Tiêu điểm
Bạc Liêu: Quyết tâm đột phá từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Một trong những nội dung quan trọng và mang tầm chiến lược được Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từ nay đến cuối nhiệm kỳ chính là tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNƯDCNC) theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Cán bộ ngành Nông nghiệp hướng dẫn nông dân sử dụng máy bay phun thuốc phục vụ sản xuất cho cánh đồng lớn ở huyện Vĩnh Lợi.
NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06 về đẩy mạnh phát triển NNƯDCNC theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH, với mục tiêu đến năm 2025 “có ít nhất 20% diện tích đất canh tác nông nghiệp của tỉnh được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tương đương 47.200ha (trong đó, sản xuất thủy sản chiếm 27.200ha).
Thực tiễn chứng minh, NNƯDCNC đã trở thành xu thế tất yếu và tạo nên những bước tiến đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Sự phát triển và “bùng nổ” của NNƯDCNC cũng xuất phát từ nhiều tiền đề vốn có. Trong những năm gần đây, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động rất lớn của BĐKH mà biểu hiện rõ nét nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở đất. Vào mùa mưa, tình trạng ngập úng đô thị, triều cường, nước biển dâng gây xói lở bờ sông, bờ biển một số nơi diễn biến rất phức tạp, cùng với thời tiết cực đoan đã tạo ra hàng loạt các nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên con người, cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là ngày càng khó dự tính, dự báo, nhất là các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nóng của nền kinh tế cũng đặt ra nhiều nguy cơ về suy thoái, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên đã đến mức báo động. Với trách nhiệm quốc tế của mình, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH (COP26), Việt Nam đã mạnh mẽ cùng với 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, cùng với hơn 100 quốc gia khác đã tham gia cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030. Do vậy, việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này gắn với phát triển NNƯDCNC sẽ mang lại những lợi ích lớn và lâu dài cho Bạc Liêu và cả quốc gia trong việc tận dụng cơ hội để thực hiện tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng các-bon thấp. Đặc biệt, việc phát triển NNƯDCNC sẽ khai thác và tái sử dụng các phế phẩm được thải ra từ sản xuất nông nghiệp và xem đó là “tài nguyên”.
Nông dân sử dụng máy sạ hàng giúp giảm chi phí lao động và đầu tư giống so với phương pháp gieo sạ thủ công.
Một vấn đề quan trọng khác là xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đối với sản phẩm nông nghiệp. Trong đó có vấn đề “môi trường, an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội, an toàn với động vật” là 4 nội dung chính kết hợp với truy xuất nguồn gốc được xem là các tiêu chuẩn chính phải đáp ứng của hầu hết các chứng nhận quốc tế (do nhà nhập khẩu yêu cầu), nhất là các chứng nhận có thị trường rộng và lợi nhuận tốt như ASC, BAP nên việc phát triển NNƯDCNC là nhu cầu tất yếu. Ngoài ra, nhu cầu chuyển đổi số và phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ hiện nay cũng đặt ra yêu cầu phải hiện đại hóa và số hóa ngành Nông nghiệp.
Từ các cơ sở trên, có thể khẳng định rằng, phát triển NNƯDCNC là xu hướng và nhu cầu mang tính bắt buộc để nền nông nghiệp tỉnh nhà nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, phù hợp với quan điểm chỉ đạo được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
TIÊN PHONG VỀ CÔNG NGHỆ CAO
Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước, đến nay Bạc Liêu được xem là địa phương dẫn đầu về các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với sự tiên phong của Tập đoàn Việt - Úc.
Tập đoàn Việt - Úc giới thiệu sản phẩm mang tên “Con tôm hoàn hảo”.
Ưu tiên đẩy mạnh phát triển và áp dụng NNƯDCNC, Việt - Úc là tập đoàn đầu tiên thực hiện thành công “khép kín toàn chuỗi” giá trị ngành tôm. Đó là từ con tôm bố mẹ, đến tôm giống, nuôi tôm thương phẩm đến nhà máy chế biến thủy sản và cho ra đời các sản phẩm mang tên “Con tôm hoàn hảo”. Đặc biệt, Tập đoàn đã tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ cao và hướng tới giá trị bền vững cho toàn ngành tôm với việc tự động hóa trên 70% quy trình sản xuất. Đầu vào của nhà máy là những con tôm được nuôi theo quy trình sạch, không sử dụng kháng sinh, hóa chất, truy xuất được nguồn gốc, màu sắc và hương vị vượt trội, sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu từ các thị trường khó tính nhất. Việc ứng dụng công nghệ cao để kiểm soát toàn chuỗi giá trị này, không chỉ góp phần nâng tầm thương hiệu cho con tôm Bạc Liêu, mà còn thể hiện khát vọng đưa con tôm Việt Nam cạnh tranh về giá trị, thương hiệu với các sản phẩm cùng loại trên thế giới.
Cùng với tập Tập đoàn Việt - Úc, phát triển NNƯDCNC trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang tạo ra những lan tỏa rộng trong thế mạnh này. Đến nay, Bạc Liêu đã phát triển được 5 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 3.900ha (ở phường Nhà Mát - TP. Bạc Liêu; các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh - huyện Hòa Bình và xã Long Điền Tây - huyện Đông Hải).
