Tiêu điểm

Đầu tư khoa học - công nghệ để nâng chất các mô hình sản xuất

Thứ Hai, 31/03/2025 | 16:10

Với điều kiện sinh thái đặc thù mặn, ngọt và lợ đã tạo nên những tiền đề để Bạc Liêu phát triển mạnh nhiều mô hình sản xuất. Song, các mô hình này cần được nâng chất theo hướng đầu tư khoa học - công nghệ gắn với tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu.

Nông dân vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất.

CẦN QUAN TÂM ĐẾN QUY HOẠCH ỔN ĐỊNH

Đánh giá lại lợi thế của từng vùng sản xuất mới thấy hết những tiềm năng, thế mạnh và cả những thách thức đan xen cho phát triển bền vững. Đối với vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A (vùng mặn), với diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 101.000ha và do đặc thù địa hình, thổ nhưỡng cùng hệ thống sông rạch chằng chịt lại giáp với biển nên vùng này chủ yếu phát triển các mô hình nuôi trồng và khai thác thủy hải sản. Trong đó, đối tượng nuôi thủy sản chủ lực của vùng là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể… Đặc biệt là sự phát triển khá nhanh của các mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh và quảng canh cải tiến kết hợp (tôm - cua - cá). Ngoài ra, còn có 2 mô hình sản xuất mang tính đặc thù khác chính là nuôi Artemia và sản xuất muối truyền thống tập trung ở một số xã ven biển của TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải. Đồng thời, nông dân cũng khai thác thêm đối tượng nuôi như: cá kèo, cá bống mú, cá tra bần, cá lóc, nuôi lươn, cua đinh và các mô hình canh tác khác…

Đối với vùng phía Bắc Quốc lộ 1A (vùng chuyển đổi và vùng ngọt hóa) có diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 158.000ha và hình thức canh tác chủ yếu là các mô hình: sản xuất chuyên lúa (2 - 3 vụ/năm) và mô hình nuôi quảng canh cải tiến kết hợp (tôm - cua - cá), cùng một số mô hình đang phát triển trong dân như: nuôi cá sấu, le le, vịt trời, nuôi lươn không bùn, nuôi heo và các mô hình trồng rau màu (rau cần nước), bắp, đậu, khóm và các loại cây ăn trái...

Nhìn lại các mô hình sản xuất mang tính điển hình này để thấy rằng nền nông nghiệp của tỉnh rất phong phú và đa dạng về mô hình nên cần tính bền vững để phát triển chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong đó nhiều mô hình sản xuất thế mạnh của Bạc Liêu đã được định hình và đang có xu thế phát triển để trở thành mô hình dẫn đầu cả nước. Cụ thể như nghề nuôi tôm tại Bạc Liêu có bước phát triển đáng kể, kỹ thuật nuôi được nâng lên một bước, các kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao đã và đang được người dân mạnh dạn áp dụng nhằm ứng phó với thời tiết cực đoan, hạn chế rủi ro do bệnh dịch và đem lại hiệu quả kinh tế.

Năm 2024, mặc dù tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhưng các mô hình nuôi tôm vẫn duy trì và cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, với diện tích chỉ hơn 7.360ha, nhưng năng suất bình quân đạt 17,42 tấn/ha và cho tổng sản lượng gần 124.000 tấn/năm (chiếm 40,50% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh).

Mô hình trồng bắp trên đất ruộng của nông dân huyện Phước Long.

Để tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trong năm 2025 và những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đang và sẽ phải tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trí thức hóa nông dân là yêu cầu bắt buộc nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu…

 

NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

Tuy xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, nhưng nhìn trên tổng thể thì nông nghiệp - nông dân và nông thôn Bạc Liêu cũng chịu tác động của nhiều nhân tố bên trong lẫn bên ngoài và đan xen cả thời cơ cùng hàng loạt các khó khăn, thách thức. Đó là tác động mạnh mẽ, sâu sắc của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đô thị hóa ở trong nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng với yêu cầu “thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh xuyên biên giới và những tác động của tiến bộ khoa học - công nghệ, yêu cầu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững. Trong khi thực trạng quá trình phát triển nông nghiệp - nông dân và nông thôn của tỉnh vẫn còn hạn chế, yếu kém và nhiều vấn đề phải tập trung giải quyết. Bằng chứng là quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp, thiếu bền vững. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp diễn ra chậm, chủ yếu vẫn là kinh tế nông hộ, trong khi phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã đều có quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động không cao.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh, sâu hại trên các đối tượng cây trồng - vật nuôi, nhất là ở các mô hình nuôi thủy sản ngày càng phức tạp, tôm thiệt hại trên diện rộng tại các địa phương và khó kiểm soát. Trong khi đó, các trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, dự đoán, dự báo còn thiếu và chậm đổi mới nên công tác ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh và khuyến cáo chưa kịp thời, chưa hiệu quả, đã tác động đến tâm lý người sản xuất và hiệu quả kinh tế của các mô hình.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A. ​Ảnh: K.T

