Tiêu điểm
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”: Phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay Bạc Liêu đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tạo cơ hội cho nông sản khẳng định vị thế trên thị trường. Từ sự lan tỏa của chương trình, nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề, đặc trưng của địa phương đã được các chủ thể đầu tư, phát triển sản xuất trở thành sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tham quan các sản phẩm được chọn đánh giá OCOP (ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: M.Đ
Từ sản phẩm nông nghiệp...
Là huyện thuần nông, Vĩnh Lợi định hướng đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP là một trong những điểm góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân. Huyện đã xây dựng và tích cực tổ chức triển khai thực hiện Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019 - 2020, 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn. Toàn huyện hiện có 6 sản phẩm được Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt từ 3 - 4 sao. Trong đó có 5 sản phẩm OCOP đạt 3 sao gồm: Khô cá kèo Kiều Hạnh, Rượu vang sơ-ri Lâm Vũ, Khô cá kèo Xuân Thảo, Khô cá lóc Xuân Thảo, Mắm cá đồng không xương Xuân Thảo và một sản phẩm đạt 4 sao là Muối tinh Bạc Liêu. Tổ giúp việc OCOP của huyện đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, bao bì, nhãn mác để tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp tỉnh.
Khu trưng bày sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của TP. Bạc Liêu.
Theo ông Từ Minh Phúc - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, với lợi thế về điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như: Gạo Tài nguyên, ổi hồng sen, táo sạch thị trấn Châu Hưng, năn bộp Vĩnh Hưng A, bồn bồn xã Châu Hưng A, tôm khô, cá khô, mắm, khô trâu, khô heo, chả lụa… có khả năng xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Ổi hồng sen Vĩnh Lợi - sản phẩm được nhiều người ưa thích.
Thực tế cho thấy, không chỉ riêng huyện Vĩnh Lợi, từ nguồn nguyên liệu sẵn có, người dân các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn nghiên cứu, chuyển đổi mô hình sản xuất, chăn nuôi và cho ra đời nhiều loại sản phẩm phong phú về khẩu vị. Không dừng ở đó, các địa phương còn hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đan đát, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
…Đến xây dựng các sản phẩm làng nghề
Bạc Liêu có 68 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được đánh giá từ 3 - 4 sao, bên cạnh những sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông - thủy sản, các địa phương còn gắn với các nghề, làng nghề truyền thống. Toàn tỉnh hiện có 10 làng nghề như đan đát, dệt chiếu, rèn dao, mộc… tập trung nhiều ở huyện Hồng Dân. “Năm nay, kế hoạch của huyện Hồng Dân là xây dựng 5 sản phẩm để được công nhận sản phẩm OCOP, chủ yếu là các mặt hàng nông sản đặc trưng (trâu kho rim, các loại khô cá đồng) và hàng thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề truyền thống của địa phương. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã được Tổ giúp việc xây dựng sản phẩm OCOP của huyện hướng dẫn làm thủ tục để tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Đối với những hộ cá thể, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ về mặt thủ tục để được bình chọn, đánh giá, sau đó đưa lên Hội đồng OCOP tỉnh đánh giá, xếp hạng và gắn sao công nhận”, ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết.
Huyện Phước Long cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm hoàn thành các thủ tục để làng nghề đan đát ở xã Vĩnh Phú Đông được bình chọn, đánh giá sản phẩm OCOP, gắn sao cho các sản phẩm đan đát. Ông Trần Văn Ân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, nhấn mạnh: “Ngoài xây dựng các sản phẩm nông sản đạt chứng nhận OCOP, huyện cũng rất quan tâm đến các sản phẩm làng nghề đan đát. UBND huyện chỉ đạo Tổ giúp việc huyện hoàn tất các thủ tục để các sản phẩm đan đát sớm được công nhận là sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị và đời sống người dân làng nghề”.
Làng nghề đan đát ấp Mỹ 1 (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long).
Xác định công tác xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, do đó, trong thời gian tới, việc khai thác và phát huy hiệu quả Chương trình OCOP sẽ được các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới.
………………...........................................................................................................................................................................................................
Cùng với xây dựng sản phẩm OCOP, các địa phương cũng hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ trí tuệ. Ngoài ra, các sản phẩm ở các làng nghề truyền thống cũng có thể là các sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến tham quan tại Bạc Liêu. Thông qua các hội chợ, triển lãm và hoạt động xúc tiến thương mại được tỉnh tổ chức, phối hợp tổ chức đã tạo động lực để những sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, tăng doanh thu, lợi nhuận và ổn định sản xuất, việc làm cho người lao động ở nông thôn.
…………...................................................................................................................................................................................................................
Minh Đạt
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con