Tiêu điểm
Cất nhà lấn chiếm kênh, sông dễ gây sụt lún
Sự cố nguyên căn nhà tại ấp Bà Hiên (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) bị đổ sập xuống lòng kênh hay hàng chục căn nhà sau của các hộ dân tại xã Tân Phong (TX. Giá Rai) nửa đêm bị trôi xuống kênh xáng Bạc Liêu không chỉ báo động cho tình trạng sụt lún ở ven sông, kênh rạch mà còn gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho tình trạng cất nhà lấn chiếm kênh rạch gây mất an toàn nhiều năm nay.
Thực trạng này đã tồn tại rất nhiều năm, không chỉ riêng địa bàn tỉnh Bạc Liêu mà hầu hết các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do tập quán, thói quen sinh hoạt từ xưa thường gắn với sông nước nên người dân hay thích cất nhà cặp theo sông ngòi, kênh, rạch. Tại Bạc Liêu, không khó để tìm thấy hàng ngàn căn nhà nằm rải rác dọc theo các tuyến sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Nhiều trong số đó là các căn nhà được cất lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh, sông. Thậm chí sau khi nhiều lần các tuyến lộ bị giải tỏa di dời, thiếu đất, người dân còn đổ thêm đất, làm kè để che chắn, cất nhà tràn xuống lòng kênh, lòng sông. Nhà tạm bợ bằng cây gỗ tạp, dựng vách lá, mái tôn cũng có; những căn nhà sau đó được cất kiên cố bằng bê-tông cốt thép cũng có. Tất cả đều có chung một tình trạng là cất lấn chiếm bờ sông, bờ kênh. Cũng từ đó, nguy cơ bị sạt lở, sụt lún luôn hiện hữu. Và thời gian gần đây, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, triều cường, nước biển dâng, người dân khai thác nạo vét bùn, khai thác cát sông… càng làm các hiện tượng này ngày thêm trầm trọng. Nguy cơ thiệt hại về tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân cất nhà sinh sống dọc theo các tuyến kênh, sông càng đáng báo động.
Một căn nhà ở huyện Hồng Dân bị sạt lở xuống kênh. Ảnh M.Đ
Ngăn chặn hành vi lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch được xem là giải pháp căn cơ để chống sạt lở, phòng chống ô nhiễm môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị và giảm gánh nặng an sinh xã hội. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, việc xử lý đối với các hành vi vi phạm này vẫn chưa triệt để, các hộ dân thường tự ý san lấp, xây dựng lấn chiếm một thời gian dài.
Tại huyện Hồng Dân, UBND huyện Hồng Dân đã chỉ đạo phòng Kinh tế hạ tầng huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không được tự ý cất nhà lấn chiếm kênh rạch để hạn chế nguy cơ sụt lún, sạt lở. Tuy nhiên, do tập quán sinh hoạt của người dân nên nhiều người vẫn thích dựng nhà sát mé sông; thêm nữa, chế tài để xử phạt đối với các vi phạm này cũng chưa được triển khai nên hiệu quả chưa cao.
Một trong những địa phương đi đầu và xử lý mạnh tay đối với tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ cũng như hành lang bảo lưu ven sông là TX. Giá Rai. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thị xã, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Giá Rai đã tổ chức nhiều đợt ra quân tổng kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm liên quan đến việc lấn chiếm mới. Đối với các vi phạm xây dựng các công trình không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch; ngoài việc bị xử phạt hành chính, UBND TX. Giá Rai còn buộc tháo dỡ, trả lại hiện trạng. Đây cũng chính là một trong những giải pháp lâu dài để hạn chế tình trạng xây cất nhà, công trình lấn chiếm; giúp người dân nâng cao ý thức trong hoạt động xây dựng, đồng thời bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng của người dân vùng sông nước.
Kim Kim
- Chào cờ đầu tháng cuối cùng của năm 2024
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm