Tiêu điểm

Chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn

Thứ Hai, 17/02/2025 | 16:19

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, tiềm năng nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mùa kiệt năm 2024 - 2025 được dự báo với mức xấp xỉ trung bình ở các tháng đầu mùa và thấp hơn trung bình ở các tháng cuối mùa. Theo đó, xâm nhập mặn (XNM) mùa khô năm 2024 - 2025 sẽ cao nhất ở cuối tháng 2 - 4 và làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng ven biển. Vì vậy, để phòng tránh các rủi ro do hạn, mặn gây ra, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, vận hành hệ thống công trình hợp lý, chuẩn bị các giải pháp ứng phó ngay từ đầu mùa khô, đặc biệt là chủ động tích trữ nước.

Công trình thủy lợi cống Cái Bé - Cái Lớn góp phần điều tiết nước và ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn cho các tỉnh ĐBSCL.

KHẨN TRƯƠNG ĐỀ RA GIẢI PHÁP

Với tinh thần chủ động ứng phó với XNM, ngay từ những tháng cuối năm 2024, UBND tỉnh đã khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn hán, XNM mùa khô năm 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu gắn với Kế hoạch sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cho vụ mùa 2024 - 2025, trong đó có nhiều giải pháp chỉ đạo cụ thể cho từng mùa vụ và các đối tượng cây trồng, vật nuôi.

Tín hiệu vui là dự báo hạn hán và XNM năm nay sẽ không cao và gay gắt như những năm trước đây. Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam và Đài Khí tượng - Thủy văn Bạc Liêu: Trong 3 tháng đầu năm 2025, ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha lạnh. Hiện tượng ENSO có khả năng tiếp tục ở trạng thái trung tính từ tháng 4 đến tháng 6/2025. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long. Theo đó, XNM năm 2025 sẽ ảnh hưởng nguồn nước của 7 tỉnh vùng ĐBSCL gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Theo dự báo, XNM sẽ xuất hiện trên các sông lớn như: Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông, sông Tiền, sông Hậu, Cổ Chiên, Hàm Luông, song, hầu hết đều thấp hơn năm 2023 - 2024.

Từ những dự báo và nhận định trên cho thấy, tình hình thời tiết, thủy văn sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và các hiện tượng thời tiết, thủy văn nguy hiểm như: bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, hạn hán và XNM luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra. Do vậy, mùa khô năm 2024 - 2025 được dự báo sẽ là mùa khô có hạn hán, thiếu nước và XNM cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng chỉ ở mức độ bình thường do không có khả năng xuất hiện La Nina như các dự báo trước đây.

.................................................................................................................................................................................................................................

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác phòng chống hạn hán, XNM mùa khô năm 2024 - 2025 được xác định tập trung vào thời kỳ từ đầu tháng 1 - 5/2025.

Theo đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, các cấp cần tập trung tuyên truyền để người dân nắm rõ diễn biến thời tiết trong mùa khô. Từ đó, chủ động phòng tránh các tác hại đến sản xuất và đời sống, chủ động ứng phó với hạn hán, XNM và mưa trái mùa (nếu có xảy ra), nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

Người dân ven biển cần chủ động dự trữ nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt trong mùa khô.

Dự báo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, trong mùa khô có xuất hiện mưa trái mùa và lượng nước ngọt từ Mê Công về đến tỉnh ở mức trung bình. Do đó, cần có giải pháp chủ động ứng phó với tình hình XNM ở mức trung bình và đề phòng, ứng phó các đợt mưa trái mùa trong mùa khô năm 2024 - 2025. Bởi, bên cạnh vùng sản xuất chuyên canh mô hình lúa - tôm được bổ sung nước ngọt trong các tháng đầu mùa khô năm 2025, thì mưa trái mùa sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất muối và vụ nuôi tôm đầu mùa khô cùng vụ đông xuân đang trong giai đoạn trổ chín sẽ bị đổ ngã gây giảm năng suất và chất lượng hạt lúa…

KHẢ NĂNG SẼ THIẾU NƯỚC CHO CON TÔM

Theo kế hoạch nuôi trồng thủy sản năm 2025, Bạc Liêu tập trung sản xuất hơn 72.000ha với các mô hình như: nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh, nuôi tôm kết hợp, tôm - rừng cùng cá và các loại thủy sản khác. Do vậy, nếu XNM xảy ra sớm hơn dự báo thì việc nuôi trồng thủy sản ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước ngọt bổ sung trong tháng 3/2025. Cũng như, độ mặn trong các ao nuôi có khả năng tăng cao và vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm trong các tháng cao điểm của mùa khô.

Cùng với đó, ở vùng Nam Quốc lộ 1A còn chịu thêm tác động của các đợt triều cường diễn ra trong tháng 2 và 3/2025. Mực nước các đợt triều cường này dự báo vượt mức báo động III (báo động III: +2,20m ở Trạm thủy văn Gành Hào), có nguy cơ đe dọa các ao đầm nuôi tôm, nhất là ở khu vực ven biển. Riêng 5 xã phía Tây của huyện Đông Hải (An Phúc, An Trạch, An Trạch A, Định Thành, Định Thành A) do có địa hình thấp nên có nguy cơ bị ngập do các đợt triều cường. Đặc biệt, khoảng thời gian có thể gây khó khăn cho diện tích tôm nuôi sẽ bắt đầu từ giữa tháng 3 và dự báo có nguy cơ làm 2.000ha nuôi tôm bị thiệt hại.

Dự báo các mô hình nuôi tôm công nghiệp sẽ bị thiếu nước trong mùa khô nếu hạn hán xảy ra. Ảnh: K.T

Bên cạnh khô hạn, triều cường làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, người dân vùng Nam Quốc lộ 1A cũng có thể gặp khó khăn về nước sinh hoạt, nhất là khu vực ven biển trong tháng 3/2025. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, vào mùa khô, một số vùng ven biển hay xảy ra tình trạng nước yếu cục bộ, do một số giếng khoan của hộ gia đình bơm khó vì mực nước ngầm bị tụt giảm hoặc bị nhiễm mặn. Hiện có khoảng 4.960 hộ dân phân tán theo tuyến, cụm chưa có tuyến ống nước tập trung đi qua trên địa bàn các ấp, xã, vùng sâu, vùng xa cũng là thách thức lớn trong việc cấp nước ngọt cho người dân vùng nông thôn. Vì vậy, dự báo việc thiếu nước sẽ diễn ra ở một số nơi hiện chưa có tuyến ống nước tập trung  đi qua và việc mực nước ngầm bị tụt giảm trong mùa khô (tháng 3/2025) sẽ gây khó khăn trong việc bơm nước từ các giếng khoan của người dân nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng khan hiếm nước…

Để giải quyết những khó khăn trên, các ngành, địa phương và các công ty cung cấp nước sạch cho biết sẽ tăng công suất khai thác lên cao hơn mức bình thường và chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực, chủ động ứng phó các sự cố về nước sạch tại các trạm cấp nước. Đồng thời, tập trung quyết liệt công tác kiểm tra an toàn, duy tu sửa chữa, nâng cấp, đấu nối hòa mạng, kéo dài mở rộng tuyến ống và khoan bổ sung giếng nước bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ người dân nông thôn trong mùa khô năm 2025. Triển khai thi công xây dựng mới các công trình cấp nước sạch tập trung theo kế hoạch. Đồng thời, tiếp tục triển khai các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và ưu tiên đầu tư công trình ở những khu vực được đánh giá khó khăn về nước sạch.

