Tiêu điểm

Cần phát huy giá trị con cá kèo

Thứ Hai, 20/01/2025 | 16:42

Với điều kiện sinh thái đặc thù, Bạc Liêu hội tụ nhiềm tiềm năng, thế mạnh cho phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Trong đó, ngoài thế mạnh về nuôi tôm công nghệ cao và các mô hình nuôi tôm sinh thái, cũng cần phát triển thêm các loại thủy sản khác mang lại giá trị kinh tế cao trong điều kiện nghề nuôi tôm đã bộc lộ hàng loạt các khó khăn, thách thức cho phát triển bền vững.

Cá kèo Bạc Liêu giàu dinh dưỡng và mang lại giá trị kinh tế cao.

CÁ KÈO CÓ THỂ THAY THẾ TÔM?

Qua khảo sát thực tế các hộ nuôi tôm ven biển cho thấy, từ nuôi tôm công nghiệp đến nuôi sinh thái, nuôi theo hình thức quảng canh hoặc tôm - rừng đã bắt đầu bộc lộ nhiều khó khăn, một số hộ đã quay đầu với con tôm do chi phí đầu tư cao, nhiều rủi ro và tỷ lệ thành công không nhiều. Thậm chí, có những nơi trong vòng vài năm trở lại đây không thu được gì từ con tôm nên phải bỏ đất trống. Cho nên, vấn đề đặt ra là phải có một vật nuôi mới để thay thế trong điều kiện nông dân không còn vốn để nuôi tôm và khắc phục tình trạng bỏ đất trống không đưa vào khai thác. Giải quyết cái khó này còn gắn với bài toán thu nhập, việc làm và cả khai thác có hiệu quả tài nguyên đất, chống tái nghèo, tha hương.

Từ thực tế sản xuất, ngành Nông nghiệp và các địa phương có thể nghiên cứu phát triển mô hình nuôi cá kèo. Bởi nuôi cá kèo là mô hình không mới nhưng lâu nay chưa được quan tâm và đầu tư theo chiều sâu, nhất là chưa tập trung phát triển đối tượng nuôi này theo hình thức công nghiệp. Trong khi đó, con cá kèo là một trong những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế rất cao, chi phí đầu tư không nhiều và có thể nuôi theo mô hình quảng canh kết hợp với các loại thủy sản khác. Hiện nông dân các huyện Hồng Dân, Phước Long đang áp dụng nuôi cá kèo trên mô hình tôm - lúa và bước đầu mang lại kết quả đáng phấn khởi.

Theo tính toán của các hộ nuôi cá kèo theo hình thức nuôi công nghiệp, với hệ số 1,5kg thức ăn/kg cá và giá thành sản xuất khoảng 60.000 đồng/kg, thì với giá cá kèo đạt 150.000/kg và tỷ lệ sống 80% thì lợi nhuận 30 - 40 tỷ đồng/ha (với mật độ 100 con/m2); còn nếu giá cá kèo 200.000/kg thì lợi nhuận 50 - 60 tỷ đồng/ha. Trong khi đó, đối với mô hình nuôi quảng canh không cần thức ăn công nghiệp thì có thể thả nuôi với mật độ thưa và cá kèo có thể lấy thức ăn từ tự nhiên có trong ao như: phù du động - thực vật, sinh vật đáy, rong tảo sống bám, mùn bã hữu cơ… do cá kèo có đặc tính ăn tạp. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và cải tạo môi trường ao nuôi. Đáng ghi nhận hơn cả là con cá kèo ngoài sống trong môi trường nước mặn, lợ, còn có thể nuôi trong ruộng muối. Do vậy, nếu phát triển được mô hình nuôi này sẽ khai thác tốt tài nguyên đất sản xuất muối ven biển với hơn 1.460ha, thay vì bỏ đất trống sau vụ muối.

