Tiêu điểm
Đẩy mạnh liên kết Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau: Yêu cầu bức thiết cho phát triển bền vững
Từ năm 2017, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang đã thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ về việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau (BĐCM). Song, liên kết này vẫn chưa thật sự bền chặt, cần phải tính toán lại một cách hợp lý hơn.
Nuôi tôm công nghệ cao - lợi thế hàng đầu của tỉnh Bạc Liêu.
TƯƠNG ĐỒNG VỀ TIỀM NĂNG
So với các tỉnh khác của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 4 tỉnh giáp biển gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang được xác định là những địa phương chịu tác động trực tiếp từ nước biển dâng và xâm nhập mặn. Đây chính là thách thức mà 4 tỉnh phải đương đầu và cần “bắt tay” nhau thật chặt để cùng nhau ứng phó.
Tuy nhiên, “nước mặn” cũng là lợi thế và được xem là tài nguyên, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu. Đến nay, 3 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng đang dẫn đầu cả nước về tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu với gần 1,3 triệu tấn, chiếm 15,5% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước. Trong đó, Cà Mau 593.000 tấn, Bạc Liêu 380.000 tấn và Sóc Trăng 325.000 tấn. Cũng như, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của 3 tỉnh chiếm gần 1/3 sản lượng nuôi thủy sản cả nước. Trong đó, con tôm nuôi là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản lượng thủy sản nuôi, cả 3 tỉnh sản xuất 530.000 tấn tôm các loại, chiếm 55% sản lượng tôm cả nước và 68% sản lượng tôm khu vực ĐBSCL.
Cùng với đó, ngành nuôi tôm ở 3 tỉnh này được dự báo sẽ phát triển nhanh hơn và tiếp tục dẫn đầu ngành tôm cả nước trong những năm tới. Bạc Liêu và Cà Mau sẽ là 2 tỉnh sản xuất tôm giống lớn của cả nước (bao gồm giống tôm sú và giống tôm thẻ chân trắng). Với vùng nguyên liệu dồi dào đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản phát triển và cả một số ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ “ăn theo”, nhất là tham gia giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng trăm ngàn lao động của các địa phương.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, việc liên kết trong sản xuất nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu đã góp phần phát huy lợi thế của quy mô sản xuất hàng hóa lớn, giúp doanh nghiệp ở các địa phương tham gia thị trường các nước phát triển như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản. Cũng như, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên (nguồn nước ngọt, mặn) gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông thủy, bộ). Phát huy kinh nghiệm quản lý và thông tin thị trường, phối hợp với chính sách phát triển thị trường. Tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và tham gia giải quyết tốt những vấn đề môi trường vượt quá phạm vi quản lý của một tỉnh như: ô nhiễm nguồn nước trên các dòng sông, khu vực ven biển liền kề, điều phối sử dụng nguồn nước và thống nhất lịch cải tạo, xả thải… nhằm đảm bảo lợi ích của các địa phương dựa trên nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững.
Chưa dừng ở đó, việc đẩy mạnh liên kết phát triển bền vững của Tiểu vùng BĐCM còn tạo nên tiếng nói chung trong việc cung cấp thêm căn cứ cho Chính phủ hình thành chính sách phát triển Tiểu vùng BĐCM gắn kết với vùng ĐBSCL. Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác này nhằm chủ động tránh hiện tượng cạnh tranh “về đáy” gây thiệt hại cho các địa phương và tạo ra hệ lụy là sự phát triển không đồng đều, thậm chí tạo ra sự chênh lệch về phát triển quá xa, nhất là các tỉnh bị hạn chế về kết nối giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội và tài nguyên thiên nhiên…
Chế biến tôm xuất khẩu ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: K.T
ƯU TIÊN HỢP TÁC CÁC LỢI THẾ
Hiện nay, Cà Mau có lợi thế về sân bay, đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (trong tương lai) và tổ hợp khí - điện - đạm; Sóc Trăng có lợi thế về cảng biển nước sâu (Trần Đề) và đường cao tốc Nam sông Hậu (trong tương lai). Do vậy, Bạc Liêu phải tranh thủ các dự án động lực này thông qua liên kết với Tiểu vùng BĐCM để tránh nguy cơ đi sau và kém phát triển. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng sẽ được Bạc Liêu quan tâm là đẩy mạnh Chương trình xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư trong những lĩnh vực thế mạnh đặc thù. Đây là bước tiến trong tư duy quản trị kinh tế ở địa phương trong bối cảnh liên kết vùng được xem là khâu yếu nhất trong phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và cả nước. Việc liên kết và hợp tác đúng thế mạnh sẽ tạo tiền đề cho các chương trình hợp tác có hiệu quả hơn trong tương lai.
Chương trình hợp tác giữa Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng sẽ tập trung vào các lĩnh vực như: Ưu tiên hợp tác phát triển các ngành có lợi thế trên địa bàn 3 tỉnh nhằm phát huy hiệu ứng quy mô lớn, bao gồm: nuôi, chế biến tôm thương phẩm, tôm giống chất lượng cao và nuôi biển; khai thác, bảo vệ nguồn lợi hải sản; phát triển du lịch và dịch vụ - thương mại. Hợp tác phát triển các ngành hỗ trợ như: công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ khí sửa chữa, dịch vụ logistics. Hợp tác xây dựng, vận hành các công trình liên kết phục vụ kinh tế - xã hội liên quan đến cả 3 tỉnh như: các công trình thủy lợi liên quan đến vận hành, sử dụng nguồn nước (sông Hậu, sông Gành Hào, hệ thống lấy nước mặn biển Tây...); các công trình giao thông kết nối kinh tế 3 tỉnh (Quốc lộ 1A, trung tâm logistics giữa các tỉnh). Hợp tác nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH trên các khu vực chung như: xây dựng và quản lý đê biển. Hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại trên thị trường quốc tế…
Mong rằng, với sự quyết tâm và khát vọng phát triển không ngừng của các địa phương Tiểu vùng BĐCM sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chủ động thích ứng với BĐKH, hóa giải các thách thức trở thành cơ hội và phát triển bền vững.
Bạc Liêu nằm ở xa trung tâm vùng và TP. Hồ Chí Minh, do đó tỉnh kiến nghị Trung ương ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông bộ, giao thông thủy kết nối Bạc Liêu với mạng lưới giao thông quốc gia đạt tốc độ lưu chuyển nhanh hơn, giảm dần chi phí lưu thông, trọng điểm ưu tiên lựa chọn là nâng cấp các tuyến Quốc lộ 1A, Quản Lộ - Phụng Hiệp nhằm kết nối thuận lợi và nhanh hơn giữa Bạc Liêu với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Nam sông Hậu.
KIM TRUNG