Tiêu điểm

Chủ động phòng chống sạt lở bờ biển

Thứ Sáu, 23/08/2019 | 17:42

Với 56km bờ biển, Bạc Liêu được xem là một trong những địa phương của khu vực ĐBSCL giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển. Song, đây cũng là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu, nhất là sự xâm thực của triều cường và xâm nhập mặn; trong đó, sạt lở bờ biển là thách thức mà tỉnh đã và đang phải đối mặt…

Tình hình sạt lở nghiêm trọng

Bờ biển của tỉnh Bạc Liêu có điều kiện tự nhiên đặc thù, vừa bồi tụ nhưng cũng vừa sạt lở với tốc độ khá nhanh. Sạt lở thường xảy ra vào những tháng cuối năm, hay chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ mưa bão, sóng to và gió lớn.

Đặc biệt, có những đoạn bờ biển đã và đang bị xói lở quanh năm, với tổng chiều dài khoảng 15km như: Đoạn từ giáp ranh Sóc Trăng đến gần kênh 30/4 với chiều dài khoảng 11km (khu vực TP. Bạc Liêu gồm: xã Vĩnh Trạch Đông, xã Hiệp Thành và phường Nhà Mát); đoạn cuối từ kênh số 3 của thị trấn Gành Hào đến cửa sông Gành Hào có chiều dài khoảng 4km (khu vực thị trấn Gành Hào - huyện Đông Hải). Tốc độ xói lở bình quân hàng năm từ (20 - 30m) theo chiều ngang và (0,5 - 1,0m) theo phương thẳng đứng.

Sạt lở gây sập kè Gành Hào (huyện Đông Hải) làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Riêng những đoạn bờ biển có những tháng lở và tháng bồi (dài 19km) như: Đoạn từ kênh 30/4 (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) đến kênh Hoành Tấu (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) với chiều dài khoảng 16km; đoạn gần kênh Cầu Cháy (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) đến kênh số 3 của thị trấn Gành Hào với chiều dài khoảng 3km và tốc độ lở hàng năm khoảng 10m…

Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, hiện tượng sạt lở ở thảm rừng phòng hộ và bờ biển Bạc Liêu đã và đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, do tác động của sóng và dòng chảy ven bờ từ những biến đổi khác thường của thời tiết và khí hậu. Hiện tượng xâm thực bờ biển đang diễn ra ngày càng gay gắt, đe dọa trực tiếp đến thảm rừng phòng hộ và tuyến đê ven biển Đông. Trong những năm qua, hiện tượng sạt lở bờ biển đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều công trình và tạo tâm lý bất an cho người dân sinh sống vùng ven biển, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng (sạt lở kè Gành Hào, kè Nhà Mát và cầu Chiên Túp 1…).

Sạt lở đất và sóng to gây chết rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu.

Qua nghiên cứu, nguyên nhân gây sạt lở là do tác động của dòng chảy ven bờ biển. Cụ thể là những biến động của dòng hải lưu, biến động của hàm lượng phù sa sông Mê Công khi đổ ra biển Đông, biến động của dòng chảy ven bờ biển Bạc Liêu đã tác động trực tiếp vào đường bờ gây nên hiện tượng sạt lở ven bờ biển (như khu vực cửa sông Gành Hào).

Bên cạnh đó, hiện tượng triều cường dâng cao bất thường trong những năm gần đây cũng là nguyên nhân góp phần gây sạt lở bờ biển. Đặc biệt là vào mùa gió chướng, sóng biển từ ngoài khơi tiến vào bờ sẽ vỡ trên vùng bãi bồi làm biến dạng phần nền. Ngoài ra, ở những khu vực không có rừng phòng hộ hoặc ở những nơi có thảm rừng phòng hộ ít sẽ không có đủ thảm rừng để làm tiêu hao năng lượng sóng. Từ đó, sóng có điều kiện tác động trực tiếp vào bờ gây ra sạt lở…

Người dân phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) dùng bao đất chống sạt lở công trình thủy lợi. Ảnh: L.D

Đầu tư nhiều công trình chống sạt lở

Để ứng phó với sạt lở, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án phòng chống sạt lở bờ biển để khôi phục rừng phòng hộ như: Dự án kè chống sạt lở khu vực cửa sông, ven biển Gành Hào; dự án kè chống sạt lở khu du lịch Nhà Mát; dự án nâng cấp cải tạo đê biển theo Chương trình 667 của Chính phủ...

Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống kè kiên cố để bảo vệ các khu vực trọng điểm hiện nay đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, bình quân xây 1m kè kiên cố cần chi phí khoảng 50 triệu đồng. Chỉ tính riêng các công trình kè biển, kè cửa sông đã và đang thi công ở Bạc Liêu cũng cần khoản kinh phí lên đến 1.300 tỷ đồng. 

Vì vậy, để giải quyết và ứng phó với hiện tượng sạt lở trong điều kiện hạn chế về vốn đầu tư, Bạc Liêu đã thử nghiệm một số công trình dạng bán kiên cố, nhằm mục đích giảm sóng, gây bồi để phát triển lại thảm rừng phòng hộ ở vùng ven biển Bạc Liêu như: Thử nghiệm xây dựng “đê mềm” bằng túi Geotube, chiều dài 1km với kinh phí 5 tỷ đồng tại khu vực Nhà Mát (TP. Bạc Liêu); Thử nghiệm xây dựng kè bán kiên cố bằng 2 hàng cọc bê-tông cốt thép bề rộng 1m, chiều dài 45m, khoảng giữa hai hàng cọc bê-tông sẽ bỏ vào các bó cừ tràm để lọc sóng, với kinh phí 750 triệu đồng tại khu vực Nhà Mát…

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án GIZ (Tổ chức Hợp tác quốc tế của Đức) cũng đã xây dựng thí điểm kè bằng cọc tre hình thức giống như mỏ hàn, gồm 3 đoạn dài 2,4km để giảm sóng và gây bồi với kinh phí khoảng 2,4 tỷ đồng ở khu vực cầu Cần Thăng (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu).

Với thực trạng như hiện nay, nhằm chủ động phòng chống sạt lở bờ biển, ngoài tăng cường đầu tư vốn từ các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu từ Trung ương và các tổ chức nước ngoài, cũng cần thực hiện tốt các giải pháp phi công trình - đó là tăng cường công tác phát triển rừng phòng hộ thông qua thực hiện tốt các dự án, phong trào trồng rừng và chống xâm hại rừng.

Thanh Ẩn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.