Tiêu điểm
Cộng đồng trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường
Với sự phát triển mạnh của các mô hình nuôi tôm công nghiệp thời gian qua đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với phát triển bền vững.
QUAN TÂM QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, nuôi tôm siêu thâm canh (STC) và bán thâm canh được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế khi nuôi trồng thủy sản chiếm 58% trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp và chiếm 28% trong cơ cấu chung của tỉnh. Thế nhưng, sự phát triển của các mô hình nuôi tôm công nghiệp này cũng tạo ra nhiều áp lực cho công tác BVMT.
Để bảo vệ sản xuất và đảm bảo cho môi trường phát triển bền vững, trong những năm qua, ngành Tài nguyên - Môi trường, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã và đang xây dựng các mô hình quản lý môi trường trong nuôi tôm, nhất là công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Bởi theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi môi trường biến đổi và bị ô nhiễm sẽ kéo theo hàng loạt dịch bệnh xảy ra trên tôm.
Cùng với công tác quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường, hằng năm, ngành Nông nghiệp còn ban hành và hướng dẫn lịch thời vụ sản xuất phù hợp với từng mô hình, địa phương và từng vùng sản xuất. Bên cạnh việc khuyến cáo thời gian thả giống, mật độ thả của từng mô hình nuôi cụ thể nhằm giảm thiểu được thiệt hại do thời tiết, dịch bệnh gây ra, còn phối hợp với tỉnh Cà Mau thống nhất thời gian sên vét, cải tạo ao đầm đối với các huyện, thành phố giáp ranh của 2 tỉnh, nhằm giảm ảnh hưởng đến môi trường khi xả thải…
Giới thiệu các quy trình và nuôi tôm tuần hoàn quản lý nước, chất thải trong nuôi tôm công nghiệp tại Hội chợ quốc tế về ngành tôm 2023. Ảnh: K.T
CẢNH BÁO Ô NHIỄM NẶNG NỀ
Trong những năm gần đây, do tình hình thời tiết bất ổn khó lường, môi trường nước trên sông nhiều nơi bị ô nhiễm nặng, cùng với hiện trạng nuôi tôm STC phát triển nhanh, nhưng chưa vững chắc đã làm cho môi trường nhiều nơi thay nhau bị ô nhiễm. Phần lớn các hộ nuôi tự phát và nuôi ngoài quy hoạch, thậm chí nuôi ở những nơi cơ sở hạ tầng không đáp ứng đã tạo ra hàng loạt vấn đề trong công tác BVMT.
Bên cạnh đó, do nông dân khó thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất nên việc hợp tác sản xuất và BVMT còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, có quá nhiều nguồn thải từ hoạt động nuôi tôm phân bố khắp các địa bàn trong tỉnh, không có hệ thống kiểm soát xả thải (đặc biệt là đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ). Đáng quan tâm nhất là hoạt động xả thải diễn ra ở mọi thời điểm và phần lớn phụ thuộc vào ý thức BVMT của các tổ chức, doanh nghiệp và chủ hộ nuôi tôm. Mặt khác, phần lớn quy trình nuôi tôm STC trên địa bàn tỉnh là quy trình thay nước và xi-phông hằng ngày với lượng thải khoảng 20 - 50% thể tích ao nuôi. Trong khi, thành phần trong nước thải có hàm lượng chất ô nhiễm hữu cơ cao, có thể lẫn mầm bệnh, dư lượng thuốc kháng sinh, hóa chất... đều thải trực tiếp ra môi trường.
Thêm vào đó, trong quá trình nuôi, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sử dụng các loại thức ăn công nghiệp có chứa hàm lượng protein cao để giúp tôm sinh trưởng. Từ cơ chế chuyển hóa như vậy, tôm sẽ thải ra rất nhiều amonia vào trong nước. Ngoài ra, thức ăn dư thừa, phân tôm, xác tảo... sẽ làm tích tụ các hợp chất hữu cơ lơ lửng và hòa tan, chủ yếu dưới dạng amonia (NH4-/NH3) hoặc nitrite (NO2-), gây ô nhiễm trực tiếp nước ao và ảnh hưởng đến sức khỏe đàn tôm.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa được thực hiện thường xuyên, chủ yếu chỉ thực hiện khi có dư luận xã hội; công tác kiểm tra chất lượng nước thải đầu ra, rác thải trong nuôi tôm STC chưa được quan tâm thực hiện; công tác hậu kiểm đối với các tổ chức, cá nhân có lập cam kết hay kế hoạch BVMT chưa được quan tâm đúng mức cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả và công tác quản lý BVMT…
NGUYỄN HOÀNG
-------------------------
Để làm tốt công tác BVMT trong nuôi tôm, các ngành, địa phương và các hộ nuôi cần cộng đồng trách nhiệm trong công tác BVMT. Ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường ở các tuyến kênh trọng điểm, tuyến kênh đầu nguồn lấy nước vào ao nuôi, vùng nuôi (thu mẫu đầu nguồn, trong ao nuôi và tại các nơi xả thải…) để kịp thời cảnh báo và khuyến cáo hộ nuôi tôm.
Tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo ao đầm đến xử lý nước, lựa chọn con giống; kịp thời phát hiện những mô hình mới, đột phá, hiệu quả để phát triển và nhân rộng; chú trọng liên kết “4 nhà” nhằm nâng cao giá trị.
Tích cực tham mưu triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo đã ban hành của bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác BVMT như: Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2021; Công văn 2525 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện tốt công tác BVMT trong hoạt động nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm thâm canh, STC trên địa bàn tỉnh); Quyết định 911 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án BVMT trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030…
Phối hợp với các đơn vị liên quan giúp tham mưu cho UBND tỉnh xác định vùng nuôi để tích hợp chung với quy hoạch của tỉnh; xây dựng lịch thời vụ, lịch điều tiết nước phục vụ nuôi tôm STC.
Tăng cường hơn nữa công tác tập huấn kiến thức về điều kiện nuôi thủy sản, vùng nuôi thủy sản gắn với công tác BVMT; công nghệ nuôi thân thiện với môi trường; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện đúng quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao trong nuôi tôm và các quy định liên quan đến BVMT trong nuôi trồng thủy sản; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ - điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, BVMT và an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về BVMT đối với các dự án nuôi tôm đã đi vào hoạt động. Trước hết là các dự án, cơ sở nuôi có nguồn thải ra sông, các khu vực nhạy cảm về môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về BVMT, kể cả đối với các cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản. Có kế hoạch, lộ trình đầu tư nâng cấp, xây dựng và phát triển hạ tầng phục vụ nuôi tôm theo quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt…
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp