Tiêu điểm
Chung tay bảo vệ môi trường sản xuất
Với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, con tôm và cây lúa đã trở thành nguồn thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất này cũng đặt ra nhiều thách thức cho phát triển bền vững, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường do chính quá trình sản xuất gây ra.
Vẫn còn một bộ phận nông dân sử dụng hóa chất trong nuôi tôm công nghiệp.
LẠM DỤNG PHÂN BÓN VÀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
Có thể thấy, môi trường hiện nay đang chịu nhiều sức ép và một số nơi đã bắt đầu xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Như trong lĩnh vực trồng trọt được xem là ngành chiếm tỷ trọng cao và chủ yếu trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nông nghiệp trồng trọt đã và đang chuyển dần theo hướng chất lượng cao, ứng dụng công nghệ sinh học, cơ giới hóa… Đặc biệt là việc áp dụng sản xuất các giống cây trồng mới cho sản lượng, năng suất cao, cây trồng có giá trị, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng. Sản lượng và năng suất cây trồng ngày càng tăng đã kéo theo nhu cầu sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) ngày càng nhiều.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, hiệu suất sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt trung bình 45 - 50% với phân đạm, 25 - 35% với lân, 60% với kali, phần còn lại bị thất thoát và sử dụng lãng phí. Việc lạm dụng hóa chất BVTV, chất kích thích sinh trưởng, phân bón… không đúng quy trình đã tác động đến các vi sinh vật, các thiên địch có lợi trong môi trường, dẫn đến hậu quả làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, làm cho đất bị chua hóa, mất khả năng sản xuất.
Bên cạnh đó, số lượng phân bón, BVTV sử dụng hằng năm trên địa bàn tỉnh khá cao. Cụ thể, lượng phân bón sử dụng năm 2017 là 68.037 tấn, năm 2018 là 74.842 tấn, năm 2019 là 66.812 tấn. Lượng thuốc BVTV sử dụng năm 2017 là 1.104 tấn, năm 2018 là 2.313 tấn, năm 2019 là 2.397 tấn.
Sau khi sử dụng các loại thuốc BVTV, nông dân thường có thói quen vứt bỏ bao bì, chai, lọ đựng hóa chất ngay tại đồng ruộng, vườn cây - hành động thiếu ý thức này sẽ làm phát sinh các loại chất thải nguy hại, là nguồn gây tác động tiềm tàng cho môi trường đất và nước.
Thêm vào đó, sau mỗi vụ mùa người dân thường đốt bỏ rơm rạ ngay trên đồng ruộng. Hoạt động này đã gây ra hiện tượng khói mù cho các vùng lân cận. Việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí: CO2, CO, NOx, bụi mịn…, điều này đã và đang gây ra các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và môi trường.
Nông dân đốt đồng gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: T.A
CHƯA XỬ LÝ TỐT CHẤT THẢI
Cùng với trồng trọt, các hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh (nuôi gia súc, gia cầm và động vật hoang dã) chủ yếu theo hình thức trang trại, hộ gia đình, hầu hết chất thải (nước thải, chất thải rắn) đều được các trang trại, hộ gia đình quan tâm và đưa ra các biện pháp xử lý.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chăn nuôi dù có các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi nhưng ở mức đối phó, từ đó gây ô nhiễm cục bộ môi trường của khu vực. Dựa trên báo cáo tổng hợp nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất mô hình quản lý chất thải rắn nông thôn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”, kết quả, ước tính tổng khối lượng chất thải rắn chăn nuôi trên địa bàn nông thôn Bạc Liêu đến năm 2020 vào khoảng 3.989 tấn/ngày. Điều này thật sự gây áp lực lớn đối với tài nguyên và môi trường nước.
Đáng quan tâm hơn, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ số hộ chăn nuôi có xử lý nước thải bằng công nghệ biogas, số còn lại thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch... Trong khi đó, lượng chất thải chăn nuôi có chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh gây bệnh khi đi vào nguồn nước sẽ gây ra nguy cơ lan tràn dịch bệnh.
Các loại khí thải gây mùi hôi cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi. Các chất khí này là sản phẩm của quá trình phân giải kỵ khí các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc từ protein, lipid và carbon hydrat. Mùi hôi chuồng trại chăn nuôi là nguồn gây ô nhiễm không khí xung quanh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực lân cận.
Đặc biệt, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Bạc Liêu chủ yếu là mô hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp đang trở thành vấn đề đáng quan tâm về quản lý môi trường và dịch bệnh hiện nay. Đây là hoạt động gây nhiều tác động, tạo sức ép đến môi trường. Hình thức nuôi tôm ảnh hưởng lớn tới môi trường chủ yếu là nuôi thâm canh trong các ao nuôi tôm có thông khí cưỡng bức và sử dụng thức ăn chăn nuôi. Đến ngày thu hoạch, toàn bộ lượng nước trong các ao nuôi tôm đều thải ra ngoài môi trường mang theo các chất ô nhiễm gây ô nhiễm môi trường nước trong vùng. Thông thường các ao nuôi tôm công nghiệp có chiều sâu mực nước khoảng 1,3 - 1,5m. Như vậy, với hàng ngàn héc-ta nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp của vùng nông thôn Bạc Liêu, nhất là khu vực ven biển, mỗi vụ sẽ phát sinh hàng triệu khối nước thải ra môi trường và nước thải sau vụ nuôi chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh như Vibrio, Aeromonas, E.coli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus... cùng nhiều loại nấm và nguyên sinh động vật không được xử lý triệt để thải thẳng ra nguồn nước tiếp nhận gây ô nhiễm nguồn nước, làm lây lan dịch bệnh và thất mùa…
Vì vậy, các cấp, các ngành và địa phương, doanh nghiệp, nông dân phải có ngay các giải pháp ứng phó, nhằm chung tay bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững trong tương lai.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng với tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) và đa dạng sinh học cho toàn thể cộng đồng, đưa các nội dung cơ bản về BVMT, phát triển bền vững đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành cần tích cực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và mô hình sản xuất mới gắn với BVMT.
Đặc biệt là phát triển một số mô hình nuôi trồng thủy sản theo công nghệ sạch hơn đã được nghiên cứu và áp dụng tại Bạc Liêu mang lại hiệu quả trong thời gian qua như: Mô hình phát triển tôm - lúa; mô hình nuôi cá vược (cá chẽm); mô hình nuôi tôm sú theo quy trình VietGAP; nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn; nuôi tôm sú quảng canh cải tiến mật độ 7 con/m2 sử dụng chế phẩm sinh học có bổ sung thức ăn cho tôm sau 30 ngày nuôi; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với tôm càng xanh ở độ mặn thấp...
Về lĩnh vực trồng trọt, có mô hình 1 vụ lúa ngắn ngày - 1 vụ dưa hấu không hạt ở vùng phía Nam Quốc lộ 1A; mô hình trình diễn giống lúa chịu phèn; áp dụng phương pháp “3 giảm - 3 tăng” và kỹ thuật trồng lúa SRI (System of Rice Intensification), nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa; mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới phun, tưới tiết kiệm nước.
Về lĩnh vực chăn nuôi, có mô hình nuôi vịt nước mặn; nuôi heo, gia cầm bằng đệm lót sinh học…
TÚ ANH
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con