Tiêu điểm

Cần lắm giải pháp phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng

Thứ Hai, 09/09/2024 | 15:56

Một trong 3 đột phá chiến lược được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định chính là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là ưu tiên hàng đầu, nhất là hệ thống giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn qua tỉnh Bạc Liêu).

ƯU TIÊN ĐẦU TƯ CHO VÙNG

Phải khẳng định rằng, vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước và đây cũng là vùng đồng bằng non trẻ dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Với đặc điểm tự nhiên chủ yếu là đồng bằng nhưng địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch nên hệ thống giao thông ĐBSCL luôn chịu tác động trực tiếp của nước biển dâng, làm ảnh hưởng sâu sắc đến sinh kế, đời sống của người dân.

Nhận thức rõ các thách thức liên quan đến BĐKH và tìm kiếm các giải pháp ứng phó trên tinh thần “thích ứng” và “sống chung”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Thực hiện Nghị quyết 120, thời gian qua, Bộ Giao thông - vận tải (GT-VT) đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng ĐBSCL tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên đầu tư trước các công trình có tích hợp thực hiện giải pháp nâng cao khả năng chống chịu BĐKH và nước biển dâng.

Đến nay, về đường bộ cao tốc, toàn vùng đã đưa vào khai thác 120km và đang triển khai thi công, phấn đấu cơ bản hoàn thành đến năm 2025 thêm 428km. Trong đó, hướng tuyến và giải pháp kết cấu công trình đều đảm bảo hạn chế tối đa tới hành lang thoát lũ trong vùng, cũng như kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều. Ngoài ra, các giải pháp về sử dụng vật liệu mới như cát biển cũng đã được Bộ GT-VT hoàn thành triển khai thí điểm, từ ngày 30/6 đã bắt đầu khởi công khai thác mỏ cát biển tại Sóc Trăng để làm vật liệu đắp nền cho đoạn tuyến cao tốc đi qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên giang và Cà Mau.

Ngoài đường bộ, Bộ GT-VT cũng đang triển khai nghiên cứu xây dựng đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ với mục tiêu phấn đấu khởi công trước năm 2030 và hoàn thành trước năm 2035, nhằm bổ sung cho vùng một phương thức vận tải bền vững, không phát thải.

Bên cạnh đó, ĐBSCL còn đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường thủy nội địa và cảng biển, cảng hàng không.

…………………….....................................................................................................................................................................................................

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”

Tại buổi làm việc về tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL vào giữa tháng 7/2024 tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong vùng phải đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau với tinh thần hiệu quả. Phải tự tin tìm ra tất cả những gì có thể, vận dụng tối đa cơ chế, chính sách, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương trong quá trình phát triển. Có tinh thần tự lực, tự cường, vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Làm tốt công tác truyền thông, khách quan, trung thực với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; chia sẻ, hỗ trợ nhau lúc khó khăn.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu mục tiêu không thay đổi, phấn đấu hoàn thành 600km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này ở ĐBSCL, tập trung cho 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam và Đông - Tây, trong đó tuyến cao tốc trục Bắc - Nam phải hoàn thành trước ngày 31/12/2025...; tích cực hưởng ứng phong trào thi đua nước rút 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường cao tốc chào mừng Đại hội lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi hoàn thành sớm các công trình này, chúng ta sẽ đưa vào khai thác sử dụng sớm, tạo không gian phát triển mới, tạo giá trị mới, thặng dư về đất lớn hơn, tạo các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ mới, tạo sinh kế cho người dân với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Phải tính toán vốn để báo cáo cấp thẩm quyền; Chính phủ sẽ giải quyết theo thẩm quyền. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu, điều tiết vốn cho các công trình, dự án.

Xây dựng tuyến giao thông ven biển Bạc Liêu.

THÁCH THỨC CỦA BẠC LIÊU

Dù vùng ĐBSCL đang được tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, nhưng Bạc Liêu lại là một “ngoại lệ” với “4 cái không” về giao thông và trong tương lai gần khó tránh khỏi nguy cơ bị tách biệt do hệ thống giao thông chưa được kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL. Đó là không có cảng hàng không, không cảng biển, không đường sắt và hệ thống đường cao tốc trong khu vực ĐBSCL chỉ đi qua phần giáp ranh của tỉnh Bạc Liêu với chiều dài khoảng 7km. Đáng quan tâm nhất, Bạc Liêu là tỉnh duy nhất của phía Nam không có đường cao tốc đi qua khu vực trung tâm tỉnh. Với vị trí và thực trạng hạ tầng giao thông như thế, Bạc Liêu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư.

Để khắc phục phần nào những khó khăn ấy, phát huy nguồn nội lực phát triển hạ tầng giao thông nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, thời gian qua, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng được Bạc Liêu quan tâm thực hiện, trong đó ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối với các tuyến quốc lộ, đường ven biển, các trung tâm kinh tế, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến như: Dự án xây dựng tuyến đường ĐT.979 (đoạn từ thị trấn Phước Long, huyện Phước Long đi Ba Đình, huyện Hồng Dân); đường ĐT.980 (Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền) nối với đường Hồ Chí Minh (đoạn Phó Sinh - Cạnh Đền); Đường ĐT.981B Hộ Phòng - Gành Hào.

Ngoài ra, Bạc Liêu cũng đã đề nghị Chính phủ, Bộ GT-VT đầu tư các tuyến giao thông liên kết vùng ĐBSCL và đã có kết quả bước đầu. Theo đó, với Dự án Đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (có đoạn tuyến từ Quốc lộ 1 đến đê biển Bạc Liêu đi qua địa bàn TP. Bạc Liêu), Bộ GT-VT đã giao cho Ban Quản lý dự án Mỹ thuận tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và UBND tỉnh Bạc Liêu đã có ý kiến đối với phương án hướng tuyến và các điểm khống chế trên tuyến.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề xuất Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ (53, 52, 91B) tại vùng ĐBSCL vay vốn Ngân hàng Thế giới (trong đó, có tuyến Quốc lộ 91B là đường Nam Sông Hậu, đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu dài 13km). Bộ GT-VT đang lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hiện đã hoàn thiện đề xuất dự án “Đường ven biển đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu và đoạn nhánh kết nối đường Nam Sông Hậu” vay vốn ADB theo đề nghị của Bộ KH-ĐT và trình lại Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính.

Cùng với đó, Bạc Liêu đã tổ chức thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 do Trung ương đầu tư qua địa bàn tỉnh. Phối hợp với các bộ, ngành chức năng gấp rút thực hiện các bước chuẩn bị cho Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu); tích cực phối hợp với tỉnh Cà Mau trong triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Ông Đốc, tuyến trục Đông Tây và cầu Gành Hào, kết nối tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau…

Trên thực tế, một số dự án giao thông trọng điểm này sẽ được tiến hành thực hiện trong tương lai và thời gian nào sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác vẫn chưa được ấn định. Điều đó đồng nghĩa với việc giao thông của tỉnh sẽ tiếp tục gặp khó và cần lắm những giải pháp để hóa giải các thách thức, nhất là trong điều kiện Bạc Liêu là một trong những tỉnh của khu vực ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH và nước biển dâng.

Bạc Liêu cần khai thác tuyến giao thông đường thủy trong điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp. Ảnh: K.T

 

Giám đốc Sở GT-VT - Nguyễn Huy Dũng: Ưu tiên bố trí vốn cho các tuyến giao thông kết nối

Để tăng khả năng kết nối với các tuyến cao tốc và đẩy mạnh tham gia liên kết vùng, ngành GT-VT sẽ tham mưu tổ chức triển khai thực hiện tốt hợp phần giao thông trong Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư các công trình giao thông huyết mạch kết nối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Hà Tiên - Bạc Liêu; tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất, kiến nghị với Trung ương ưu tiên bố trí vốn ngân sách đầu tư phát triển cho các tuyến đường giao thông kết nối với tuyến cao tốc Hà Tiên - Bạc Liêu và mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1 (bao gồm các tuyến tránh đi qua đô thị Hòa Bình, Giá Rai) trong giai đoạn 2025 - 2030; tranh thủ các nguồn vốn viện trợ, vốn vay để hỗ trợ tỉnh nâng cấp và đầu tư mới các tuyến kết nối vào các tuyến cao tốc, quốc lộ và tuyến ven biển để thực hiện chức năng liên kết vùng.

Về cơ chế chính sách, kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện và bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư đối với nhà đầu tư khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đối với đường bộ cao tốc, quốc lộ, tuyến đường thủy nội địa theo hướng tiếp cận với thị trường và thông lệ quốc tế, đảm bảo sự hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Đẩy mạnh việc chuyển nhượng, cho thuê khai thác kinh doanh hạ tầng giao thông, ban hành chính sách cụ thể hướng dẫn áp dụng mô hình xã hội hóa kết cấu hạ tầng giao thông đối với từng chuyên ngành, đặc biệt là các cảng biển đầu mối. Ban hành các chính sách về huy động vốn đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn đối với kênh huy động vốn từ nguồn tín dụng, mở rộng kênh huy động vốn từ nguồn vốn nước ngoài đối với các dự án có quy mô lớn. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách đầu tư phát triển cho các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh theo quy hoạch…

 

Bí thư Huyện ủy Hồng Dân - Nguyễn Văn Chung: Hỗ trợ, bổ sung vốn để huyện nâng cấp, mở rộng các tuyến đường

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (khóa XIII) đến nay, Hồng Dân đã tiến hành quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường về trung tâm xã. Đặc biệt, hoàn thành công trình cầu Xẻo Vẹt, kết nối với huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) và hoàn thành dự án xây dựng các tuyến đê ngăn mặn cấp bách kết hợp đường giao thông để bảo vệ, phát triển vùng tôm - lúa huyện Hồng Dân đưa vào sử dụng. Đặt biệt trên địa bàn huyện những năm qua còn được tỉnh và Trung ương đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường Ninh Quới - Ngan Dừa (ĐT.978), Phước Long - Ba Đình (ĐT.979), Phó Sinh - Cạnh Đền (ĐT.980); tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Chuẩn bị triển khai đầu tư các công trình dự án như: đường Trèm Trẹm - Xẻo Quao; đường Hồ Chí Minh, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhứt, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Đây là những công trình động lực, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng là điều kiện thuận lợi giúp huyện phát triển toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực gắn với giao thương một số tỉnh khu vực ĐBSCL.

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, Hồng Dân sẽ tổ chức quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, có sự gắn kết với các đường giao thông tỉnh, huyện, đường trục xã, liên xã, đường trục ấp, liên ấp tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, thông suốt từ tỉnh đến huyện và các tỉnh, huyện bạn giáp ranh, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thương của doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội và tiếp tục dành vốn Nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng. Đồng thời, kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, bổ sung vốn để huyện nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, nhất là các tuyến từ huyện về trung tâm các xã trong huyện (hiện mặt đường 3,5m). Cần tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thi công dự án của tỉnh và Trung ương trên địa bàn huyện đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng thời gian, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.