Tiêu điểm

Đặc sắc không gian trình diễn các miền di sản

Thứ Sáu, 22/11/2019 | 16:42

Là một trong chuỗi 15 hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019, không gian các miền di sản với chủ đề “Hội tụ các miền di sản” thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân Bạc Liêu, du khách trong và ngoài nước bởi sự độc đáo, đặc sắc riêng biệt của từng không gian di sản. Không chỉ tái hiện, triển lãm, diễn xướng, mà mỗi không gian di sản còn có các hoạt động giao lưu cho người dân địa phương và du khách cùng trải nghiệm, hòa điệu với các nghệ nhân để có cái nhìn toàn diện hơn về từng di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) đại diện của nhân loại.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, TP. Hồ Chí Minh tham quan không gian trình diễn di sản văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên. Ảnh: L.D

Tinh hoa di sản hội tụ

Cả nước hiện có 248 di sản VHPVT cấp quốc gia (gồm: 93 lễ hội truyền thống, 60 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 59 di sản tập quán xã hội và tín ngưỡng, 23 di sản nghề thủ công truyền thống, 5 di sản tri thức dân gian, 5 di sản tiếng nói - chữ viết và 4 di sản ngữ văn dân gian). Trong khuôn khổ hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019, tỉnh đã mời các nghệ nhân, nghệ sĩ trên khắp mọi miền đất nước đại diện cho các địa phương có VHPVT đã được UNESCO công nhận. Đó là di sản không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên (Đắk Lắk), Dân ca Quan họ (Bắc Ninh), hát Xoan (Phú Thọ), Đờn ca tài tử Nam bộ (Ninh Thuận, Long An, Bạc Liêu), thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt (Nam Định), Bài chòi Trung bộ (Quảng Nam). Đồng thời, với tư cách là đơn vị kết nghĩa với Bạc Liêu, tỉnh Ninh Bình tham gia không gian với hai di sản: hát Chèo và hát Xẩm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại không gian các miền di sản lúc nào đông nghịt người. Trong đó, sôi động, thu hút khách tham quan nhiều nhất có lẽ là không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên và Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ. Tiếng réo rắt, vui tai của những nhạc cụ được chế tác độc đáo, tinh xảo từ những thanh tre nứa, những chiếc chiêng mang âm thanh trầm vang và giọng ca thánh thót của những chàng trai, cô gái Tây nguyên như khuấy động không gian các miền di sản.

Tại không gian Bài chòi Trung bộ, khách tham quan nhanh chóng nhập cuộc, nhận các quân bài từ tay các nghệ nhân và hồi hộp chờ đợi quân bài trên tay mình được gọi để nhận thưởng. Chị Ong Như Nguyệt - du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh hào hứng chia sẻ: “Chúng tôi rất may mắn khi đến thăm Bạc Liêu đúng vào Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019. Theo tôi, hoạt động nào cũng thú vị, hấp dẫn nhưng thu hút nhất vẫn là không gian trình diễn các miền di sản. Mỗi không gian đều trưng bày các nhạc cụ truyền thống, phục trang biểu diễn, lịch sử hình thành - phát triển của từng di sản, tái hiện và diễn xướng sự độc đáo, đặc sắc của từng loại hình khiến tôi bị cuốn hút không thể rời bước. Những di sản VHPVT đại diện của nhân loại mà tôi từng xem và nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng giờ đây cùng về Bạc Liêu hội tụ, giúp tôi tận mắt “mục sở thị” và trân trọng hơn từng di sản quý báu, tinh hoa của dân tộc mình trải dọc theo chiều dài của đất nước”.

Còn ở các không gian Đờn ca tài tử Nam bộ, người dân địa phương, du khách có “máu” tài tử đã không ngần ngại tham gia giao lưu, trình bày những bài bản “tủ” với sự hỗ trợ của các nghệ nhân, nghệ sĩ. Các không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Dân ca Quan họ, hát Chèo, hát Xẩm cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều du khách…

Trình diễn dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ảnh: L.D

Các nghệ nhân biểu diễn phục vụ khách tham quan tại không gian Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Long An. Ảnh: Đ.K.C

Chung tay bảo tồn và lan tỏa

Vinh dự là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức không gian “Hội tụ các miền di sản” được UNESCO vinh danh, Bạc Liêu đã làm tốt vai trò của mình trong việc góp phần hội tụ và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc, kết nối di sản VHPVT của các vùng miền trên cả nước. Đây còn là cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và các địa phương trong cả nước gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình làm nghề, giữ gìn nghệ thuật văn hóa truyền thống, cũng như thắp sáng ngọn lửa “nghề”.

“Bạc Liêu đã rất tinh tế khi mời được các di sản VHPVT đại diện của nhân loại trải dọc chiều dài đất nước về đây hội tụ và tỏa sáng. Qua việc trưng bày, tái hiện, diễn xướng các di sản tại từng không gian, chúng tôi sẽ giúp du khách, người dân địa phương, khán giả mộ điệu hiểu hơn về giá trị của từng di sản. Từ đó nâng cao ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy, quảng bá các di sản VHPVT với du khách gần xa” - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tấn Khoa (tỉnh Long An), chia sẻ.

Phát biểu tại lễ khai mạc Không gian các miền di sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Lâm Thị Sang nhấn mạnh: “Nhận thức rõ vai trò quan trọng của các di sản VHPVT đối với đời sống xã hội, những năm qua cùng với cả nước, Bạc Liêu đã tiến hành nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là bảo tồn và phát huy di sản Đờn ca tài tử Nam bộ. Ngoài việc thường xuyên tổ chức các hoạt động từ sưu tầm đến nghiên cứu, tỉnh còn tổ chức các hội thảo, hội thi nhằm tôn vinh và quảng bá đờn ca tài tử đến với du khách trong nước và quốc tế. Hôm nay, trong không gian hữu hạn này, Bạc Liêu tổ chức hội tụ các miền di sản của cả nước để tất cả cùng chung tay, đồng lòng mở rộng những không gian vô hạn của các miền di sản với mong muốn cùng nhau bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho các di sản VHPVT của Việt Nam có vị thế vững chắc trên trường quốc tế”.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.