn xuất hiện những gương mặt trẻ mới vào nghề vài năm. Tác phẩm dự thi của các bạn ít nhiều có sự đột phá về đề tài, thể loại cũng như cho thấy có sự lao động một cách nghiêm túc. Qua đó cho thấy thế hệ nhà báo kế thừa đang ngày càng vững vàng trong nghề báo!
Tuy nhiên cũng cần phải nhắc tới một số vấn đề hạn chế rút ra từ các tác phẩm dự thi, mong muốn các nhà báo trẻ xem đây như kinh nghiệm làm báo bổ ích. Một số tác phẩm dự thi gần như phản ánh đề tài cũ, đề tài đã nói nhiều lần, tác giả chưa có sự trăn trở, tìm tòi phát hiện những đề tài mới; nhiều loạt bài đề cập chủ đề khá lớn nhưng lại khai thác quá nhiều tư liệu, thiếu những cứ liệu từ hiện thực khách quan, lao động phóng viên khá nhạt nhòa. Nhiều bài viết trên lĩnh vực văn hóa - xã hội nhưng văn phong khô cứng, thiếu sức hấp dẫn từ con chữ để lôi cuốn bạn đọc.
Một điểm yếu khác dễ nhận thấy trong các tác phẩm dự thi là thiếu phần đề xuất mang tư duy nhà báo, như kiến nghị những giải pháp để ngành chức năng thấy được, từ đó có hướng giải quyết tốt những nhiệm vụ mà cuộc sống đặt ra. Phần đông tác phẩm vẫn là bài phản ánh, ghi chép, gần như chưa mang dáng dấp thể loại phóng sự. Một số ít bài diễn đạt còn dài dòng, lan man, khó hiểu, chưa làm nổi bật được vấn đề muốn đề cập. Điều tiên quyết đối với báo chí luôn nằm ở tính phát hiện. Khả năng nhanh nhạy, phát hiện vấn đề chính là yếu tố quan trọng hàng đầu của một nhà báo. Giá trị của một tác phẩm báo chí sẽ được nâng lên khi vấn đề của nhà báo phản ánh trong tác phẩm không chỉ mang tính thời sự mà phải mang ý nghĩa xã hội to lớn, mang tính nhân văn sâu sắc, tạo ra một sự đồng thuận trong xã hội. Tóm lại, vấn đề khó nhất của người làm báo là phát hiện vấn đề, nhưng khâu thể hiện lại là khâu quyết định sự thành công của mỗi tác phẩm. Vì vậy cần phải đặc biệt lưu tâm đến khâu thể hiện sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Thao tác này cần kỹ năng nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp càng cao thì khả năng thành công càng lớn!
Hàn Ái Tiến - Phó Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu
Một trong các hoạt động nổi bật chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018) là Giải báo chí truyền thống tỉnh lần thứ 21 - năm 2018. Tham gia giải có 93 tác phẩm dự thi thuộc các loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình của 24 tác giả và 9 nhóm tác giả là các nhà báo của cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và các đài truyền thanh huyện, thành phố, thị xã… Kết quả, Ban giám khảo đã chọn 12 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, gồm: 2 giải A, 4 giải B, 6 giải C. Cụ thể: Giải A báo in thuộc về tác giả Hoàng Uyên (nhà báo Tuyết Thanh, Báo Bạc Liêu) với loạt bài “Cải cách thủ tục hành chính: Quyết sách để làm hài lòng dân”. Giải A thể loại truyền hình được trao cho nhóm tác giả Chúc Chi - Anh Tuấn (Đài PT-TH Bạc Liêu) với tác phẩm “Thương hiệu tôm sạch trên vùng đất Bạc”. |
- UBND tỉnh: Kiểm tra việc thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Phước Long
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL