Tiêu điểm

Bạc Liêu hướng đến mục tiêu “thủ phủ” tôm của cả nước

Thứ Hai, 23/05/2022 | 17:07

LTS: Từ năm 2016, từ khóa “thủ phủ” tôm đã góp phần làm cho hình ảnh Bạc Liêu tỏa sáng với nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh áp dụng quy trình, công nghệ hiện đại đứng đầu cả nước. Cũng từ đây đã chỉ ra đường hướng phát triển mới cho nền kinh tế tỉnh nhà và hình thành nên một trụ cột chiến lược để Bạc Liêu bứt phá. Với quyết tâm ấy, qua hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước luôn được đặt lên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xem là trụ cột bậc nhất trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thế nhưng, hình hài về một trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước qua gần 7 năm thực hiện giấc mơ “thủ phủ” tôm vẫn chưa được hiện rõ. Đáng trăn trở và lo lắng hơn cả là Bạc Liêu sẽ chậm chân hơn so với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tương lai gần và cả mai sau, nếu như không có giải pháp ngay từ bây giờ. Bởi Bạc Liêu đã và đang đứng trước hàng loạt các “nút thắt” và “điểm nghẽn” trong thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

>>> Bài 2: Cần một cơ chế mới cho nuôi tôm công nghệ cao

Bài cuối: Tái cơ cấu mô hình tăng trưởng

Phải khẳng định rằng, đến nay kim ngạch xuất khẩu (KNXK) thủy sản Bạc Liêu vẫn chưa tạo được bứt phá và luôn nằm sau tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng. Nếu không có giải pháp và tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, Bạc Liêu sẽ tiếp tục đi sau những tỉnh, thành phố của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và khó thể hiện được vai trò là “thủ phủ” tôm của cả nước.

Thương lái thu mua tôm nguyên liệu của nông dân trong tỉnh rồi xuất bán sang các tỉnh khác.

 TÀI NGUYÊN BỊ “CHẢY MÁU”!?

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, KNXK tôm năm 2021 tỉnh Cà Mau đứng đầu cả nước với trên 1 tỷ USD, Sóc Trăng đứng thứ 2 với trên 986 USD và Bạc Liêu xếp thứ 3 với trên 776 triệu USD. Trong 3 tháng đầu năm 2022, Bạc Liêu cũng chỉ xếp ở vị trí thứ 3.

Với tốc độ phát triển như hiện nay, nếu không tăng tốc và tổ chức lại sản xuất gắn với tái cơ cấu mô hình tăng trưởng thì Bạc Liêu khó hoàn thành chỉ tiêu KNXK tôm đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025. Bởi để hoàn thành chỉ tiêu này, nghĩa là KNXK phải tăng thêm trên 520 triệu USD, tương đương 40% so với năm 2021. Nếu đem 40% này chia đều cho 4 năm, từ 2022 - 2025 thì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10% và đây thật sự không phải là chuyện dễ làm.

Qua thống kê của Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tốc độ tăng trưởng KNXK của toàn ngành tôm Việt Nam chỉ dừng ở mức 6%/năm trong 10 năm qua. Do vậy, tăng trưởng 10%/năm so với mức tăng trưởng bình quân chung của toàn ngành tôm là rất khó.

Phân tích số liệu từ thực trạng ngành tôm của tỉnh cho thấy, mục tiêu đến năm 2025 Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước thật không dễ dàng. Song, mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được trong điều kiện Bạc Liêu phải tập trung giải quyết cho được vấn nạn “chảy máu” tài nguyên mang lại từ con tôm, vốn được xem là “điểm nghẽn” trong lưu thông hàng hóa hiện nay.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến KNXK của tỉnh đạt thấp so với các tỉnh, mặc dù sản lượng tôm nuôi do nông dân sản xuất ra gần như nhau. Đó là thực trạng nguồn tôm nguyên liệu của Bạc Liêu thay nhau chạy ra ngoài tỉnh, giúp doanh nghiệp các tỉnh này làm giàu, còn các nhà máy trong tỉnh thì cứ than thiếu tôm. Năm 2021, Bạc Liêu sản xuất trên 209.910 tấn tôm, nhưng số tôm nguyên liệu được đưa vào các nhà máy chế biến chỉ dừng ở con số khoảng 115.000 tấn, chiếm 54%/tổng sản lượng làm ra. Điều này đồng nghĩa với việc có 94.910 tấn, chiếm khoảng 46%/tổng sản lượng chạy ra tỉnh ngoài! Vấn đề đặt ra, nếu 46% sản lượng tôm “bị chảy máu” được tập trung chế biến tại các nhà máy của Bạc Liêu thì chỉ tiêu đạt 1,3 tỷ USD là hoàn toàn đạt được. Vì với 94.910 tấn sau chế biến thành phẩm sẽ đem về trên 581 triệu USD, cộng với 776 triệu USD hiện nay thì tổng KNXK sẽ đạt con số trên 1 tỷ 350 triệu USD.

