Tiêu điểm

Cảnh báo sụt lún ven sông

Thứ Sáu, 10/05/2024 | 15:20

Do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài khiến mực nước trên các tuyến kênh, rạch xuống thấp đã làm cho nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, nhà ở trên địa bàn tỉnh bị sụt lún, gây thất thoát về tài sản cũng như ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và việc đi lại của người dân. Ngành chức năng và người dân đang nỗ lực triển khai các biện pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại, sớm ổn định đời sống.

Chính quyền địa phương cắm biển báo các điểm sạt lở để cảnh báo người dân lưu thông qua lại.

Liên tiếp xảy ra sụt lún ở nhiều nơi

Theo báo cáo của UBND huyện Hồng Dân, do ảnh hưởng của mực nước thấp trên các tuyến kênh rạch khô cạn, làm cho một số tuyến đường giao thông (đường bê-tông ngang 3,5m) bị sụt lún với tổng chiều dài khoảng 1.020m, thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Cụ thể, xã Ninh Quới có 22 tuyến đường bị sụt lún với tổng chiều dài 1.409m; xã Ninh Hòa có 7 tuyến đường bị sụt lún, tổng chiều dài 622m, có 4 hộ ảnh hưởng về nhà ở; xã Ninh Quới A có 10 tuyến đường bị sụt lún, tổng chiều dài 1.315m; thị trấn Ngan Dừa có tuyến đường Bà Gồng - Bà Hiên (Cống khu tái định cư đến Cống Bà Hiên) bị sụt lún với tổng chiều dài 50m, có 3 hộ ảnh hưởng đến nhà ở, trong đó có nhà của 1 hộ dân bị sụt lún hoàn toàn.

Chưa hết bàng hoàng sau vụ sụt lún khi căn nhà cấp 4 bị sụp hẳn xuống rạch, chị Đỗ Thị Huyền (ấp Bà Hiên, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) cho biết: “Khi xây nhà đã làm nền móng rất kỹ, đặc biệt là khu vực giáp với con rạch vì sợ sụt lún. Tính toán kỹ vậy mà còn tránh không khỏi thiệt hại. Trước đó, căn nhà không hề có biểu hiện gì. Chỉ trong tích tắc, nhà cửa tan tành hết rồi”. Rất may, vụ sụt lún không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại tài sản ước tính ban đầu khoảng 400 triệu đồng. Sau khi bị sụp xuống rạch, căn nhà không thể sửa chữa để đưa trở lại hiện trạng ban đầu, chị Huyền phải tốn vài chục triệu đồng để phá dỡ, cố gắng vớt vát một phần tài sản còn lại. Theo UBND thị trấn Ngan Dừa, nguyên nhân gây nên vụ việc trên là do thời gian gần đây mực nước rạch Bà Hiên rất thấp do khô hạn (kênh sắp cạn), hai bên bờ rạch tiến triển hiện tượng sụt lún, cộng thêm việc căn nhà được xây dựng sát mé kênh có khối lượng nặng, lâu ngày dẫn đến sụt lún.

Không mất tài sản nhưng việc sụt lún lộ nông thôn đã khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sản xuất. Ông Nguyễn Văn Việt (ấp Ninh Tiến, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) cho biết: “Nước dưới sông xuống thấp so với nhiều năm trước khiến cho con lộ bê-tông mới vừa được đưa vào sử dụng cách đây không lâu đã bị sụt lút, gây hư hỏng nặng nề, làm cho việc lưu thông của người dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đầu con đường bị bị nứt nhẹ, nhưng sau đó, đổ dần xuống phía sông, kéo dài ra”.

Ngoài huyện Hồng Dân, trên địa bàn TX. Giá Rai từ đầu năm đến nay cũng liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt người dân. Gần đây nhất là vụ sạt lở liên quan đến 12 căn nhà của các hộ dân trên địa bàn xã Tân Phong. Ngoài ra, có trên 20 căn nhà khác cũng bị rạn nứt và có nguy cơ sạt lở trong thời gian tới. Là một trong những hộ có nhà bị ảnh hưởng của vụ sạt lở, ông Trần Tấn Lực (xã Tân Phong, TX. Giá Rai) chia sẻ: “Cách đây khoảng 1 tuần thì xảy ra sạt lở cuốn trôi toàn bộ nhà sau của gia đình xuống sông, rất may không thiệt hại về người. Nhà không có đồ đạc gì nhiều nên khi thấy nhà sau nứt gia đình đã chủ động di dời đồ đạc ra nhà trước…”.

Còn ở huyện Vĩnh Lợi, cuối tháng 3/2024, tuyến lộ bê-tông thuộc đường ô đê bao nằm trên địa bàn ấp Chắc Đốt (xã Châu Hưng A) đã bị sụt lún và sạt lở. Toàn bộ nền, mặt đường bê-tông cốt thép dài khoảng 31,5m, rộng 2,5m với kết cấu bê-tông cốt thép bị sụt lún, đổ hoàn toàn xuống lòng kênh Chắc Đốt. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Lợi đã phối hợp với các đơn vị có liên quan và xã Châu Hưng A tổ chức khảo sát sự cố công trình.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Hoàng Hiệp: Khắc phục sạt lở - câu chuyện của cả vùng

Thực tế các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn cả những kịch bản được tính toán. Theo tôi, bài toán về việc xử lý sạt lở là của cả vùng chứ không phải từng điểm. Bởi vì có những điểm kè ở thượng nguồn nhưng lại bị sạt lở ở hạ nguồn. Chúng ta cần có một giải pháp tổng thể với nhiều biện pháp khác nhau nhưng phải dựa vào quy luật của dòng chảy.

