Tiêu điểm
Chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan
Trước dự báo tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương kịp thời kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tuyến kè chắn sóng ở cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: C.L
Sẵn sàng các phương án
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm, trên Biển Đông có khả năng sẽ xuất hiện thêm vài cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó, có khoảng từ 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển và đất liền nước ta. Ngoài ra, hiện tượng mưa to đến rất to cục bộ, sạt lở đất có khả năng xảy ra nhiều hơn. Tuy là địa phương ít chịu tác động của mưa bão, thế nhưng, trước những tác động và diễn biến ngày càng khó lường của thời tiết, Bạc Liêu đã không lơ là, chủ quan mà luôn chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã yêu cầu các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; chủ động nắm chắc tình hình thời tiết, thiên tai, tai nạn xảy ra trên khu vực đất liền, vùng biển. Song song đó, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách tránh, trú an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới. Kịp thời điều động nhân lực, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan tham gia xử lý có hiệu quả các tình huống sạt lở, bão, áp thấp nhiệt đới, cháy nổ, cháy rừng và TKCN.
Bạc Liêu có đội tàu khai thác, đánh bắt trên biển khá lớn với 1.117 chiếc tàu cá, trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 454 chiếc với 3 nghề khai thác chủ yếu là lưới rê, lưới kéo và câu mực ở ngư trường vùng biển Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Để đảm bảo an toàn cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển khai thác thủy hải sản, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn luôn được Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh luôn đặc biệt quan tâm. Lực lượng Biên phòng cũng luôn chủ động nắm bắt tình hình vị trí của từng tàu, số thuyền viên theo tàu…, mỗi khi có dự báo bão, áp thấp nhiệt đới hay các hình thái thời tiết xấu xuất hiện trên biển để hướng dẫn cụ thể, kịp thời cho bà con tránh được vùng nguy hiểm, hoặc tìm nơi tránh, trú an toàn. Đồng thời, phát huy vai trò đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của các tổ, đội tàu thuyền khi tham gia TKCN trên biển.
Ông Nguyễn Văn Phú (ngư dân ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) cho biết: “Lúc thời tiết xấu, ở giữa biển cả mênh mông mà có tín hiệu liên lạc của lực lượng Biên phòng là ngư dân mừng lắm. Chúng tôi luôn chấp hành theo sự hướng dẫn của ngành chức năng để đảm bảo an toàn cho cả người lẫn phương tiện”.
Kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai
Trong hai đợt mưa trái mùa vừa qua, nhiều diện tích lúa hè thu, hoa màu và muối của nông dân ở các địa phương trong tỉnh bị ngập úng, giảm năng suất, thậm chí gây thiệt hại nặng. Không chỉ vậy, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ sạt lở và nhiều vụ dông lốc làm sập hàng chục căn nhà của người dân. Nhờ huy động tổng lực, chủ động phòng ngừa, ứng phó, khi các vụ việc xảy ra, lực lượng phản ứng nhanh của địa phương đã có mặt tại hiện trường giúp dân thu dọn đồ đạc, sắp xếp nơi ở tạm cho bà con có nhà bị sập, tốc mái. Đồng thời, huy động máy bơm, trạm bơm hoạt động liên tục để cứu lúa, hoa màu, bảo vệ mùa màng cho bà con.
Bên cạnh đó, để chủ động phòng chống và ứng phó với mưa dông, mưa lớn cục bộ có thể gây ra ngập lụt và sạt lở đất trong mùa mưa bão 2022, mới đây, ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có chuyến công tác nhằm kiểm tra tình hình đê, kè chắn sóng và các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền ở huyện Đông Hải. Thực tế qua kiểm tra cho thấy, dù đã chủ động các phương án công trình và cả phi công trình để ứng phó với các điều kiện thời tiết xấu, tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm xung yếu, dễ bị tác động bởi triều cường, sóng lớn, nhất là khu vực đê biển từ cửa Nhà Mát đi Vĩnh Châu.
Sau khi nghe lãnh đạo địa phương và các đơn vị có liên quan thông tin về tình hình PCTT&TKCN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Tấn Cận đã yêu cầu các ngành chức năng, địa phương và đơn vị quản lý công trình cần tăng cường công tác đảm bảo năng lực phục vụ của các công trình. Trong đó, chú trọng đến việc chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cầu theo đúng phương châm “4 tại chỗ”; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về PCTT; thường xuyên bố trí lực lượng ứng trực, có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng không để bị động, bất ngờ khi sự cố xảy ra... Việc chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chí Linh
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con