 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Ngô Nguyên Phong: Tập trung tuyên truyền để người dân nắm rõ diễn biến thời tiết trong mùa khô

Nhằm làm tốt công tác phòng chống hạn hán, XNM mùa khô năm 2024 - 2025, Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố huy động mọi nguồn lực, đề xuất và triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trong mùa khô năm nay. Phối hợp với Sở TN-MT, Công ty Cổ phần Cấp nước Bạc Liêu chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố đề xuất và triển khai các biện pháp đảm bảo cung cấp nước sạch và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân một số biện pháp phòng chống hạn hán, XNM, mưa trái mùa để bảo vệ sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và tổ chức đo đạc diễn biến nguồn nước, xây dựng lịch điều tiết nước để thông báo kịp thời đến nông dân. Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tăng cường thông tin chi tiết về diễn biến khí tượng - thủy văn, lịch điều tiết nước và diễn biến nguồn nước toàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên 2 nhóm Zalo: “Ban điều tiết nước tỉnh Bạc Liêu” và “Phòng chống thiên tai tỉnh Bạc Liêu”. Đặc biệt, tập trung và tích cực thực hiện tốt các chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp về các giải pháp bảo vệ sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, sẽ tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng cho vụ lúa trên đất tôm. Tiến hành đóng các hệ thống cống nội đồng để ngăn mặn và giữ ngọt; theo dõi diễn biến mặn trên đồng ruộng và kênh rạch để áp dụng các biện pháp thay nước nhằm giảm mặn, phèn trong ruộng. Bón phân hợp lý cho lúa theo từng thời kỳ sinh trưởng và sử dụng các chế phẩm sinh học giúp cây lúa chống chịu được điều kiện khắc nghiệt…

Đối với mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, khuyến cáo chỉ nuôi 1 - 2 vụ/năm và mô hình tôm thẻ chân trắng thâm canh: thả 2 vụ/năm. Trong đó, cần tập trung gia cố bờ bao, cống bọng, nạo vét mương nội đồng để trữ nước trên ao nuôi, nhất là ở vùng Nam Quốc lộ 1A để phòng chống các đợt triều cường…

Đối với khu vực chuyển đổi phía Bắc Quốc lộ 1A (từ tháng 2 - 5/2025) sẽ có thời điểm không thể lấy nước mặn vào những ngày triều cường ở các cống lớn Giá Rai, Hộ Phòng, mà chỉ xổ nước ra một chiều, vì lúc này nước mặn có khả năng lên đến phía Bắc huyện Hồng Dân và theo rạch Xẻo Chích xâm nhập qua địa bàn tỉnh Hậu Giang và Ngã Năm của tỉnh Sóc Trăng làm ảnh hưởng đến lúa đông xuân, hè thu ở vùng ngọt ổn định của 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang.

Việc này sẽ gây ra hiện tượng thiếu nước mặn cục bộ cho khu vực nuôi trồng thủy sản ở tiểu vùng chuyển đổi. Do đó, đề nghị các hộ nuôi trồng thủy sản có kế hoạch gia cố bờ bao, bơm trữ nước mặn vào ao lắng, đầm, vuông, theo dõi tình hình điều tiết nước và chủ động hơn trong sản xuất…

 

Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu - Lê Việt Xô: Thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn

Với tinh thần chủ động ứng phó và thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống hạn hán, XNM mùa khô gắn với bảo vệ sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND TP. Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt công tác này. Đến nay, TP. Bạc Liêu được xem là địa phương có nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Vì vậy, TP. Bạc Liêu đã và đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm các văn bản quy định của Nhà nước về vấn đề bảo vệ môi trường, như việc xử lý nước thải, bùn thải trong quá trình nuôi đảm bảo theo quy định. Đồng thời, nâng cao ý thức sản xuất vì cộng đồng, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Thủy sản chết và chất thải của ao bị bệnh phải thu gom, xử lý kịp thời, không được thải nước từ ao nuôi ra kênh cấp nước của vùng nuôi và thải nước chưa xử lý ra môi trường tự nhiên.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Phòng Kinh tế thành phố phổ biến lịch thời vụ, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý tốt việc thả giống và có đề xuất kịp thời điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp với thực tế sản xuất của địa phương...

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.