Các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh gửi đơn yêu cầu giải quyết việc thương lái Trung Quốc thao túng thị trường tôm Bạc Liêu từ năm 2018 nhưng đến nay chưa được quan tâm xử lý.

CẦN ƯU TIÊN “3 ĐỘT PHÁ”

Để hóa giải các khó khăn, thách thức hiện nay và đưa Bạc Liêu đứng vào tốp đầu của cả nước về phát triển con tôm thì cần tập trung vào “3 đột phá” trong thực hiện tái cơ cấu mô hình tăng trưởng cho ngành tôm.

Đó là tập trung tháo gỡ ngay các “điểm nghẽn” và tăng cường quản lý về thị trường, thay vì để thị trường bị “thả nổi” tự phát như lâu nay. Bạc Liêu chọn con tôm là vật nuôi chủ lực và đột phá từ con tôm, nhưng từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) cho đến nay Bạc Liêu vẫn chưa xây dựng được một chợ đầu mối cho con tôm!? Cũng như chưa hình thành nên một sàn giao dịch cho con tôm để làm giá, tránh được tình trạng chèn ép giá từ thương lái.

Xuất phát từ việc thiếu quan tâm này, thị trường tôm Bạc Liêu đã bị các thương lái thao túng và tạo ra hàng loạt hệ lụy xã hội. Đó là việc các thương nhân Trung Quốc thuê kho, xưởng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để gia công thành phẩm rồi xuất về Trung Quốc. Đồng thời, thành lập các tổ thu mua tôm rải khắp các miền quê và tranh giành công nhân với các nhà máy chế biến thủy sản. Ông Mai Bá Dũng - Giám đốc Công ty Chế biến xuất khẩu Tôm Việt, bức xúc: “Thực trạng thương lái Trung Quốc vào thao túng và tranh mua, giành bán tôm đã diễn ra từ năm 2018, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã gửi đơn phản ánh, kiến nghị, thậm chí “kêu cứu”, nhưng ngành quản lý đến nay vẫn chưa có phản hồi hay xử lý nghiêm một vụ việc nào. Các thương lái này không chỉ tạo ra sự bất ổn về giá tôm, gây ô nhiễm môi trường sản xuất, mà quan trọng hơn là làm ảnh hưởng chung đến toàn ngành xuất khẩu khi con tôm được chế biến mang thương hiệu Bạc Liêu”.

Một giải pháp mang tính đột phá khác chính là Bạc Liêu cần xây dựng một chiến lược để phát triển khu công nghiệp chế biến tôm xuất khẩu. Bởi lâu nay, việc phát triển các nhà máy chế biến đều mang tính tự phát và Bạc Liêu chưa xây dựng được khu công nghiệp dành riêng cho con tôm. Trong khi đó, chế biến xuất khẩu đóng vai trò quyết định đến giá trị của cả chuỗi ngành tôm và đã là trung tâm công nghiệp tôm thì phải có xuất khẩu, nếu không Bạc Liêu chỉ là “thủ phủ” nuôi tôm chứ không thể trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm!

Quan tâm đến vấn đề này, vì qua khảo sát ở 45 nhà máy chế biến thủy sản có công suất thiết kế 209.700 tấn/năm, đến nay đã đạt 100% công suất. Do vậy, phần lớn các hợp đồng của doanh nghiệp chỉ dám ký trong những tháng đầu năm và kết thúc rất sớm, vì nếu tiếp tục ký nữa sẽ không thể sản xuất kịp hàng để cung cấp cho các nước nhập khẩu do công suất các nhà máy đã đạt đến mức “cực đại”.

Ông Trần Văn Diệu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH thuỷ sản Thái Minh Long (TX. Giá Rai), cho biết: “Đối với công ty của chúng tôi, đến đầu tháng 3/2022 đã ký hợp đồng đạt trên 90% tổng công suất cả năm và đến nay đã không dám ký nữa. Vì vậy, kiến nghị tỉnh Bạc Liêu cần quy hoạch khu công nghiệp để phát triển thêm các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu và góp phần khai thác, phát huy nguồn tôm nguyên liệu vốn dồi dào trong hiện tại và tương lai, nhất là khi Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm cả nước thì diện tích, sản lượng tôm sẽ tăng cao nên phải có ngay kế hoạch trên tinh thần chủ động đón đầu. Nếu không, nguồn tài nguyên này sẽ tiếp tục “chảy máu” ra các tỉnh ngoài. Khi có khu công nghiệp, các doanh nghiệp sẽ xây dựng thêm hệ thống kho chứa giúp nông dân thu mua tôm dự trữ khi vào mùa thu hoạch tập trung”.

