Tiêu điểm
Giảm nghèo theo chuẩn đa chiều: Những kết quả bước đầu
Năm 2017 là năm thứ hai toàn tỉnh thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều. Đây là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia được tỉnh quan tâm, xem là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp để đạt được những kết quả giảm nghèo theo chuẩn đa chiều bền vững.
Lãnh đạo tỉnh tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách ở huyện Hồng Dân.
Bà Trần Hồng Chiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tặng quà tết cho hộ nghèo huyện Đông Hải. Ảnh: H.T
CÁC GIẢI PHÁP GIẢM NGHÈO
Chương trình giảm nghèo bền vững được tỉnh triển khai gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, giám sát, đánh giá và nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo... Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã ưu tiên đầu tư cho những hộ có ý chí thoát nghèo; tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất cho người nghèo. Đây được coi là những giải pháp cơ bản, nâng cao khả năng tự vận động, tự vươn lên của chính người nghèo, những vùng khó khăn.
Sau khi rà soát hộ nghèo theo phương pháp đa chiều, Ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo tỉnh đã phân loại các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo của từng nhóm hộ nghèo như: Thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu lao động, đông người phụ thuộc, thiếu vốn, thiếu đất, thiếu phương tiện sản xuất, lười lao động, tai nạn rủi ro, có người ốm đau, tàn tật và thiếu việc làm. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu hộ nghèo và chỉ tiêu giảm nghèo, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương như: 70 ngành tỉnh nhận giúp đỡ 462 hộ nghèo với số tiền 1,9 tỷ đồng; 367 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố nhận giúp đỡ gần 1.400 hộ nghèo; cấp xã, phường, thị trấn nhận giúp đỡ gần 3.000 hộ nghèo. Các đơn vị đã đi sâu tìm hiểu nhu cầu và khả năng thực tế của từng hộ để có hình thức giúp đỡ phù hợp hoặc hỗ trợ bằng tiền hay tặng cây, con giống, thức ăn, thậm chí có thể giúp các hộ sửa chữa chuồng trại chăn nuôi, trang bị máy bơm nước, máy nổ, xuồng máy… Theo đó, phần lớn hộ nghèo được nhận giúp đỡ trong năm 2017 đã thoát nghèo bền vững.
Một trong những giải pháp cho công tác giảm nghèo bền vững mà BCĐ giảm nghèo tỉnh xác định và chú trọng thực hiện đó là quyết tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù như: Chương trình 135 nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 7 xã bãi ngang, ven biển; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin...
Nhìn chung, các chính sách triển khai đều hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân, phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng ở những xã, ấp đặc biệt khó khăn để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chính sách này tạo điều kiện cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc phát triển nên được nhân dân đồng tình ủng hộ.
NHỮNG KẾT QUẢ ẤN TƯỢNG
Trước tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh khá cao, do đó mục tiêu giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong quá trình chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị các cấp. Ngoài nguồn vốn ngân sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nghị quyết, kế hoạch thực hiện chương trình việc làm - giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực và giải pháp cho chương trình giảm nghèo. Toàn tỉnh cũng đã vận động đóng góp Quỹ Vì người nghèo - An sinh xã hội với tổng số tiền 73,23 tỷ đồng. Nguồn quỹ này được đầu tư xây dựng các công trình có ý nghĩa xã hội, nhân văn, góp phần quan trọng vào việc chăm lo, nâng cao đời sống của người nghèo.
Từ nguồn quỹ trên, tỉnh đã triển khai xây 1 trường học, 4 cây cầu giao thông nông thôn, hỗ trợ xây 250 căn nhà tình nghĩa, tình thương cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn... Tỉnh cũng đã xác định chỉ số thiếu hụt cao nhất trong 10 tiêu chí giảm nghèo là nhà ở, do đó trong năm 2017, các địa phương đã nỗ lực huy động các nguồn lực để xây trên 1.550 căn nhà cho hộ nghèo (theo Quyết định 33 của Chính phủ); xây 224 căn nhà cho các hộ người già, neo đơn, mất sức lao động. Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp và quyết tâm thực hiện tốt công tác giảm nghèo theo chuẩn đa chiều đã đưa đến thành tựu nổi bật trong công cuộc giảm nghèo của tỉnh khi luôn duy trì giữ tốc độ giảm trên 3% hộ nghèo/năm. Đặc biệt năm 2017, toàn tỉnh giảm 7.741 hộ nghèo, tương đương 3,82%.
Tuy nhiên, nhiệm vụ giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều vẫn là một thách thức không nhỏ. Và để thực hiện tốt các giải pháp mà tỉnh đã đề ra, thiết nghĩ rất cần sự quyết tâm của các ngành, các cấp, sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm… Bởi, chính sự đoàn kết, nhất trí này sẽ giúp mục tiêu giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo sớm hoàn thành kế hoạch đề ra.
HOÀNG UYÊN
-------------------------------------
Chỉ tiêu giảm nghèo chủ yếu trong năm 2017
- Toàn tỉnh phấn đấu giảm 3,45% hộ nghèo (khoảng 7.000 hộ).
- Phấn đấu dạy nghề cho 11.350 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%.
- Giải quyết 4.000 lao động là hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề, giải quyết việc làm; 30 lao động là hộ nghèo, cận nghèo được xuất khẩu lao động.
- Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo và hộ cận nghèo.
- Phấn đấu trong năm 2017 có 7.000 hộ nghèo được giúp đỡ.
- Vận động đóng góp Quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội đạt 120 tỷ đồng.
- UBND tỉnh: Kiểm tra việc thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Phước Long
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL