Tiêu điểm
Hiệu quả của nguồn vốn chính sách xã hội
Phải khẳng định rằng, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), đồng vốn đầu tư của Ngân hàng CSXH đã góp phần rất quan trọng vào công tác an sinh, nhất là tạo việc làm, giảm nghèo và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Tạ Trung Dũng trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Chỉ thị 40.
“TRỤ CỘT” CHO GIẢM NGHÈO
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai thực hiện tốt 19 chương trình tín dụng và đã cho vay trên 575.080 lượt khách hàng, với tổng số tiền trên 8.879 tỷ đồng, tổng dư nợ đến cuối tháng 6/2024 đạt 3.195 tỷ đồng với 96.356 khách hàng còn dư nợ. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách này, đã kịp thời hỗ trợ người nghèo, cận nghèo cùng các đối tượng chính sách khác đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm, nước sạch, vệ sinh môi trường… và giúp cho hơn 94.060 hộ vượt ngưỡng nghèo, 109.389 lao động được tạo việc làm, 25.906 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 1.100 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng 114.812 công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn, 10.762 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách…
Việc tập trung nguồn lực đầu tư cho người nghèo và các đối tượng chính sách đã không ngừng phát huy hiệu quả và kéo theo tăng trưởng tín dụng từ 1.282 tỷ đồng lên 3.195 tỷ đồng (tăng 149,2%). Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương tăng từ 13 tỷ đồng lên 222 tỷ đồng (tăng gần 17 lần).
Với việc được quan tâm chỉ đạo và tập trung nguồn lực cho các đối tượng thụ hưởng, tín dụng CSXH đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất và đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vay vốn của người nghèo, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Hộ nghèo vay vốn sản xuất và giải quyết việc làm ở điểm giao dịch xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu).
CẦN VÀO CUỘC QUYẾT LIỆT
Sau 10 năm từ khi ra đời, Chỉ thị 40 đã thật sự đi vào cuộc sống, thể hiện đậm nét tính nhân văn, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 40 cũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư tại một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa được thường xuyên, sâu rộng. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH cho vay còn thấp (tỷ trọng 6,93% và xếp thứ hạng 60/63 tỉnh, thành phố), chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn vay, nhất là đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, công tác huy động, tập trung nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đạt thấp. Chất lượng tín dụng tuy từng bước đã được cải thiện, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh vẫn còn ở mức cao, vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn. Công tác phối hợp để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn ở một vài nơi còn chưa hiệu quả…
Qua thực hiện Chỉ thị 40 cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là cần phải nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng CSXH và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội trong triển khai thực hiện tín dụng CSXH. Phải tập trung có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác và sự vào cuộc quyết liệt, có hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở.
Bên cạnh đó, phải hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng CSXH. Các kế hoạch, văn bản, chỉ thị để chỉ đạo nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng CSXH được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đánh giá thường xuyên, sửa đổi bổ sung phù hợp với thực tế tại cơ sở. Chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư và thường xuyên rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách có liên quan sát tình hình nhu cầu thực tế của địa phương. Đặc biệt, trong triển khai hoạt động tín dụng CSXH cần gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cần tích cực triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên, chủ động rà soát công việc, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và cùng sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ Ngân hàng CSXH với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, nhằm tạo nên những lan tỏa lớn cho tín dụng chính sách, kịp thời cấp vốn theo nhu cầu, khơi dậy khát vọng thi đua làm giàu, không ỷ lại và không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng CSXH…
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung tạo nguồn lực cho tín dụng CSXH, nhất là việc hằng năm xem xét cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH, nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được đầu tư, mở rộng các phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hiệu quả trên địa bàn.
Một bài học kinh nghiệm đáng quan tâm khác chính là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng CSXH đặc thù, phù hợp với hệ thống chính trị của Việt Nam, do Nhà nước quản lý là điểm tựa của người nghèo, là bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính “Phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã” và trở thành “điểm sáng” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công Chỉ thị 40…
Hộ nghèo Phường Láng Tròn (TX. Giá Rai) được vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển sinh kế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: H.T
Thực hiện Chỉ thị 40, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương và mang lại những kết quả đáng phấn khởi. Theo đó, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nghiêm túc, góp phần quan trọng đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Đồng thời, tác động đến ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng CSXH, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, tạo thêm nhiều nguồn lực phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn. Chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại.
KIM TRUNG
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam - Nguyễn Thị Hằng: Tạo được sự phát triển đồng bộ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo công bằng, an sinh xã hội
Đối với hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh, đặc biệt là trong công tác triển khai Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và đã đạt được những kết quả nổi bật.
Kết quả này là do cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy, các ngành và các đơn vị. Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, đánh giá kết quả hoạt động tín dụng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay CSXH trong báo cáo kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy chỉ đạo kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện, thị xã, thành phố, trưởng ban gắn với người đứng đầu chính quyền, bố trí trưởng các sở, phòng, ban, ngành của tỉnh, của huyện tham gia thành viên Ban đại diện cấp tỉnh, cấp huyện kiêm nhiệm thực hiện quản trị hoạt động tín dụng chính sách. Qua đó, tập trung được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tham mưu ban hành các cơ chế chính sách, các chương trình, đề án cho vay vốn tín dụng chính sách của tỉnh, chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, tạo được sự phát triển đồng bộ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo công bằng, an sinh xã hội.
Để tiếp tục thực hiện toàn diện, thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng CSXH đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nói chung và hoạt động của Ngân hàng CSXH tỉnh Bạc Liêu nói riêng, Ngân hàng CSXH Việt Nam đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt cho Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng và giàu ý nghĩa nhân văn này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Ngô Vũ Thăng: Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác địa phương chiếm từ 15 - 20% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách
Có thể đánh giá, hoạt động tín dụng CSXH đã phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và huy động sức mạnh của cả cộng đồng trong việc huy động nguồn lực, quản lý vốn và quan trọng hơn là với phương thức cho vay, quản lý vốn chủ yếu tại cơ sở, khóm, ấp đã giúp người nghèo, các đối tượng chính sách từng bước tự tin, tiếp cận nguồn vốn. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể trong việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm làm ăn, đã giúp người nghèo chuyển biến về ý thức, biết sử dụng vốn vay có hiệu quả, cải thiện cuộc sống. Việc bàn thảo, tính toán cách làm ăn, việc trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng đã và đang trở thành một nếp sinh hoạt mới ở nông thôn, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy và phát huy, an ninh trật tự ổn định, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng được củng cố, giữ vững.
Tiếp tục phát huy kết quả này và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể nhận vốn ủy thác, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp và Ngân hàng CSXH tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tiếp tục triển khai, thực hiện tốt hơn nữa các nội dung Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư và bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị 05, Công văn 244 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chặt chẽ giữa hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của Ngân hàng CSXH, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả, cải thiện đời sống và trả được nợ vay.
Tiếp tục ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí tăng kinh phí từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay đối với các đối tượng CSXH trên địa bàn, phấn đấu chuyển nguồn ngân sách ủy thác từ 80 tỷ đồng/năm và phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn địa phương chiếm từ 15 - 20% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư trên địa bàn tỉnh.
- Giải bóng đá vô địch sân 7 các Câu lạc bộ miền Tây mở rộng năm 2025: Thành công tốt đẹp
- Đoàn công tác của tỉnh thăm, chúc tết các đơn vị Biên phòng
- Đoàn đại biểu tỉnh Preah Sihanouk (Vương quốc Campuchia) thăm và chúc Tết tỉnh Bạc Liêu
- Đoàn cán bộ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và huyện Hòa Bình: Thăm, chúc Tết Khu căn cứ Đôn Bơ - Cựa Gà
- Tập trung quyết liệt chống khai thác IUU và gỡ thẻ vàng EC