Tiêu điểm
Khát vọng lớn cho hạt muối
Làm sao để nâng tầm giá trị hạt muối, giúp diêm dân sống “khỏe” với nghề luôn là nỗi trăn trở của những người dành cho hạt muối Bạc Liêu sự quan tâm bằng cả cái tình chứ không riêng là trách nhiệm. Một festival tôn vinh nghề muối Việt Nam vào cuối năm 2024 hiện thực hóa khát vọng lớn cho hạt muối nhỏ, nhưng về lâu dài, thương hiệu muối ngon Ba Thắc còn cần nhiều hơn những sự chung tay từ chính sách đến hành động cụ thể để tình muối mãi đậm đà.
Bài 1: Di sản của tình đất, tình người
Giữa những ngày tháng 4, dưới cái nắng như đổ lửa, những cánh đồng muối trải dài hàng ngàn héc-ta ở tỉnh Bạc Liêu bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ. Chạy dọc theo con đê ven biển, đến đâu cũng thấy bà con diêm dân tay cào, vai vác. Trên ruộng muối tràn ngập tiếng nói cười làm xua đi những nhọc nhằn và sự bấp bênh của cái nghề bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Trải qua bao thăng trầm thì tình người, tình muối vẫn luôn bền chặt, thủy chung.
Đồng chí Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy trao bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề muối ở Bạc Liêu” cho đại diện lãnh đạo UBND huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình.
GỬI TÌNH YÊU VÀO MUỐI
Theo chân những người đi mở đất phương Nam, nghề muối đã hình thành, gìn giữ và phát triển hơn trăm năm, trở thành một phần trong lịch sử khai phá vùng đất Bạc Liêu. Nghề làm muối không thuần túy là sinh kế của diêm dân mà còn thể hiện sự sáng tạo, khát vọng chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt để dựng xây cuộc sống mới và hàm chứa những giá trị văn hóa độc đáo. Cũng vì vậy, tình yêu với nghề, với muối đã được thắp lên, nuôi dưỡng trong bao thế hệ người dân xóm biển.
Ông Lê Văn Giang - một diêm dân được lớn lên từ đồng muối xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) luôn tự nhủ với lòng dù có cơ cực, vất vả thế nào cũng không bao giờ bỏ nghề. Sinh ra trong gia đình có nhiều đời làm muối, với ông đó không đơn thuần là công việc mang lại thu nhập mà còn là sự tiếp nối truyền thống của ông cha, của làng xóm mình. Ngồi bên tu muối trong buổi chiều nhạt nắng, ông lại nhớ những ngày còn nhỏ được theo cha đi làm nền, dẫn nước biển vào ruộng, phơi nước, tháo nước, vui nhất là lúc thu hoạch muối. Kỹ thuật phơi nước truyền thống theo các cấp: xa kề, nhì kề, xắp chuối được cha truyền dạy và ông đã gìn giữ nó nguyên vẹn đến hôm nay.
Ông Giang bộc bạch: “Có ai sinh ra ở xóm muối Vĩnh Thịnh mà không lớn lên nhờ nghề muối, hạt muối! Dù không giàu lên từ muối nhưng nghề này đã giúp cho nhiều nhà có cuộc sống tốt hơn, những đứa trẻ được cắp sách đến trường. Tuy giờ đây, làm muối ngày càng khó nhọc, thu nhập bấp bênh nhưng đã trót yêu đất, yêu nghề và yêu vị mặn mòi của hạt muối nên tôi dặn lòng sẽ giữ nghề cho đến khi nào còn sức khỏe”.
……………...............................................................................................................................................................................................................
Theo TS. Ngô Kiều Oanh - chuyên gia về hạt muối, muối Bạc Liêu ngon là còn bởi vì có 2 dòng khoáng từ biển và dòng khoáng từ phù sa rất quý. Muối được canh tác thủ công trên nền đất phù sa sẽ chứa nhiều dinh dưỡng, khoáng chất cao. Không trắng trong, vị đắng chát như muối ở miền Trung do ảnh hưởng của núi đá vôi ven biển, muối Bạc Liêu có màu trắng hồng, hậu ngọt, mặn nhưng không đắng, hạt khô chắc và không tạp mùi.