Đáng quan tâm hơn cả là nông nghiệp Bạc Liêu chưa thật sự chuyển mình theo hướng công nghiệp hiện đại, gắn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Mặt khác, điều kiện nội lực của người sản xuất còn yếu, khả năng tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, một bộ phận nông dân vẫn quen với tập quán canh tác truyền thống, dựa vào kinh nghiệm và điều kiện thực tại của họ, quá tin vào thuốc mà bỏ qua yếu tố kỹ thuật, quản lý. Quy hoạch sản xuất còn chủ quan, chưa bám sát dự báo đúng nhu cầu của thị trường. Sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến còn lỏng lẻo, giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học còn yếu, dẫn tới thực trạng sản xuất giá trị thấp, nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Nghịch lý “được mùa - rớt giá” vẫn thường xuyên lặp lại.

Đặc biệt hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư lớn nhưng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất (nhất là nhu cầu điện trong nuôi tôm), tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh bừa bãi; lịch điều tiết nước vùng chuyển đổi (tôm - lúa) có bước cải tiến đáng kể nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với nhu cầu, yêu cầu từng tiểu vùng sản xuất và vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản chưa bảo đảm. Năng lực làm chủ và vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới có mặt còn bất cập, hạn chế. Phần đông nông dân thiếu nguồn lực, đa phần là lao động lớn tuổi, hạn chế kiến thức về sản xuất hàng hóa, về kinh tế thị trường, chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, phong trào.

Ngoài ra, chi phí vật tư đầu vào luôn diễn biến tăng, kinh tế hộ không đồng đều, đa phần thiếu vốn, đầu tư chưa đồng bộ nên thường bị động trong khi giá sản phẩm thấp và không ổn định đã làm giảm lợi nhuận của mô hình, gây cho người sản xuất tâm lý thiếu an tâm. Cũng như, thể chế chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là chính sách về tín dụng, bảo vệ môi trường, về ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản, về bảo hiểm nông nghiệp, về phát triển các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, về thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

 

Ông Lê Hữu Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu: Nông dân phải tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức

Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nông dân với vai trò là chủ thể của nền nông nghiệp phải được tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. Đồng thời, điều hành tổ chức sản xuất nông nghiệp và người lao động về chủ trương, định hướng đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp theo tinh thần Quyết định 219 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để đạt mục tiêu trên, đề xuất các cấp, ban, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Đổi mới mạnh mẽ hình thức và tổ chức hoạt động khuyến nông phù hợp với từng loại hình sản xuất tại các địa phương; tăng cường phối hợp giữa khuyến nông nhà nước và khuyến nông của các doanh nghiệp; phát triển khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng. Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng yêu cầu thị trường như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo...), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...). Đánh giá hiệu quả các mô hình này để rút kinh nghiệm, nhân rộng quy mô, giới thiệu công nghệ và cách quản lý mới.

Tăng cường công tác dự báo tình hình dịch bệnh, sâu hại trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi, nhất là đối với động vật thủy sản, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa hợp lý, đúng quy trình và theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; phát huy hiệu quả trong việc xây dựng phát triển các mô hình sản xuất; khuyến cáo người dân sản xuất tuân thủ lịch thời vụ, lịch điều tiết nước, thực hiện quy trình sản xuất tốt, áp dụng quy trình sinh học, sản xuất có trách nhiệm gắn với bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, lấy tiêu chí VietGAP, GlobalGAP, CoC, ASC... để tuyên truyền nhân rộng cho người sản xuất nhằm bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải.

Tiếp tục hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn (kể cả cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý) để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khuyến nông trong đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, không chỉ dừng lại ở kỹ năng, kỹ thuật, hỗ trợ vốn, vật tư sản xuất mà cần mở rộng ra các kỹ năng phối hợp tiêu thụ sản phẩm, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình sản xuất - kinh doanh phù hợp nhằm cải thiện căn bản chất lượng nhân lực, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, tạo sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động của thị trường, khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi liên kết, cung ứng của doanh nghiệp, tình trạng sinh kế tạm bợ, thiếu ổn định, dễ bị tổn thương của lao động nông thôn…

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.