Tiêu điểm
Các địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 27/4/2016 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc phát hiện và bồi dưỡng nhân rộng điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phát động phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu ở nhiều lĩnh vực. Thi đua hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, thực hiện tốt việc đăng ký, ký kết giao ước thi đua, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn.
Huyện Vĩnh Lợi: Dấu ấn từ những công trình giao thông
Một con lộ giao thông nông thôn của huyện Vĩnh Lợi.
Về huyện Vĩnh Lợi hôm nay, những con đường được trải nhựa phẳng phiu, nhiều cây cầu bê-tông được sửa chữa, xây dựng mới đã giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận tiện, dễ dàng. Những công trình này cũng đã mang lại diện mạo và sức sống mới cho vùng nông thôn của huyện.
Để đạt thành tựu trên, hàng năm Vĩnh Lợi đã chi hàng chục tỷ đồng và kết hợp nhiều nguồn vốn, vận động nhân dân đóng góp, hiến đất để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Hiện đã có 7 tuyến đường giao thông trục xã, liên xã với tổng chiều dài hơn 39.000m, bề rộng mặt đường từ 3,5 - 5,5m được đầu tư nhựa hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện, đạt 100% theo bộ tiêu chí nông thôn mới. Có 53 tuyến đường giao thông trục liên ấp, tổng chiều dài hơn 212.000m, đã đầu tư xây dựng 124.000m, đạt gần 59%. Có 259 tuyến đường ngõ xóm dài hơn 236.000m được đầu tư cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa, với kết cấu mặt đường là bê-tông, đan, bề rộng mặt đường từ 1,2 -1,5m, đạt tiêu chí nông thôn mới. Hầu hết các tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp đã và đang được xây dựng bê-tông hoàn chỉnh, việc đi lại thuận tiện, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Huyện Hòa Bình: Chú trọng hỗ trợ giảm nghèo
Nơi giải quyết các thủ tục cho người dân xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình).
Năm vừa qua, với quyết tâm cao và thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện Hòa Bình tiếp tục có bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, đặc biệt là công tác giảm nghèo. Kết quả điều tra đầu năm 2018, huyện còn 3.409 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,49% và 1.812 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,17%. Huyện đã xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, huy động mọi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm giúp người nghèo vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo, cho vay hơn 9 tỷ đồng, có 406 hộ nghèo được vay; chương trình cho vay hộ cận nghèo trên 18 tỷ đồng, có 800 hộ vay. Vận động quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội trên 8 tỷ đồng, đã khởi công xây dựng, sửa chữa 593 căn nhà theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng 132 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Đồng thời hỗ trợ công cụ, phương tiện, tạo điều kiện cho người nghèo có vốn sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Kết quả hết năm 2018, hộ nghèo của huyện giảm từ 3.409 hộ xuống còn 1.829 hộ, tương đương tỷ lệ từ 13,49% xuống còn 7,21%.
Huyện Hồng Dân: Nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân
Tặng nhà tình thương cho hộ nghèo ở huyện Hồng Dân.
Thời gian qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh” luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Hồng Dân quan tâm chỉ đạo và tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Trong chỉ đạo sản xuất, huyện khuyến cáo người dân thực hiện chuỗi liên kết làm tiền đề quan trọng để đổi mới phương thức sản xuất. Hiện có 17.000ha sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn” đảm bảo ngày càng phát triển toàn diện và bền vững. Toàn huyện có 17 HTX nông nghiệp, hơn 80 doanh nghiệp với hàng ngàn lao động có việc làm ổn định và thu nhập khá, 142 tổ hợp tác thực tế có hoạt động, với 6.421 thành viên. Mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thực hiện tốt công bằng xã hội và đảm bảo tốt các chính sách an sinh xã hội. Tính đến nay, huyện Hồng Dân có 4/8 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt từ 11 - 17 tiêu chí.
TP. Bạc Liêu: Tạo diện mạo cho thành phố năng động
Du khách tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: K.P
Trong các phong trào thi đua của mình, TP. Bạc Liêu đã tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, huy động được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, phát triển du lịch, đầu tư nhiều công trình động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho thành phố năng động trong tương lai.
Thành phố cũng đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới, đang đề nghị cấp trên xem xét để đến cuối năm có một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tiến tới xây dựng 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng thu nhập GRDP là 9,07%, đạt 120,93% kế hoạch. Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ không còn hộ nghèo, không còn nhà ở lụp xụp, tạm bợ.
Công tác quốc phòng - an ninh được đảm bảo, thành phố không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Năm 2018 tổ chức diễn tập được đánh giá đạt loại xuất sắc. Với những thành tích đó, cho thấy rằng thành phố luôn xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, từng bước trở thành thành phố xanh - sạch - đẹp, văn minh và từng bước hiện đại.
KIM PHƯỢNG
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh