Tiêu điểm
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024: Quyết tâm về đích đúng hạn
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và yêu cầu các ngành, địa phương phải quyết liệt ngay từ đầu năm chính là tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC).
Thi công công trình trên địa bàn TP. Bạc Liêu từ nguồn vốn đầu tư công. Ảnh: L.D
QUYẾT LIỆT CHỈ ĐẠO
Nhìn lại công tác này trong năm 2023, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi tình hình thế giới tiếp tục biến động rất nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh, vượt dự báo; lĩnh vực xây dựng cơ bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình giá vật tư, vật liệu tăng cao so với năm trước; nguồn cung cấp cát san lấp mặt bằng khan hiếm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công của các dự án… tuy nhiên, đến cuối năm 2023, giải ngân VĐTC của tỉnh vẫn đạt trên 95%. Đây là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến các cấp, các ngành, từng chủ đầu tư để triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn VĐTC.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều “vốn đã giao phải giải ngân hết theo đúng quy định về sử dụng nguồn VĐTC”, các đơn vị đã nghiêm túc, quán triệt và quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, từ đó tạo một bước chuyển biến tích cực trong giải ngân VĐTC. Nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân VĐTC đạt trên 90%. Cũng như, nhiều công trình trọng điểm mang tính chất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 đã đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Phát huy thành tích đã đạt được trong năm qua và xác định năm 2024 là “năm bứt phá” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng là “năm quyết tâm” để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), Bạc Liêu xác định việc đẩy mạnh giải ngân VĐTC là một trong những nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo. Việc hoàn thành nhiệm vụ này sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Vì vậy, ngay từ đầu năm, công tác giải ngân VĐTC đã được tập trung chỉ đạo khá quyết liệt và đạt được những kết quả khả quan. Qua tổng hợp kết quả giải ngân từ Kho bạc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tính đến ngày 20/2/2024, những tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh đã giải ngân được 231,831 tỷ đồng, đạt 6,38% kế hoạch. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương gần 179 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6,94%.
PHẤN ĐẤU ĐẠT TRÊN 95%
Có một điều đáng ghi nhận là ngay những tháng đầu năm, UBND tỉnh đã tích cực phân bổ tổng nguồn vốn được giao cho các đơn vị, địa phương (3.635 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương 2.577 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương 1.058 tỷ đồng). Đồng thời, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã thông báo mức vốn được giao đến các chủ đầu tư để chủ động trong việc triển khai thực hiện theo kế hoạch. Do đó, để đảm bảo kế hoạch đầu tư công năm 2024 đạt tỷ lệ trên 95% như chỉ tiêu đề ra, Sở KH-ĐT đã yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục phát huy kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế trong năm 2023 để có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC ngay từ đầu năm 2024. Đặc biệt là việc giải ngân ngồn vốn đầu tư vào các dự án quan trọng của tỉnh, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và tranh thủ thời gian những tháng mùa khô đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đề nghị các chủ đầu tư cần chú trọng, quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện dự án và giải ngân VĐTC. Trong đó, cần chỉ đạo bộ phận chuyên môn trực thuộc xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai của từng dự án để chủ động chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay để triển khai các công việc thực hiện, giải ngân vốn của dự án, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được, hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.
Cùng với đó là tập trung giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định. Đối với nguồn vốn này tuy được Trung ương cho phép kéo dài nhưng theo Sở KH-ĐT, các chủ đầu tư cần chủ động hơn nữa trong khâu phối hợp và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo đúng quy định thì mới có thể sớm triển khai và giải ngân hết số vốn đã giao.
Một vấn đề quan trọng khác là các chủ đầu tư cần chú trọng, quan tâm hơn nữa trong việc chuẩn bị đầu tư dự án, nhất là cần nâng cao chất lượng tư vấn từ khâu lập chủ trương đầu tư, khẩn trương trình thẩm định và phê duyệt dự án để đủ điều kiện giao vốn cũng như triển khai thực hiện các bước tiếp theo được thuận lợi. Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về đấu thầu, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực về chuyên môn, về tài chính… để sớm hoàn thành các công việc được giao theo hợp đồng đã ký, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Song song đó là kiên quyết xử lý nghiêm và thay thế ngay các đơn vị tư vấn, thi công không đáp ứng theo kế hoạch và tiến độ hợp đồng đã ký.
Chưa dừng ở đó, các chủ đầu tư phải chủ động, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo trình cấp thẩm quyền xử lý đối với các dự án còn khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh hoặc Tổ công tác xử lý khó khăn, vướng mắc do UBND tỉnh thành lập. Đồng thời, cần lưu ý những công trình dự án đã có khối lượng, giá trị thực hiện cần khẩn trương thực hiện các thủ tục giải ngân với Kho bạc Nhà nước và thực hiện thu hồi tạm ứng theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Các chủ đầu tư cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý hồ sơ có phát sinh vướng mắc trong quá trình xử lý. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các cán bộ trực thuộc nâng cao vai trò và trách nhiệm trong quá trình tham mưu xử lý hồ sơ.
Với các địa phương, Sở KH-ĐT đề nghị tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết dứt điểm các dự án còn vướng giải phóng mặt bằng, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng… nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn. Riêng Sở KH-ĐT sẽ phối hợp với Sở Tài chính và các sở chuyên ngành theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện các dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời vướng mắc, khó khăn. Tổng hợp điều chỉnh vốn các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu bổ sung để đẩy nhanh tiến độ…
HUỲNH CÔNG
Phân bổ vốn tập trung, không dàn trải
Cuối tháng 1/2024, Bộ Tài chính đã có Công văn đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo các quy định của Chính phủ.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc phân bổ chi tiết theo đúng quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Trong đó, rà soát thật kỹ, phân bổ vốn tập trung, không dàn trải, theo đúng thứ tự ưu tiên, đúng đối tượng cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân; tập trung bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án quan trọng quốc gia… tránh phân bổ dàn trải; không phân bổ vốn cho các dự án không có khả năng giải ngân.
Cùng với đó, chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, xác định các mốc thời gian hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng với các dự án, gói thầu mới thực hiện trong năm 2024.
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Bộ Tài chính đề nghị cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc, giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị thực hiện. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân cùng thực hiện. Đồng thời, kịp thời báo cáo cụ thể các khó khăn, vướng mắc cản trở làm chậm tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc thiếu vốn bố trí.
Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công tại một công trình giao thông trên tuyến đê biển xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình). Ảnh: H.T
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiên quyết điều chuyển số vốn của các dự án chậm giải ngân sang các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự có tiến độ giải ngân tốt.
Xác định giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo, giám sát, đôn đốc giải ngân. Bên cạnh đó, công khai kết quả thực hiện của các đơn vị, gắn kết quả giải ngân của từng đơn vị với đánh giá kết quả của cán bộ; kiểm điểm, phê bình đối với các trường hợp không hoàn thành kế hoạch; khen thưởng, động viên kịp thời đối với các gương điển hình trong tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
Cũng tại văn bản này, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của Chính phủ hiện hành, gửi Bộ Tài chính làm cơ sở để thực hiện kiểm tra việc phân bổ và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024.
P.B.T
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp