Tiêu điểm
Gỡ vướng cho các dự án năng lượng sạch
Với khát vọng trở thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia gắn với tăng trưởng xanh, Bạc Liêu tích cực thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Qua 5 năm thực hiện, tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng và tạo nên những tiền đề để hoàn thành mục tiêu chiến lược này.
Dự án Điện gió Kosy Bạc Liêu nhìn từ trên cao.
ĐÁP ỨNG NHU CẦU PHÁT TRIỂN
Vốn giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển năng lượng tái tạo, thời gian qua, Bạc Liêu luôn xem an ninh năng lượng là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trong đó, ưu tiên phát triển năng lượng xanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo qua nhiều nhiệm kỳ. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định lĩnh vực năng lượng tái tạo và điện khí là một trong 5 trụ cột phát triển KT-XH của tỉnh. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 137 về việc phát triển năng lượng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đã xác định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, tầm nhìn đến năm 2045 và 8 nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Cùng với đó, Bạc Liêu cũng xác định việc triển khai các công trình, dự án điện theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển đồng bộ giữa hạ tầng nguồn điện và lưới điện trên địa bàn tỉnh với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Cũng như, góp phần nâng cao chất lượng nguồn điện cung cấp cho các phụ tải của tỉnh an toàn, ổn định đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân, doanh nghiệp (DN) và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt ấy, đến nay Bạc Liêu đã thu hút được 10 DN tham gia đầu tư phát triển 10 dự án điện gió và 1 dự án điện khí. Ngoài nguồn năng lượng điện truyền thống, Bạc Liêu còn có các loại hình năng lượng sạch như: điện gió, điện năng lượng mặt trời và đang chuẩn bị đầu tư Nhà máy Điện khí LNG.
Lắp ráp tua-bin gió của Dự án Nhà máy Điện gió KOSY Bạc Liêu.
Với việc phát triển và đầu tư nhiều dự án, công trình điện, đến nay nhu cầu năng lượng cơ bản đáp ứng cho các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Theo đó, tổng sản lượng điện các nguồn năng lượng sạch (điện gió và điện mặt trời) đủ cung cấp cho toàn tỉnh (năm 2024, tổng sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh hơn 1.316 triệu kWh và tổng sản lượng điện các nguồn năng lượng sạch đã phát lên lưới điện hơn 1.436 triệu kWh). Theo kế hoạch dự kiến thực hiện đầu tư các dự án năng lượng trước năm 2030 gồm 16 dự án, với tổng công suất 17.530MW (trong đó, điện gió 1.500MW, điện sinh khối 30MW và điện xuất khẩu 16.000MW) và các dự án nguồn điện thực hiện sau năm 2030 gồm: 40 dự án, với tổng công suất 8.030MW (trong đó, điện gió 6.530MW, điện mặt trời 1.500MW), góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một trong những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện Nghị quyết 55 chính là Bạc Liêu đã tập trung làm tốt công tác xúc tiến và mời gọi đầu tư thông qua việc khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng. Cũng như, không ngừng nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng và các quy hoạch có liên quan. Đồng thời, tỉnh luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư và tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư... để mời gọi các thành phần kinh tế trong, ngoài tỉnh tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong tỉnh, nhất là những dự án nguồn điện…
Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng: Khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng
Nhằm xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng và nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường trong phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong phát triển năng lượng.
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020 - 2030. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp và giao thông.
Đối với các khó khăn, vướng mắc, đề nghị Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tập trung hỗ trợ tối đa ngành Điện và các nhà đầu tư dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh trong công tác cấp hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật về lĩnh vực đất đai, bổ sung diện tích thu hồi đất vào quy hoạch, thủ tục thẩm định, phê duyệt hồ sơ đo vẽ địa chính, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ thi công các công trình điện nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch tỉnh, đồng thời sớm giải tỏa công suất của các nhà máy điện gió hiện tại và trong tương lai.
Duy trì thực hiện tốt công tác bảo trì, cải tạo nâng cấp lưới điện, tranh thủ nguồn vốn của ngành Điện được phân bổ để đầu tư phát triển lưới điện trong phạm vi quản lý nhằm đảm bảo lưới điện hấp thụ hết công suất của các hệ thống điện mặt trời mái nhà; sớm xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công các công trình điện lực trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ và đồng hành với nhà đầu tư Dự án Nhà máy Điện khí LNG trong các công tác: Bố trí diện tích đất để điều chỉnh vị trí dự án đảm bảo khoảng cách hành lang an toàn với Trường bắn biển của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đã được Bộ Quốc phòng thống nhất) và thỏa thuận với Cục Hàng hải về vị trí, thông số kỹ thuật chi tiết bến cảng Vĩnh Hậu A (cảng LNG Điện khí Bạc Liêu) và làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc giao vị trí cảng Vĩnh Hậu A.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, đôn đốc các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đúng với quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, cập nhật, nghiên cứu các quy định của pháp luật và chỉ đạo của các bộ, ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng…
………………............................................................................................................................................................................................................
CHƯA KHAI THÁC, PHÁT HUY HẾT TIỀM NĂNG
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, việc thực hiện Nghị quyết 55 tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng nhìn chung vẫn còn hàng loạt các khó khăn, bất cập và chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có. Đó là hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ với các nguồn phát điện có của tỉnh (điện gió, điện năng lượng mặt trời), có những thời điểm phải cắt giảm công suất phát của một số nhà máy điện gió và hệ thống điện mặt trời mái nhà do quá tải lưới điện. Do vậy, chưa tận dụng hết nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời và làm giảm sản lượng điện được sản xuất. Đáng quan tâm nhất là Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW vẫn chưa được khởi công xây dựng như kế hoạch đề ra và làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc tính toán bài toán tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong đó, có khó khăn về việc bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư chưa được pháp luật quy định cụ thể về chuyển đổi ngoại tệ, về việc Nhà nước bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho EVN và việc bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng mua bán điện, về nghĩa vụ bao tiêu sản lượng điện hoặc thanh toán đủ tiền điện theo sản lượng điện cam kết… Bộ Tài chính (Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũ) chưa thẩm định và trình Thủ tướng xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư công trình “đường dây truyền tải 500kV Bạc Liêu - Thốt Nốt”.
Dự án Nhà máy Điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu cũng có tiến độ triển khai thực hiện rất chậm. Hiện dự án này đã được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư mà cụ thể đến cuối tháng 12/2025 dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Thế nhưng, nhà đầu tư đã đề xuất xin điều chỉnh Quy hoạch điện VIII về thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 - 2025 sang năm 2027.
Công trình điện mặt trời ở huyện Phước Long.
Một khó khăn khác, chính sách, pháp luật về khuyến khích phát triển điện mặt trời nội dung quy định chưa chặt chẽ, thiếu ổn định gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về phát triển điện năng lượng mặt trời và việc phát triển điện mặt trời mái nhà bị gián đoạn từ sau ngày 31/12/2020. Hiện nay, Nghị định 58/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (thay thế Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ) đã quy định rõ và cụ thể hơn. Thực hiện Nghị định này, UBND tỉnh đã ban hành Danh mục thủ tục hành chính về phát triển điện mặt trời mái nhà và được thông báo đến các DN, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của Sở Công thương; hiện đã có một số DN, tổ chức cá nhân biết và đang thực hiện thủ tục để phát triển điện mặt trời tự sản tự tiêu.
Song song đó, nhiều DN sản xuất công nghiệp (trong đó có lĩnh vực chế biến thủy sản, sản xuất nước đá) sử dụng máy, thiết bị có công nghệ lạc hậu nên suất tiêu hao năng lượng không đạt định mức sử dụng năng lượng theo quy định của Bộ Công thương và các doanh nghiệp này gặp khó khăn về tài chính để thay đổi công nghệ, trong khi cơ chế hỗ trợ DN hiện tại còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của DN.
Một bất cập khác nữa, chính là hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, đầu tư, đấu thầu, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả… đang có sự thay đổi theo hướng quy định chặt chẽ và đồng bộ hơn với hệ thống pháp luật chung. Song, cũng còn một số nội dung chưa có nghị định, thông tư điều chỉnh cụ thể (bảo đảm của Nhà nước) để thực hiện dự án đầu tư, giá bán điện đối với dự án năng lượng sạch, cơ chế quản lý sử dụng kinh phí do nhà đầu tư đề xuất dự án tạm ứng trước để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi...
Lắp dựng bu-lông neo tua-bin Dự án điện gió Đông Hải 1. Ảnh: K.T
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Bạc Liêu kiến nghị, đề xuất với Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về việc bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư và bán giá điện của các dự án điện gió.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Nam: Sớm trình Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ phê duyệt Chủ trương đầu tư công trình “đường dây truyền tải 500kV Bạc Liêu - Thốt Nốt”. Ưu tiên bố trí nguồn vốn cho Công ty Điện lực Bạc Liêu để thực hiện công tác đầu tư phát triển lưới điện trong phạm vi quản lý, nhằm đảm bảo lưới điện hấp thụ hết công suất của các hệ thống điện mặt trời mái nhà. Sớm đầu tư các dự án lưới điện 110kV, 220kV, 500kV đồng bộ với các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo giải tỏa hết công suất các dự án nhà máy điện gió và Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW trong thời gian tới. Đặc biệt là Dự án đường dây 500kV Thốt Nốt - Bạc Liêu theo Quy hoạch điện VIII đã được duyệt…
KIM TRUNG
- Kêu gọi cứu trợ nạn nhân động đất tại Myanmar và Thái Lan
- Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua đề án Hợp nhất Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh- Truyền hình Bạc Liêu, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Phục vụ 18 chuyến xe thư viện lưu động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc
- Huyện Phước Long: Tổ chức Giải đua ghe Ngo mini mừng tết Chôl-chnăm-thmây