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao của Công ty Trúc Anh. Ảnh: K.T
Ngoài thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản, một số lĩnh vực khác cũng phát triển các mô hình NNƯDCNC và sản xuất theo hướng hữu cơ như: sản xuất lúa có 8.386ha, sản xuất rau màu hơn 71ha, cây ăn trái 15ha…
Tuy nhiên, việc phát triển NNƯDCNC thời gian qua cũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Một trong những khó khăn ấy chính là mức độ lan tỏa còn khá chậm và khả năng sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu mà Nghị quyết 06 đề ra. Đến nay, cả tỉnh chỉ mới có 25 công ty và trên 830 hộ dân áp dụng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 4.607ha và diện tích này chỉ chiếm 3,26% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tâm lý sản xuất theo truyền thống của nông dân vẫn còn khá phổ biến, nhiều nông dân ngại thay đổi tư duy và chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất. Những mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao đưa vào sản xuất còn rất ít, đa phần chỉ ứng dụng ở một số khâu nhất định và ít tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp để khuyến khích nông dân làm theo.
Việc tổ chức sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm còn chậm và lỏng lẻo, chưa gắn kết chặt chẽ trách nhiệm và lợi ích các bên với nhau. Mối liên kết giữa doanh nghiệp, ngân hàng và nông dân để tạo ra chuỗi giá trị còn thiếu và chưa bền vững, nhất là chuỗi giá trị thủy sản, lúa gạo còn nhiều bất cập, liên kết đôi khi còn hình thức, chưa gắn kết giữa sản xuất với thị trường… Vì vậy, chưa thúc đẩy và gắn kết được doanh nghiệp hợp tác với nông dân để hình thành nên những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn gắn với mô hình NNƯDCNC.
KIM TRUNG
Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Ứng dụng công nghệ cao là giải pháp đột phá trong chương trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp
Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được khẳng định là vấn đề cấp thiết và được xem là giải pháp đột phá trong chương trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, góp phần tăng trưởng kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, nhất là khu vực nông thôn. Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, phát triển sản xuất các vùng nông nghiệp tập trung của tỉnh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hình thành các vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, đặc biệt phấn đấu đến năm 2030, diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, bán thâm canh đạt 30.300ha (trong đó có 7.300ha nuôi siêu thâm canh); thực hiện cánh đồng lớn gắn với bao tiêu lúa gạo đạt 100.000ha gieo trồng lúa, xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, sạch bệnh quy mô 1.700ha và phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao (lúa thơm, lúa đặc sản), lúa chịu mặn mang thương hiệu Bạc Liêu. Trong đó, vùng lúa chất lượng cao chiếm trên 92% diện tích gieo trồng và mở rộng quy mô canh tác tôm - lúa gắn với phát triển sản phẩm tôm sạch - lúa an toàn, quy mô khoảng 70.000ha. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo sức lan tỏa.
Hai là, quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư lĩnh vực NNƯDCNC, liên kết chuỗi giá trị. Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng hợp tác xã, doanh nghiệp NNƯDCNC. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tôm sạch Bạc Liêu và đẩy nhanh thực hiện các thủ tục để được công nhận giống lúa thơm BL9 kết hợp với nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Phát huy vai trò tổ chức và điều phối giữa các thành phần liên kết của chính quyền các cấp, có kế hoạch cụ thể cho tiến trình liên kết. Thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, câu lạc bộ, nhóm sản xuất của nông dân. Thúc đẩy phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để tăng sức cạnh tranh cho nông sản của tỉnh. Từ đó thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị để tăng tính cạnh tranh nông sản, nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất theo nhu cầu của thị trường.
Ông Lâm Thành Đắc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu: Cần nâng cao nhận thức và hành động về phát triển NNƯDCNC
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 06, Bạc Liêu cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động về vị trí, tầm quan trọng của NNƯDCNC đối với quá trình phát triển bền vững của tỉnh. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức bắt đầu từ thay đổi tư duy, tập quán sản xuất - kinh doanh, nhằm tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng, đảm bảo các yêu cầu, quy định về chất lượng của nông sản trong quá trình hội nhập.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất công nghệ cao (CNC) theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH. Trong đó, tập trung xác định rõ từng vùng, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao (lúa Một bụi đỏ Hồng Dân, Tài nguyên Vĩnh Lợi, ST24, ST25 Phước Long...); vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm; vùng sản xuất luân canh lúa - tôm tại khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A; vùng sản xuất rau màu, vùng trồng cây ăn trái (Thanh nhãn Bạc Liêu); vùng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, bán thâm canh; vùng nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng; vùng sản xuất muối chất lượng cao… tại khu vực phía Nam Quốc lộ 1A. Đặc biệt, phải ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển NNƯDCNC và phát huy vai trò kinh tế hợp tác trong phát triển nông nghiệp CNC. Trong đó, chú trọng việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng (hệ thống thủy lợi, ô đê bao, trạm bơm, điện, giao thông... phục vụ phát triển NNƯDCNC). Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp CNC và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ và tạo kênh phân phối trong lĩnh vực nông nghiệp CNC.
Song song đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả Khu NNƯDCNC phát triển tôm Bạc Liêu để thu hút doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thủy sản, hoạt động nghiên cứu, trình diễn ứng dụng CNC. Khẩn trương đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm ứng dụng CNC trong Khu NNƯDCNC phát triển tôm Bạc Liêu, nhằm nâng cao tính chủ động trong sản xuất tôm giống, kể cả tôm bố mẹ chất lượng cao, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào giống nhập ngoại.
L.D (thực hiện)
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp