Tiêu điểm

Hài hòa mặn - ngọt và chuyện phát triển bền vững nền nông nghiệp

Thứ Hai, 22/04/2024 | 16:18

Chuyện nông dân “xé rào” hoặc “đi trước một bước” trong lĩnh vực nông nghiệp từ lâu đã không còn hiếm gặp. Còn nhớ vào những năm 2000, trên địa bàn tỉnh rộ lên phong trào dẫn mặn nhập đồng để nuôi tôm sú. Bởi khi ấy, 1kg tôm bán ra có thể mua gần 100kg lúa. Trước lợi ích kinh tế quá lớn do con tôm mang lại, nhiều lão nông không ngần ngại phá đập, bửa cống lấy nước mặn vào nuôi tôm. Hơn 20 năm sau, khi giá trị hạt lúa ngày càng tăng và sau những vụ tôm thất bát liên tục, chuyện xé rào lại diễn ra ở chiều hướng ngược lại. Hài hòa mặn - ngọt, một lần nữa lại trở thành vấn đề nóng!

Nông dân xã Ninh Quới dặm lúa hè thu xuống giống sớm.

Nông dân lại “xé rào”

Cái nắng tháng 4 giữa mùa hạn, mặn như thiêu đốt mọi thứ, khiến cho mực nước trên các nhánh kênh bốc hơi nhanh chóng. Giữa lúc ngành Nông nghiệp và các địa phương tìm mọi cách ngăn mặn, giữ ngọt, đồng thời tính toán phương án dẫn mặn về những vùng đang vào vụ tôm để bà con không bị trễ lịch thời vụ, thì nhiều nông dân lại xuống giống vụ lúa hè thu trước gần 1,5 tháng so với khuyến cáo của ngành Nông nghiệp!

Chuyện “xé rào” này đang diễn ra tại vùng sản xuất lúa các xã: Ninh Quới, Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) và một phần xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long). Nhiều lão nông chia sẻ, đây không phải là vụ đầu tiên họ “xé rào” xuống giống sớm vụ lúa hè thu. Lý giải cho việc làm này, nhiều nông dân cho biết là để “né” những trận mưa sòng khiến cho lúa bị ngã đổ, ngập úng khi trổ, chín. Lý do là vậy, nhưng khi xuống giống những lão nông này lại mang chung tâm trạng lo lắng, khi mà mực nước trên các tuyến kênh ngày một khô do ảnh hưởng từ nắng nóng trong khi nước ngọt từ đầu nguồn không thể điều tiết về thêm được do nước mặn có thể xâm nhập vào nội đồng.

Mặt khác, những hộ vội vàng xuống giống ngay khi vừa mới thu hoạch xong vụ đông xuân còn đang phải đối mặt với nguy cơ cây lúa bị ngộ độc hữu cơ khi mà lượng rơm, rạ từ vụ trước được vùi vội chưa đủ thời gian phân hủy. Bởi thông thường khoảng cách mỗi vụ lúa tính từ thời gian thu hoạch vụ trước đến gieo cấy vụ sau phải cách nhau ít nhất từ 3 - 4 tuần, đủ để người dân cày ải, phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, ủ rơm rạ tạo dinh dưỡng, đặc biệt là đảm bảo cách ly, tiêu diệt mầm bệnh từ vụ lúa trước sang vụ sau. Ông Võ Thành Phương (ấp Ngan Kè, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Sợ trễ vụ hơn so với những chủ ruộng nằm liền kề nên vừa thu hoạch xong là tôi cho máy vào xới, mua giống về ngâm và sạ lại liền. Mấy ngày nay vừa phải canh bơm nước lên ruộng vừa phải quan sát coi lúa phát triển như thế nào để kịp ứng cứu vì tôi sợ lúa sẽ bị ngộ độc hữu cơ. Nếu tầm 15 ngày nữa mà có mưa thì ruộng nhà tôi và nhiều hộ trong xóm sẽ phát triển ổn, còn nếu nắng hạn kéo dài, thiếu nước bơm lên thì nguy cơ mất mùa là rất cao”.

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có khoảng hơn 3.000ha lúa hè thu sớm. Trong đó, riêng vùng tam giác Ninh Quới đã có hơn 3.600ha. Nỗi lo lắng mất trắng vụ mùa của nhiều nông dân khi “xé rào” xuống giống vụ lúa hè thu sớm là hoàn toàn có căn cứ. Bởi, tại tỉnh Sóc Trăng - địa phương đầu nguồn nước ngọt của Bạc Liêu, hiện nhiều nông dân cũng không nghe theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp mà đồng loạt xuống giống vụ đông xuân muộn, hậu quả là hiện cây lúa đang dần khô héo vì nhiễm mặn và thiếu nguồn nước ngọt bổ sung, do mực nước trên các trục kênh gần như đã cạn trơ đáy. Thiệt hại gần như là điều không thể tránh khỏi.

Vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới để ngăn mặn, giữ ngọt cho 2 tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Áp lực trong điều tiết nước

Nông dân “xé rào” xuống giống sớm vụ lúa hè thu không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất trắng do hạn, mặn mà còn gây áp lực không nhỏ trong việc điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất của các địa phương cũng như ngành Nông nghiệp tỉnh.

Hiện nay, do ảnh hưởng bởi nắng nóng kéo dài, mực nước trên hệ thống kênh thủy lợi xuống thấp, độ mặn tăng cao và lấn sâu vào những vùng giáp ranh mặn - ngọt. Vùng Bắc Quốc lộ 1A trong cùng thời điểm sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản (NTTS) đều cùng một hệ thống thủy lợi nên thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp mặn - ngọt. Các địa phương có 2 vùng sản xuất mặn - ngọt phải thực hiện giải pháp khoanh vùng NTTS nằm xen lẫn với vùng lúa để tránh ảnh hưởng đến sản xuất do mặn xâm nhập.

Tính đến thời điểm hiện tại, tại khu vực NTTS nông dân đã hoàn thành việc xuống giống tôm vụ 1, do đó, ngành chức năng phải tiêu úng, xả thải, cung cấp đủ nguồn nước mặn cho bà con sản xuất. Khi điều tiết nước mặn cho vùng nuôi tôm phía Bắc, ở những khu vực giáp ranh mặn - ngọt phải đắp đập tạm tại các đầu kênh để tránh xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến vùng trồng lúa. Do đó, sẽ không có nguồn nước ngọt cấp bổ sung, làm ảnh hưởng đến diện tích lúa nếu nắng hạn kéo dài. Vì vậy, việc điều tiết nước hiện nay khó lại càng thêm khó khi phải đảm bảo hài hòa phục vụ sản xuất cho cả 2 vùng mặn - ngọt, vừa phải nỗ lực tránh thiệt hại cho những diện tích lúa hè thu mà nông dân đã lỡ “xé rào” xuống giống. Ông Võ Minh Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hồng Dân cho biết: “Đối với những diện tích bà con đã xuống giống trước thì phòng sẽ phối hợp với các địa phương tìm phương án điều tiết nước để tránh thiệt hại cho bà con. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở những hộ còn lại không nên xuống giống vì hiện nay mực nước trên kênh còn rất ít, nếu tiếp tục xuống giống thì sẽ không có nước bơm lên ruộng”.

Cũng chính sự “xé rào” xuống giống sớm đã khiến hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất chưa đồng bộ, nhất là những vùng luân canh tôm - lúa càng thêm áp lực. Các địa phương cũng chưa sẵn sàng về nhân lực, về chuyên môn cho nên rất khó giám sát chặt chẽ vấn đề điều tiết nước, phòng, tránh xâm nhập mặn. Người dân thì sau những thành công bước đầu lại đối mặt với những khó khăn không hề nhỏ. Theo ông Phan Văn Hùng - Phụ trách quản lý, vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới, hiện tại công trình này vẫn đang vận hành đóng, mở 24/24 giờ để kiểm soát mặn, đồng thời điều tiết lưu thông. Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn diễn ra rất gay gắt và có khả năng lấn sâu vào nội đồng. Do đó, việc nông dân xuống giống sớm vụ lúa hè thu đang là một bài toán khó cho ngành quản lý cũng như đối với Ban quản lý vận hành âu thuyền Ninh Quới hiện nay.

Kiểm tra độ mặn quanh khu vực cống Âu thuyền Ninh Quới để chủ động vận hành cống giúp ngăn mặn, trữ ngọt. Ảnh: C.L

Bài học của sự “xé rào”

Việc nông dân “xé rào” xuống giống sớm vụ lúa hè thu là một kinh nghiệm được đúc kết thực tiễn qua nhiều năm. Bởi, mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa hè thu thường rơi vào thời điểm thời tiết mưa nhiều, gây khó khăn cho bà con trong việc thu hoạch, phơi, sấy, xuất bán... Tuy nhiên, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch chung của toàn vùng, phá vỡ chuỗi sản xuất.