Chế biến khô cá kèo phục vụ thị trường Tết. Ảnh: K.T

CẦN CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CHUYÊN SÂU

Nuôi cá kèo là mô hình không khó và gần như nông dân đều sản xuất có lãi, nhưng “nút thắt” của việc khó nhân rộng mô hình này trong thời gian qua chính là không chủ động được nguồn con giống và chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về phát triển con cá kèo. Bởi con giống cá kèo lâu nay chủ yếu được khai thác từ tự nhiên và điều đáng quan tâm hơn cả chính là việc khai thác quá mức, thậm chí tận diệt luôn nguồn lợi cá kèo do khai thác không đúng cách. Thêm vào đó,  ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái biến động, đặc biệt độ mặn tăng cao nên sản lượng khai thác đối tượng này ngày càng giảm dần, kéo theo hoạt động khai thác nguồn giống trong tự nhiên cung cấp cho mô hình nuôi thương phẩm thường bị động về mặt số và chất lượng. Cũng như, không đảm bảo và không đúng theo kinh nghiệm dự báo, tính toán của người dân, hệ quả là con giống thường không đủ về số lượng cung cấp cho người nuôi, nhất là con giống khai thác quá nhỏ nên cá con thu từ tự nhiên chết khá nhiều trước khi chuyển vào ao ương. Đây cũng là nguyên nhân làm cho chi phí con giống luôn biến động và có xu hướng tăng cao làm ảnh hưởng đến chi phí và hiệu quả đầu tư vào mô hình nuôi cá của người dân.

Từ những vấn đề trên cho thấy, Bạc Liêu cần có một công trình nghiên cứu kỹ thuật sinh sản nhân tạo và ương giống cá kèo ở vùng ven biển của tỉnh. Đây là vấn đề rất có ý nghĩa trong giải quyết bài toán nuôi tôm kém hiệu quả và nâng cao thu nhập cho nông dân. Qua đó, góp phần chủ động cung cấp con giống cá kèo cho các hộ nuôi trong tỉnh và hướng đến sản xuất con giống bán sang các tỉnh, thành khác trong cả nước gắn với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất con giống về nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, sự thành công của mô hình sản xuất cá kèo giống sẽ là cơ sở lý luận vững chắc cho việc xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi cá kèo thương phẩm. Đồng thời, góp phần và hình thành nên sự đa dạng trong nuôi trồng thủy sản và đối tượng nuôi thương phẩm trên diện tích canh tác của nông hộ, hạn chế sự rủi ro, nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản. Mặt khác, tạo được thu nhập trên đồng đất của mình cũng chính là góp phần giảm nghèo bền vững, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nông dân trong tăng thu nhập, thậm chí thể hiện được khát vọng hình thành nên trung tâm sản xuất cá kèo giống cấp vùng và xây dựng nên nguồn nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu ở địa phương gắn với các sản phẩm OCOP được chế biến từ con cá kèo...

Với việc nghiên cứu kỹ thuật sinh sản nhân tạo và ương giống cá kèo ở vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu được quan tâm thực hiện, dự kiến sẽ mang lại những kết quả sau:

Thực nghiệm và xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học xác định được mùa cá kèo sinh sản, xác định được hệ số điều kiện và sự phát triển của tuyến sinh dục cá kèo đực và cái trong quá trình thành thục và phát triển của tuyến sinh dục cá, sức sinh sản cùng đường kính trứng cá cho hoạt động sinh sản nhân tạo. Xây dựng quy trình công nghệ tác động nuôi vỗ thành thục sinh dục, cá kèo mang trứng và tham gia sinh sản. Xây dựng thành công quy trình công nghệ nuôi cá kèo thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo…

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu này khi thành công và áp dụng vào thực tiễn sẽ hình thành các quy trình công nghệ, góp phần chủ động sản xuất và cung cấp đầy đủ con giống cá kèo chất lượng cao cho nhu cầu của người nuôi cá kèo thương phẩm ở tỉnh Bạc Liêu và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Bảo tồn nguồn gien loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao, một loại đặc sản bản địa quý của địa phương tỉnh Bạc Liêu và giúp cho người sản xuất thủy sản có điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên đất và nước trên cơ sở đa dạng hóa đối tượng và mô hình nuôi cá kèo, thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở địa phương. Đồng thời, hình thành và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc sản cá kèo cho tỉnh Bạc Liêu.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.