Tiêu điểm
Hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong điều kiện chịu ảnh hưởng bởi đại địch COVID-19, các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị có liên quan đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất xây dựng sản phẩm OCOP. Qua đó mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng bền vững.
Lãnh đạo tỉnh tham quan khu trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP năm 2020.
Phát triển sản phẩm OCOP
Thời gian qua, Bạc Liêu đã nỗ lực triển khai Chương trình OCOP với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, qua đó tăng thu nhập cho người dân và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.
Thực hiện yêu cầu của tỉnh là tăng cường đồng bộ các biện pháp hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP, các huyện, thị, thành phố đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức. Đồng thời vận động, khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia chương trình, nhất là các sản phẩm sẵn có; hỗ trợ các chủ thể định hình các sản phẩm ý tưởng có tiềm năng, lợi thế của địa phương đăng ký tham gia phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là đối với các địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) và các địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2021. Bên cạnh việc kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, các địa phương còn tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá, sàng lọc các sản phẩm hiện có trên địa bàn để lựa chọn sản phẩm tiềm năng, đăng ký tham gia Chương trình OCOP.
Khi đăng ký tham gia, các cơ sở, doanh nghiệp đã có sự chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của chương trình, tuy nhiên do mới tham gia Chương trình OCOP nên không tránh khỏi sự thiếu sót về hồ sơ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm theo quy định. Vì vậy, các địa phương đã trực tiếp phân công cán bộ phụ trách hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tập trung cải thiện, bổ sung, đảm bảo chất lượng, hoàn thiện sản phẩm OCOP năm 2021; đồng thời, giúp các chủ thể đẩy mạnh công tác quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm, thị trường tiêu thụ. Các đơn vị liên quan cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ chi tiết các chủ thể hoàn thiện thủ tục đề nghị Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; gửi sản phẩm đi phân tích chất lượng, công bố chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn cơ sở; viết báo cáo tác động môi trường đơn giản...
Ngoài chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm tham gia xếp hạng OCOP phải được nâng cao chất lượng, đạt yêu cầu về mẫu mã bao bì, mã số, mã vạch, tem nhãn...; chỉnh sửa hoàn thiện các nội dung hồ sơ sản phẩm. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các địa phương, ban ngành có liên quan mà các cơ sở, doanh nghiệp nắm bắt cụ thể, chi tiết mọi bất cập, thiếu sót, từ đó nhanh chóng, dễ dàng khắc phục để sản phẩm của mình đạt chứng nhận các sao OCOP.
Các doanh nghiệp ký kết tại hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP Bạc Liêu năm 2020. Ảnh: M.Đ
Hướng tới thực hiện liên kết chuỗi giá trị bền vững
Toàn tỉnh hiện có 68 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao. Ông Tô Thanh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Huyện có 6 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao. Huyện đã đưa 6 sản phẩm chế biến từ muối để Hội đồng tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể xây dựng gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi, ổi hồng sen và mắm chua Vĩnh Hưng… trở thành sản phẩm OCOP trong những năm tới”.
Năm 2021, tỉnh phấn đấu sẽ công nhận thêm 22 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 90 sản phẩm. Được biết, đến thời điểm này, toàn bộ 22 sản phẩm đăng ký tiêu chuẩn OCOP đã hoàn thành các thủ tục, hồ sơ. Hiện tổ tư vấn các địa phương trình Hội đồng thẩm định đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP huyện, thị, thành phố để đánh giá đạt tiêu chuẩn cho các sản phẩm. Trên cơ sở đó, các huyện, thị, thành phố trình hồ sơ lên Văn phòng Điều phối tỉnh để Hội đồng thẩm định đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh phân tích kỹ, chỉ ra những điểm còn hạn chế để các cơ sở, doanh nghiệp tiếp tục hoàn chỉnh các tiêu chuẩn trước khi trình hồ sơ thẩm định đánh giá xếp hạng cấp tỉnh trong thời gian tới.
Gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi - sản phẩm OCOP.
“Để đẩy mạnh Chương trình OCOP, tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP, tham gia đánh giá phân hạng; kiểm tra định kỳ về tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm OCOP... Tỉnh xác định sản phẩm OCOP là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; là nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài. Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 150 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hướng tới thực hiện liên kết chuỗi giá trị bền vững”, ông Phạm Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP hứa hẹn sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Minh Đạt
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con