Cùng với tái cơ cấu mô hình tăng trưởng theo “chiều rộng” thì cần một giải pháp đột phá khác nữa là tập trung tái cơ cấu mô hình tăng trưởng theo “chiều sâu”, nghĩa là chuyển từ xuất khẩu thô với trên 90% lượng tôm xuất chủ yếu là tôm đông block sang chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao như: tôm hấp, tôm chiên, tôm tẩm tỏi, tôm lăn bột, tôm nobashi… Làm được điều này, giá trị, lợi nhuận mang lại sẽ tăng gấp 2 - 3 lần so với bán tôm đông block và KNXK sẽ không dừng ở con số 1,3 tỷ USD/năm mà có thể tăng thêm từ 1 - 2 lần.

Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước sẽ hoàn toàn thực hiện thắng lợi khi các “nút thắt” được tháo gỡ và “điểm nghẽn” được khai thông. Song, điều cần làm ngay hiện nay chính là khẩn trương xây dựng hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) phát triển tôm Bạc Liêu, vì qua 6 năm khởi công xây dựng, đến nay chỉ mới hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1, trong khi khu nông nghiệp này được ví như “trái tim” của “thủ phủ” ngành tôm.

LƯ DŨNG - HOÀNG LAM

Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng: Chung tay thi đua và vào cuộc thật quyết liệt

Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước vào năm 2025 là nhiệm vụ chính trị lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ đối với tỉnh Bạc Liêu. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho tỉnh phát triển nhanh. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến năm 2025 không còn nhiều, trong khi việc xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” tôm còn rất nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, nhất là bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững. Do vậy, cả hệ thống chính trị phải chung tay thi đua và vào cuộc thật quyết liệt. Đồng thời phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu đột phá này, xứng đáng là ngọn cờ đầu của cả nước về phát triển thủy sản nói chung và ngành tôm CNC nói riêng.

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Khẩn trương xây dựng và sớm đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu

Để thực hiện thắng lợi “Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước”, đề nghị các sở, ban ngành và các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tại Đề án chủ động, quyết liệt và tích cực triển khai thực hiện. Phấn đấu Bạc Liêu trở thành nơi có sức hút các nhà đầu tư, các nguồn lực và có thể tạo được tác động lan tỏa để thúc đẩy ngành tôm phát triển.

Phải phấn đấu và khẩn trương xây dựng hoàn thành và sớm đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu, với nòng cốt là các tổ chức khoa học - công nghệ và các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển CNC trong ngành công nghiệp tôm. Xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC là hướng phát triển chính của tỉnh, khuyến khích phát triển hình thức nuôi CNC mô hình nông hộ. Xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giám sát dịch bệnh, vùng giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Giới thiệu, cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch về các quy hoạch, chủ trương đã và đang áp dụng, nhất là chủ trương xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước”. Trong đó, cụ thể hóa các khu sản xuất CNC, khu sản xuất phụ trợ, hạ tầng thủy lợi, giao thông và khả năng cung cấp nguyên - nhiên liệu, điện năng... để các nhà đầu tư nắm rõ trước khi quyết định đầu tư.

Nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân; thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát chủ động đối với ao nuôi và kênh cấp đối với vùng đệm và các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu và phát triển sản phẩm mang thương hiệu tôm Bạc Liêu.

UBND tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ các bộ, ngành Trung ương để tăng cường đầu tư hạ tầng cho con tôm. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn để sớm triển khai đầu tư lưới điện phục vụ các vùng nuôi tôm; đầu tư các dự án hạ tầng vùng nuôi tôm, hạ tầng phục vụ sản xuất thức ăn, thuốc thú y thủy sản và các dịch vụ hậu cần liên quan. Đặc biệt là đầu tư Dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A để đảm bảo nguồn nước ngọt “giải khát” cho con tôm và hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm gây lãng phí, hủy hoại tài nguyên nước.

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly: Đề xuất HĐND tỉnh ban hành các chính sách, chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp CNC

Với quyết tâm xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, Bạc Liêu sẽ triển khai, sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong đầu tư phát triển nông nghiệp (Nghị định 57/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn).

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật mô hình nuôi tôm và đề xuất HĐND tỉnh ban hành các chính sách, chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp CNC như: Chính sách khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp; chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm; chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, đặc biệt là trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Song song đó, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XV về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tạo mọi điều kiện cho hộ gia đình có khả năng về vốn, lao động và kinh nghiệm mở rộng quy mô sản xuất theo hình thức trang trại. Khuyến khích liên doanh liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hình thức hợp tác để thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Cùng với đó, tăng cường liên kết vùng trong hợp tác sản xuất để có vùng nguyên liệu lớn, làm nền tảng cho việc đẩy mạnh chuỗi giá trị nông sản chủ lực, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đẩy mạnh thực hiện chương trình hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và TP. Cần Thơ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ thủy sản.

Khuyến khích các công ty, doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung đầu tư, mở rộng quy mô, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng CNC, nhất là các dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư (trường hợp không thực hiện đầu tư sẽ thu hồi chứng nhận đầu tư). Xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng CNC là điểm nhấn và tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Xây dựng chương trình quan trắc, cảnh báo môi trường nước tự động để giúp người nuôi tôm chủ động trong quản lý môi trường và phòng chống dịch bệnh. Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm hiện nay…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.