Nhìn lại là những vụ trước, dù làm “trái vụ” để né mưa, nhưng rồi năng suất lúa thu được cũng chẳng được như ý mà nông dân còn phải gánh thêm nhiều khoản chi phí phát sinh trong quá trình canh tác. Vấn đề này nói lên một điều, muốn phát triển bền vững, nhất thiết phải có quy hoạch lâu dài dựa trên luận chứng khoa học. Phát triển kinh tế nông nghiệp buộc phải có chiến lược, sách lược, phải nghiên cứu từ tập quán và lợi ích kinh tế của toàn vùng.

Bởi, không phải ngẫu nhiên mà ngành Nông nghiệp xây dựng khung lịch thời vụ mà hoàn toàn dựa vào các điều kiện thực tế và các chứng cứ khoa học cụ thể, nhất là tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất phải đảm bảo. Do vậy mới có những khuyến cáo xuống giống sớm hay muộn, xuống giống xen kẽ giữa các vùng, các địa phương để ngành chức năng có thể chủ động điều chuyển nguồn nước phục vụ ổn định cho từng vùng.

Thu lợi, hay phải chịu thiệt hại khi canh tác không theo lịch thời vụ trong thời điểm này trở thành ván cược của nông dân với tự nhiên. Kinh nghiệm sản xuất là lý do, niềm tin để người nông dân giữ vững lập trường canh tác của mình. Bằng niềm tin ấy, nông dân đã tự xây dựng cho mình lịch thời vụ riêng. Thế nhưng, trên thực tế hiện nay, sản xuất nông nghiệp không còn là chuyện của một vài hộ hay một khu vực mà là vấn đề chung của toàn vùng. Lịch thời vụ luôn được gắn liền với lịch điều tiết nước phục vụ sản xuất cho cả tỉnh, cả khu vực và được xây dựng trên nền tảng lợi ích chung cho nông dân.

Cuộc chiến phân ranh mặn - ngọt của tỉnh Bạc Liêu cũng như Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây ngày càng diễn ra gay gắt hơn khi mà giá trị cây lúa ngày càng tăng trong khi con tôm vẫn mang đến nguồn thu nhập lớn dù hiệu quả sản xuất trồi sụt. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng nhiều thì vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao hài hòa được hai dòng mặn - ngọt để vừa có thể ứng phó với biến đổi khí hậu, lại vừa biến nó thành lợi thế cho từng địa phương. Đó cũng là giải pháp cần thiết cho một nền nông nghiệp phát triển thuận thiên và bền vững!

Bài học nào cũng có cái giá của nó, bài học “xé rào” của nông dân cũng không ngoại lệ. Do đó, các địa phương và ngành Nông nghiệp cũng nên sát sao hơn trong trong định hướng sản xuất cho bà con, đừng mãi đi theo sau để rồi khắc phục hậu quả.

 

Ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Theo dự báo thì phải tới đầu tháng 5/2024 mới có những cơn mưa chuyển mùa. Do đó, việc nông dân nóng vội xuống giống sớm vụ lúa hè thu đang tạo ra áp lực rất lớn cho ngành Nông nghiệp tỉnh trong điều kiện thời tiết khô, hạn như hiện nay. Bởi, hệ thống thủy lợi là đồng nhất nên tỉnh không thể chỉ lo điều tiết nước tập trung riêng cho vùng nông dân đã “xé rào” xuống giống mà phải tính đến lợi ích kinh tế của toàn vùng, của ngành trong định hướng phát triển mùa vụ. Để đảm bảo sản xuất lúa vụ hè thu năm nay an toàn, Sở NN&PTNT đã đề nghị các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chỉ xuống giống lúa khi có đủ nước ngọt. Một trong những giải pháp quan trọng là tổ chức tuyên truyền và quản lý chặt chẽ tránh để xảy ra tình trạng người dân nôn nóng xuống giống sớm khi xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, dẫn đến thiệt hại do phèn, thiếu nước đầu vụ. 

 

Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi

Để chủ động ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã đề nghị UBND các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành Khí tượng, thủy văn và cơ quan chuyên môn cung cấp làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, tiếp tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống lúa ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn; chỉ tổ chức xuống giống khi có xuất hiện mưa, hoặc khi nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định và theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Tiếp tục tăng cường việc vận hành hợp lý các công trình thủy lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh; tại các vùng cây ăn trái tiếp tục thực hiện trữ nước trong các ao, hồ phân tán, bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn... 

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.