Tiêu điểm

Giải bài toán nâng cao thu nhập cho nông dân

Thứ Ba, 27/08/2024 | 13:10

Là địa phương có thế mạnh về kinh tế là sản xuất nông nghiệp, một trong những nhiệm vụ quan trọng được các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo là không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân. Bởi giải quyết tốt vấn đề này, không chỉ tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, mà còn tạo nên những tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và cả hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.

ĐẨY MẠNH HỖ TRỢ

Xác định nông dân đóng vai trò chủ thể cho phát triển tam nông cũng như quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng NTM, trong những năm qua, Hội Nông dân và các địa phương trong tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua trong nông dân, nhất là phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi. Năm qua, toàn tỉnh có hơn 70.480 hộ nông dân đăng ký phấn đấu SX-KD giỏi các cấp và đến cuối năm bình xét có hơn 41.000 hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân SX-KD giỏi các cấp, đạt 103% so với chỉ tiêu Hội Nông dân tỉnh giao. Trong đó, có nhiều nông dân đã xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần giúp nông dân tăng thu nhập và giải quyết việc làm.

Trồng dưa hấu dưới ruộng của nông dân xã Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây và Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) nhiều năm qua được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với chi phí sản xuất khoảng 11 triệu đồng/1.000m2/vụ, sau khoảng 2 tháng trồng dưa hấu sẽ cho thu hoạch hơn 24 triệu đồng và mang lại lợi nhuận cho người nông dân trên 13 triệu đồng/vụ. Cái hay của mô hình này, từ đặc điểm thổ nhưỡng tạo ra sản phẩm chất lượng, nên dưa hấu sau khi thu hoạch có thị trường tiêu thụ mạnh, có thương lái đến liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Hay ở huyện Đông Hải - tuy là vùng đất mặn, nhưng nông dân rất năng động phát triển các loại rau ăn lá ở các xã, thị trấn ven biển thông qua mô hình trồng xen canh các loại cây trồng như: xà lách, rau muống, cải xanh, dưa leo, ớt, bầu, bí, sả...  Thực hiện mô hình này, người dân tận dụng đất trống, đất vườn tạp và cả bờ bao của vuông, qua đó, mang lại lợi nhuận từ 20 - 60 triệu đồng/năm. Điển hình như các hộ: Trương Văn Cưng, Nguyễn Văn Quang, Trần Văn Cường (xã Long Điền Đông)… Rõ ràng, nông dân đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để tăng thêm thu nhập và khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng rau của nông dân huyện Đông Hải (ảnh trên) và mô hình trồng dưa hấu của nông dân huyện Phước Long.

Cùng với quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn thực hiện nhiều chương trình, dự án để giúp nông dân tăng thu nhập. Đồng thời kết nối với các tổ chức tín dụng để tăng cường đầu tư vốn cho nông dân. Trong 7 tháng của năm 2024, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng NN&PTNT đầu tư hơn 166,28 tỷ đồng cho nông dân vay phát triển sản xuất; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư cho hộ nghèo vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm… với tổng dư nợ hơn 857,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đầu tư tín dụng, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức đào tạo nghề cho nông dân với nhiều mô hình và hình thức đào tạo phù hợp, thu hút nhiều lao động trẻ là nông dân tham gia, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho nông dân.

Chưa dừng ở đó, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ nông dân đẩy mạnh việc quảng bá và tiêu thụ nông phẩm của địa phương. Cụ thể, phối hợp với Sở KH-CN, Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart và hỗ trợ nông dân tham gia sản phẩm đạt chất lượng OCOP; chỉ đạo và hướng dẫn thành lập các trang Fanpage của tổ chức Hội các cấp, hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc Fanpage nông sản sạch Bạc Liêu. Đồng thời phối hợp triển khai đến cán bộ, hội viên nông dân ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu và kết nối trên 20 loại sản phẩm nông sản cho nông dân… Từ đó, giúp nông sản Bạc Liêu được quảng bá trên nhiều mạng xã hội, bảo đảm tiếp cận được nhiều thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm của địa phương.

Nông dân vùng Bắc Quốc lộ 1A với mô hình sản xuất lúa - tôm. Ảnh: K.T

HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG

Trên thực tế, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà nói chung và năng lực, tư duy của nông dân, những người trực tiếp tham gia SX-KD nông nghiệp vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Có thể kể đến như khả năng tiếp cận kiến thức, thông tin về thị trường còn yếu, kéo theo sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Khả năng ứng dụng công nghệ số vào hoạt động SX-KD còn ở mức thấp và chưa tranh thủ, khai thác, phát huy được thế mạnh này. Sản xuất mang tính tự phát, thiếu quy hoạch vùng sản xuất, đối tượng sản xuất nên dẫn đến sản xuất không theo nhu cầu thị trường. Các loại hình kinh tế tập thể chưa phát triển mạnh và đủ mức để thu hút, liên kết, dẫn dắt các hoạt động SX-KD cho sản xuất nông nghiệp phát triển…

Tất cả những khó khăn và hạn chế này, đã tác động trực tiếp đến thu nhập của nông dân. Trong đó, thu nhập thiếu bền vững khiến nhiều nông dân phải ly hương để mưu sinh chính là nỗi trăn trở của các cấp hội khi khu vực nông thôn mất đi nguồn lực chính trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Sản xuất nông nghiệp có tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của Bạc Liêu, với gần 130.000 hộ nông dân, có thu nhập chủ yếu từ các hoạt động SX-KD dựa vào nông nghiệp. Giải bài toàn nâng cao thu nhập cho nông dân không chỉ góp phần hoàn thành chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra mà còn xây dựng được nền tảng cho quá trình hiện đại hóa nông thôn, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, khuyến khích, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tham gia sản xuất theo hướng an toàn, bền vững; tích cực tham gia các loại hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, tiến tới hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển thương hiệu. Từ đó có điều kiện tốt để tiêu thụ nông sản cả trong và ngoài nước.

Mặt khác, tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp tập huấn kỹ thuật, tổ chức hội thảo chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ mới, hội thảo đầu bờ. Tổ chức cho nông dân tham quan học tập kinh nghiệm, xây dựng mô hình trình diễn để hội viên, nông dân có điều kiện nắm bắt, hiểu rõ và mạnh dạn ứng dụng vào sản xuất…

Đặc biệt là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Cũng như, kịp thời vinh danh, nhân rộng các mô hình sản xuất mới, mô hình có hiệu quả, những cách làm hay và cả gương nông dân sản xuất giỏi. Đồng thời, tăng cường đầu tư nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân và các nguồn ủy thác được ưu tiên cho các mô hình mới, hiệu quả, phù hợp với từng vùng, địa phương và bám theo quy hoạch, định hướng tập trung phát triển của tỉnh.

.................................................................................................................................................................................................................................

Trong năm qua các cấp Hội Nông dân đã tổ chức 23 lớp tập huấn về phương pháp xây dựng thương hiệu sản phẩm và cách tiếp cận, quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội cho hơn 2.300 lượt nông dân tham gia. Hỗ trợ tiêu thụ hơn 61 tấn nông sản, thủy hải sản các loại và tham gia trưng bày, giới thiệu 21 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trong tuần lễ xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP trong, ngoài tỉnh…

……………...............................................................................................................................................................................................................

 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Nguyễn Hoàng Thoại: Có thêm chính sách hỗ trợ đào tạo kiến thức cho nông dân

Để góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và giải quyết có hiệu quả các khó khăn hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành liên quan cần nghiên cứu thêm các chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn trang bị kiến thức cho nông dân - đặc biệt là hội viên nông dân tham gia trong các loại hình kinh tế tập thể, về khả năng quản trị, kiến thức, thông tin về kinh doanh, về thị trường, về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất. Đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể kết hợp tham quan các mô hình hiệu quả để nông dân học tập.

Bên cạnh đó, cần phải có quy hoạch tổng thể cho hoạt động sản xuất phù hợp với điều kiện của tỉnh và có tính riêng, đặc thù, có xét đến yếu tố thị trường, cung cầu so với các tỉnh lân cận, vùng miền. Có quy hoạch, chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng vùng sản xuất, từng đối tượng sản xuất, từng thời vụ sản xuất… nhằm tránh tình trạng sản xuất theo phong trào, lúc thừa, lúc thiếu và sản phẩm nông dân làm ra không tiêu thụ được. Có như vậy sản xuất mới ổn định và thu nhập, việc làm của nông dân mới bền vững.

 

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Long - Huỳnh Hữu Tính: Khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường đầu tư vốn cho nông dân

Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 và Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, Hội Nông dân huyện đã phát động, khuyến khích nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi. Qua đó, đã xây dựng nên nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh mới trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay toàn huyện có 28 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 14 sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm đạt 13 sao và còn nhiều sản phẩm tiềm năng khác. Song song đó, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả hiện có như: Mô hình trồng màu trong bờ vuông, mô hình lúa - tôm - cua - cá kết hợp, mô hình trồng rau cần, trồng rau má, mô hình nuôi chồn hương sinh sản, nuôi lươn, nuôi le le, mô hình trồng bắp nếp sản phẩm OCOP… đã đem lại lợi nhuận rất cao cho nông dân, kích thích nông dân mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm trong sản xuất.

Tuy nhiên, đời sống của nông dân trong huyện nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, việc tiếp cận các nguồn vốn vay, vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân còn hạn chế. Từ đó chưa hình thành được các mô hình hay vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa có quy mô lớn trong sản xuất, trong khi giá cả vật tư đầu vào luôn tăng cao nhưng đầu ra còn bấp bênh. Do vậy, kiến nghị tỉnh, huyện cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để vận động, xây dựng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để tiếp tục hỗ trợ vốn cho nông dân tiếp cận đầu tư vào các mô hình đã chọn. Cũng như, khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường đầu tư vốn cho nông dân. Vận động doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với nông dân theo mô hình chuỗi sản xuất khép kín, nhằm đảm bảo đầu ra cho nông sản.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.