…..............................................................................................................................................................................................................................
Về xứ muối trong những ngày hội thu hoạch, những hạt muối trắng ngà kết tinh lấp lánh trên đồng, trong những tu muối. Đi qua hai mùa mưa nắng, những con kênh: Trường Sơn, Cái Cùng, Chùa Phật… vẫn miệt mài chở hạt phù sa biển cả về tắm tưới cho những làng muối, là chứng nhân cho mối tình thủy chung giữa người với muối khi đã cùng nhau đi qua những nỗi thăng trầm. Bởi, người yêu muối, muối sẽ nuôi người.
Thật vậy, rất nhiều diêm dân ở các xã: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) và Long Điền Tây, Điền Hải (huyện Đông Hải) đã yêu muối bằng một thứ tình yêu mãnh liệt như nhạc sĩ Nguyễn Quốc đã thể hiện trong ca khúc “Trăm năm hạt ngọc quê mình”: “Tôi yêu hạt muối quê tôi, làm từ bao giọt mồ hôi. Muối mặn là tình thủy chung, mang phù sa nên muối trắng hồng”.
TỰ HÀO DI SẢN TRĂM NĂM
Theo thời gian, nghề làm muối trải qua không ít thăng trầm, biến cố. Không chỉ phụ thuộc vào thời tiết ngày càng thất thường, giá trị hạt muối còn quá phụ thuộc vào thị trường chứ không phải do diêm dân định đoạt dù giọt mồ hôi của chính họ đã đổ trên đồng muối. Đã nhiều lúc, người ta so sánh tiền bán giạ muối (30kg - PV) với 1 tô phở, thật xót xa!
Hơn một thế kỷ bền bỉ sức sống trên đất Bạc Liêu, nghề làm muối sau biết bao đắng cay đã tìm thấy “hậu ngọt” như hương vị đặc trưng của hạt muối trắng hồng. Cái nghề cần lao của người dân đồng muối đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2020.
Diêm dân xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) thu hoạch muối được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Ảnh: H.T
Không ít người cảm thấy khó hiểu vì sao cả nước có khoảng 20 tỉnh, thành phố sản xuất muối nhưng nghề làm muối Bạc Liêu lại được vinh danh? Trả lời cho câu hỏi này phải ngược dòng lịch sử về trước những năm 1975, Bạc Liêu là địa phương có diện tích làm muối đứng nhất, nhì cả nước với khoảng 6.440ha. Dù được sản xuất trên nền đất hay trải bạt (hình thức sản xuất mới) nhưng nhờ áp dụng phương pháp truyền thống phơi nước theo các cấp xa kề, nhì kề, xắp chuối cộng với các điều kiện đặc thù về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước… nên muối Bạc Liêu mang hương vị đặc trưng của biển phù sa mà không nơi nào có được.
Dù trên thị trường hiện có rất nhiều thương hiệu muối, song muối Bạc Liêu được nhiều người ưa chuộng và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Người Campuchia nhập muối Bạc Liêu để muối cá, làm nước mắm, ướp khô. Người Hàn Quốc chọn muối xứ Công tử Bạc Liêu để làm món kim chi ngon hơn. Còn đầu bếp tại các nhà hàng của Pháp rất thích dùng muối Bạc Liêu để chế biến thức ăn. Đặc biệt, muối Bạc Liêu là sản phẩm muối duy nhất của Việt Nam chen chân được vào thị trường Nhật Bản.
Chính những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo cùng danh tiếng muối Bạc Liêu là câu trả lời đủ thuyết phục vì sao nghề làm muối ở xứ sở này được công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia. Một di sản mộc mạc nhưng lấp lánh vẻ đẹp của những đời cần lao nguyện bám đất, giữ nghề. Đã đi qua hành trình trăm năm và cho dù qua bao nhiêu năm nữa, “hạt ngọc” trắng hồng sẽ mãi là niềm tự hào của đất và người Bạc Liêu.
HỮU THỌ - CHÍ LINH
- Chào cờ đầu tháng cuối cùng của năm 2024
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm