Tiêu điểm
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Với tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng khó lường và phức tạp như hiện nay, việc chủ động ứng phó là vô cùng cần thiết. Để hóa giải các thách thức này gắn với phát triển bền vững, Bạc Liêu xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Người dân ven biển sử dụng bao đất ngăn triều cường tràn vào nhà. Ảnh: L.D
NHỮNG TÁC ĐỘNG CỰC ĐOAN TỪ BĐKH
Có thể nói, BĐKH đã và đang là một thách thức lớn diễn ra với mức độ ngày càng khốc liệt tại nhiều địa phương của Việt Nam. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do BĐKH, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu nông dân.
Theo kịch bản BĐKH của các nhà khoa học đưa ra, vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng 2 - 3oC. Số ngày có nhiệt độ cao trên 35oC tăng từ 15 - 30 ngày trên phần lớn diện tích cả nước. Về lượng mưa, xu thế chung là lượng mưa giảm vào mùa khô và tăng vào mùa mưa. Mức tăng lượng mưa từ 2 - 20%. Điều đáng lưu ý là có thể xuất hiện ngày mưa dị thường với lượng cao gấp đôi so với kỷ lục hiện nay. Tần suất hạn không có xu thế biến đổi rõ ràng, hạn hán nghiêm trọng có xu thế tăng nhẹ trong mùa khô.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do BĐKH và nước biển dâng. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long sẽ bị ngập chìm nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và GDP bị tổn thất khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất của GDP có thể lên tới 25%. Các lĩnh vực, ngành, địa phương của Việt Nam dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH là: tài nguyên nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, sức khỏe…
Trong những năm gần đây, các tác động của BĐKH đến tỉnh Bạc Liêu là nghiêm trọng, biểu hiện rõ nét nhất là tính cực đoan của thời tiết (nhiệt độ, lượng mưa, hạn hán...), mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Một số hiện tượng thời tiết cực đoan cũng thay đổi rõ rệt, số ngày nắng nóng (nhiệt độ lớn hơn 35oC) tăng; hạn hán trở nên khắc nghiệt hơn do nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm trong mùa khô. Bạc Liêu hiện chịu tác động trực tiếp của BĐKH và nhất là nước biển dâng, xâm nhập mặn, gây tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân. Minh chứng là vào cuối năm 2015, đầu năm 2016, xâm nhập mặn sâu vào địa bàn tỉnh với độ mặn cao, tỉnh Bạc Liêu đã công bố cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp độ 2.
SỰ CẦN THIẾT TRONG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI, đặc biệt đối với việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo và thiên niên kỷ về phát triển bền vững. BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Cụ thể như đến năm 2080, sản lượng ngũ cốc có thể giảm 2 - 4%, giá cả sẽ tăng lên 13 - 45%; tỷ lệ dân số bị ảnh hưởng bởi nạn đói chiếm 36 - 50%; mực nước biển dâng cao gây ngập lụt, gây xâm nhập và nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với ngành công nghiệp và các hệ thống kinh tế - xã hội trong tương lai.
Từ năm 2009 đến nay, Bộ TN-MT đã công bố 4 phiên bản về kịch bản dự báo BĐKH, nước biển dâng tại Việt Nam. Trong đó, từ phiên bản năm 2009 đến phiên bản năm 2020, Bộ TN-MT đã có những điều chỉnh đáng kể để nâng cao độ tin cậy về kết quả kịch bản dự báo BĐKH, nước biển dâng, cũng như đánh giá tác động của BĐKH đến nền kinh tế quốc dân, văn hóa - xã hội và dân sinh. Do vậy, Kế hoạch hành động của tỉnh Bạc Liêu cần cập nhật thêm về kịch bản BĐKH và nước biển dâng, rà soát cập nhật đánh giá tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực của tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, những nội dung nào còn phù hợp của các kế hoạch đã ban hành trước đó sẽ đưa vào kế hoạch cập nhật, bổ sung; những nội dung nào chưa phù hợp hoặc chưa chính xác thì phải cập nhật mới, tập trung vào ảnh hưởng do nhiệt độ trung bình, cực trị lượng mưa, nước biển dâng, xâm nhập mặn và ngập lũ, phân theo các vùng sinh thái của tỉnh vốn khác nhau về mức độ ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng.
Cùng với việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch hành động số 96 về thực hiện chiến lược quốc gia về BĐKH theo định kỳ 10 năm (đến năm 2030) trên địa bàn tỉnh thì việc thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đánh giá khí hậu tỉnh Bạc Liêu” là rất cần thiết. Đặc biệt là tình hình diễn biến của BĐKH đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh có tác động mạnh đến đời sống và hoạt động sản xuất của tỉnh Bạc Liêu.
NGUYỄN TRỌNG
Câu lạc bộ Nông nghiệp xanh - mô hình hay cần nhân rộng
Đoàn Thanh niên Khoa Nông nghiệp (Trường đại học Bạc Liêu) vừa thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nông nghiệp xanh. Đây được xem là mô hình hay trong việc lan tỏa và nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường (BVMT).
Mục đích hoạt động của CLB Nông nghiệp xanh là cùng với việc tạo ra sân chơi bổ ích, giáo dục ý thức BVMT, nuôi dưỡng niềm đam mê với thiên nhiên cho sinh viên, mô hình này còn hướng đến tạo ra những giá trị lan tỏa cho các khoa khác tại Trường đại học Bạc Liêu thông qua tăng cường mối quan hệ giao lưu và trao đổi kinh nghiệm, học thuật giữa sinh viên các khoa trong trường. Từ đó, khơi dậy ý thức tôn trọng tự nhiên và chung tay BVMT.
Câu lạc bộ Nông nghiệp xanh và Công ty cổ phần CP Việt Nam tham gia trồng rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu. Ảnh: T.A
Với hình thức sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần, các thành viên của CLB sẽ tổ chức các hoạt động trồng, ươm cây, xây dựng các công trình thanh niên và đi tham quan thực tế. Mặt khác, CLB Nông nghiệp xanh còn tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu khoa học với các chuyên đề môi trường, biến đổi khí hậu, diễn đàn khoa học cho sinh viên của trường. Đồng thời, tích cực tham gia vào các hoạt động BVMT của cộng đồng và đây là một trong những phương pháp học rất tích cực giúp sinh viên trải nghiệm với thực tế, trang bị thêm kỹ năng sống, kiến thức trong xử lý các mối quan hệ, góp phần tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm khi ra trường làm việc.
TÚ ANH
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp