Tiêu điểm

Bạc Liêu: Phát huy giá trị tài nguyên biển và rừng

Thứ Sáu, 28/10/2022 | 16:19

So với các địa phương khác, Bạc Liêu giàu tài nguyên về biển và rừng. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung khai thác và phát huy thế mạnh này, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động của địa phương.

Rừng trở thành nơi trú ẩn và phát triển của nhiều loài chim quý, góp phần phát triển du lịch sinh thái ở Vườn chim Bạc Liêu.

Mở rộng diện tích rừng phòng hộ

Một trong những nguồn tài nguyên quý của tỉnh chính là hệ thống rừng phòng hộ ven biển. Bạc Liêu có dải rừng phòng hộ dọc theo bờ biển kéo dài 56km. Chiều rộng của dải rừng phụ thuộc vào tốc độ bồi lắng của từng đoạn bờ biển, đoạn có chiều rộng dải rừng lớn nhất khoảng 1.200m - 1.500m; đoạn có chiều rộng trung bình khoảng 600 đến dưới 1.200m và đoạn có chiều rộng dải rừng nhỏ nhất khoảng 60 đến dưới 600m… Toàn tỉnh có hơn 4.133ha đất rừng phòng hộ, chủ yếu là rừng ngập mặn gồm các loài cây đước, sú, vẹt…, phân bố tập trung ở các địa phương có đất bãi bồi ven biển như huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu.

Quy mô diện tích rừng ở Bạc Liêu tuy không lớn, nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh chiếm phần lớn được xếp vào loại rừng phòng hộ xung yếu cho cả vùng nội địa, bởi có tác dụng rất lớn đối với việc chắn sóng, gió, bảo vệ đê và bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản phía trong đê.

Đặc biệt, vùng đất bãi bồi ven biển phía ngoài rừng phòng hộ có diện tích trên 10.000ha đang được quy hoạch sử dụng hợp lý, từng bước cần mở rộng thêm diện tích rừng phòng hộ, nhằm tăng thêm khả năng thích ứng với BĐKH và ứng phó với nước biển dâng, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển. Hiện nay, nguồn tài nguyên phong phú này đang được tập trung khai thác với các mô hình du lịch sinh thái rừng…

Ngoài hệ thống rừng phòng hộ ven biển, Bạc Liêu còn có rừng đặc dụng với tổng diện tích 278ha. Trong đó, rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) có diện tích hơn 125ha và khu rừng đặc dụng ấp Canh Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) rộng hơn 152ha - có nguồn gốc từ rừng ngập mặn ven biển, quá trình bồi đắp và lấn biển làm cho khu rừng ngày càng ở sâu trong nội địa, dần trở thành nơi cư trú của rất nhiều loài chim và các động vật khác (có nhiều loài chim được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007). Hệ động vật rừng rất đa dạng gồm có: cò, vạc, cồng cộc, chồn, rái cá, trăn, rắn và nhiều loài thủy sản dưới vùng ngập nước…


Diêm dân huyện Đông Hải thu hoạch muối. Ảnh: T.L

LÀM GIÀU TỪ BIỂN

Cùng với tài nguyên rừng, Bạc Liêu còn giàu về tài nguyên biển và nguồn lợi thủy hải sản. Với vùng đặc quyền kinh tế biển của tỉnh rộng hơn 20.742km2 và ngư trường rộng trên 40.000km2 có trữ lượng hải sản lớn, phong phú về chủng loại, trong đó nhiều loại có giá trị kinh tế cao như: tôm biển các loại, cá hồng, cá gộc, cá sao, cá thu, cá chim, cá đường… đã cung cấp nhiều loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao cho thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Riêng trữ lượng cá các loại có thể khai thác từ 100.000 - 150.000 tấn/năm, trong đó, tôm biển có trên 30 loài có thể đánh bắt khoảng 10.000 tấn/năm; có trên 20 loài mực, trong đó mực nang, mực ống, mực sim là những loài có trữ lượng lớn và giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, còn có nhiều loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao như: cua, ốc, nghêu, sò…

Bên cạnh đó, nhiều vùng bãi bồi ven biển Bạc Liêu có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nghêu, sò giống. Thời gian qua, tỉnh đã thành lập các hợp tác xã để quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ nguồn lợi và cải thiện đời sống cho các hộ nghèo ven biển. Đặc biệt, khu vực nước lợ ven biển tạo thành vùng sinh thái đặc thù phong phú có tiềm năng rất lớn cho phát triển nuôi trồng thủy sản.

Cùng với nguồn lợi hải sản, biển còn cung cấp lượng muối quan trọng cho công nghiệp và sinh hoạt của người dân. Mùa khô, độ mặn nước biển lên tới 33‰, năng suất muối đạt 40 - 50 tấn/ha; muối Bạc Liêu đã được khẳng định về chất lượng và thương hiệu không chỉ trong nước mà cả ở một số nước như: Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Qua đó cho thấy, nguồn nước biển chính là tài nguyên quý giá cho phát triển nuôi tôm, cá nước mặn, làm muối và trồng rừng phòng hộ ven biển.

Với những đặc điểm về tài nguyên thủy hải sản có thể xem là một nguồn lợi lớn chưa được khai thác có hiệu quả của tỉnh và đây cũng là tiền đề để Bạc Liêu có thể phát triển mạnh về kinh tế biển. Ngoài phát huy thế mạnh trong khai thác đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, vận tải, du lịch biển, tỉnh còn phát triển mạnh về công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch từ các dự án phát triển năng lượng ven biển Bạc Liêu.

Có thể nói, với sự giàu có về tài nguyên biển và rừng, Bạc Liêu cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng trong bảo vệ và khai thác hợp lý các tài nguyên quý này. Từ đó, xây dựng những mô hình, cách làm hay trong quản lý, khai thác tài nguyên, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững “không đánh đổi môi trường vì phát triển kinh tế”.

Hồng Ngọc (bài viết có sử dụng tài liệu của ngành TN-MT)

Rừng ven biển Bạc Liêu có vai trò chính trong phòng hộ ven biển, hạn chế tác động tiêu cực của BĐKH và nước biển dâng. Đồng thời, rừng còn là nơi bảo tồn, phát triển tài nguyên đa dạng sinh học gắn với hệ sinh thái ngập mặn Bán đảo Cà Mau, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên, tài nguyên rừng cũng đã và đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng xâm hại rừng từ các hộ di cư tự do, nạn chặt phá rừng vẫn còn xảy ra, tình trạng rừng chết do canh tác trong nuôi trồng thủy sản vẫn còn.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.