Quan điểm của cá nhân tôi và Bộ NN&PTNT là cần có giải pháp tổng thể để giải quyết sạt lở gắn với thực tiễn, đưa ra là phải làm được. Sạt lở có nhiều nguyên nhân, có thể do địa chất, do mưa…, nhưng ở thời điểm hiện nay cứ nói do biến đổi khí hậu và thực chất ở một số điểm lại do con người là nhiều. Như vậy mỗi một khu vực, điểm sạt lở lại cần phương pháp tiếp cận khác nhau vì nguyên nhân khác nhau.

.................................................................................................................................................................................................................................

Khẩn trương thực hiện giải pháp ứng phó

Ngay sau xảy ra sụt lún, UBND các huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn lắp đặt biển cảnh báo, rào chắn nghiêm cấm người dân lưu thông qua các đoạn đường nguy hiểm. Đồng thời, cử lực lượng xuống để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, làm đường tạm để người dân có thể lưu thông. Ông Huỳnh Thanh Toàn - Trưởng phòng Kinh tế TX. Giá Rai, cho biết: “Trước tình hình trên, TX. Giá Rai đã thành lập đoàn đến thăm các gia đình bị ảnh hưởng, đồng thời, chỉ đạo các địa phương tích cực hỗ trợ hộ dân vận chuyển đồ đạc đến khu vực an toàn, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cũng đã tăng cường việc theo dõi và cắm biển báo tại các khu vực bị sạt lở để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác”.

Ở huyện Hồng Dân, ông Nguyễn Hoàng Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Những khu vực đã bị sụt lún, UBND huyện chỉ đạo địa phương khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn cho người dân, phương tiện. Địa phương cũng tăng cường kiểm tra hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn để kịp thời gia cố, sửa chữa các đoạn bị ảnh hưởng…”.

Trước tình trạng sụt lún ven sông, kênh rạch có diễn biến phức tạp, ngày 1/5, Chủ tịch UBND tỉnh có Văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt và thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng sụt lún. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát kiểm tra, đánh giá tình hình sụt lún, mức độ thiệt hại; chủ động đưa ra các giải pháp khắc phục. UBND huyện Hồng Dân tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Đối với những khu vực đã xảy ra sụt lún, khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn (hướng dẫn, có giải pháp khắc phục sụt lún và đảm bảo an toàn cho người  dân, phương tiện... được lưu thông thông suốt) và lắp đặt biển báo đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra sụt lún.

Căn nhà của chị Đỗ Thị Huyền (ấp Bà Hiên, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) sụp hẳn xuống rạch. ​Ảnh: M.Đ

Minh Đạt

Chủ động dự báo, cảnh báo, thích ứng với vấn đề sạt lở trên hệ thống sông, kênh

Xem xét thực tế hiện nay trên toàn lưu vực, vấn đề sạt lở đất trên hệ thống sông, kênh, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long là xu thế không thể đảo ngược. Trong giai đoạn vừa qua, và trong ngắn hạn cần có các giải pháp, công nghệ mới trong phòng, chống sạt lở. Tuy nhiên, về dài hạn cần có các nghiên cứu mang tính tổng thể nhằm chủ động dự báo, cảnh báo, thích ứng với vấn đề sạt lở trên hệ thống sông, kênh (bảo vệ các khu vực quan trọng); và chủ động bảo vệ các khu vực bờ biển trọng yếu, chủ động quản lý, kiểm soát được rủi ro thiên tai. Cụ thể, thời gian tới cần rà soát toàn bộ không gian quy hoạch đô thị, nông thôn có liên quan đến xói lở sông, kênh và bờ biển, theo hướng: Khu vực ven sông lớn, trục chính: Từng bước bố trí lại dân cư, có đất cho bãi sông, đường, đê (cho nâng cấp sau này). Quản lý chặt chẽ đất đai, hành lang ven sông, kênh rạch; chống xâm lấn kênh rạch, đặc biệt nơi có nguy cơ sạt lở, các tuyến tiêu thoát quan trọng. Quản lý không gian ven biển; các khu vùng đệm đới bờ biển (rừng, hạ tầng). Đồng thời, tăng cường giám sát, cảnh báo, di dời dân cư, giám sát vùng đệm; cảnh báo thiên tai từ biển (triều cường, nước dâng do bão...)

(Trích bài “Sạt lở sông, biển ở Đồng bằng sông Cửu Long: thực trạng và những vấn đề đặt ra cho giai đoạn tới” - Tạp chí Tài nguyên và Môi trường)

Chí Linh (lược trích)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.