Tiêu điểm
Khi hợp tác xã hướng đến tăng trưởng xanh
Khi những diễn biến bất thường do biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và sản phẩm nông nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế, vai trò sản xuất hàng hóa lớn và thúc đẩy nền “nông nghiệp xanh” của mô hình hợp tác xã (HTX) cũng ngày càng quan trọng!
Thu hoạch lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Thanh Sơn. Ảnh: L.D
NHIỀU MÔ HÌNH SẢN XUẤT XANH
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT)”. Điều này đã được thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Kết luận 56 và Kết luận 70 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết 13. Đặc biệt, trong giai đoạn mới, chủ trương phát triển KTTT, HTX tiếp tục được Đảng ta khẳng định tại Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. Trong đó, xác định phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất - kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững; phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước…
Cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận về phát triển kinh tế tập thể, HTX của Trung ương; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển HTX một cách thiết thực, hiệu quả. Kết quả rõ nét nhất chính là số lượng và chất lượng các HTX tăng lên đáng kể, đến nay, toàn tỉnh có 235 HTX với gần 26.000 thành viên, vốn điều lệ gần 270 tỷ đồng và tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt năm 2023 chiếm hơn 49%. Đặc biệt, nhiều HTX đã và đang hướng đến các mô hình tăng trưởng xanh (TTX) với thế mạnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Nhiều sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao đã có mặt trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Điển hình như HTX Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) với mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Tháng 12/2022, HTX được Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO chứng nhận lúa đạt chuẩn VietGAP cho 42 thành viên HTX với diện tích 60ha. Để đạt chuẩn, HTX đã phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn cho các thành viên thực nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, từ khâu ghi chép sổ nhật ký đến quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý cỏ dại, dịch hại theo quá trình sinh trưởng của cây lúa. Từ đó giúp người trồng lúa hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận trên diện tích đất canh tác khoảng 20%, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cho nông dân cũng như người tiêu dùng.
Hay HTX dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) phát triển các mô hình trồng rau màu theo hướng hữu cơ. Với diện tích gần 40ha trồng các loại màu chủ yếu như: bắp nếp, mướp, bí đao, dưa hấu… mô hình này đã giúp các thành viên của HTX không những tăng thu nhập, mà còn có thêm việc làm trong việc chăm sóc những rẫy rau và những cánh đồng bắp nếp. Mỗi ngày, các thành viên của HTX cắt tỉa cây, giăng lưới, lên giàn, thu hoạch… được trả công từ 200.000 - 250.000 đồng/người, mỗi gia đình có 2 lao động tham gia thu nhập bình quân gần 500.000 đồng/ngày. Đặc biệt, sản phẩm bắp nếp của HTX đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Cánh đồng trồng bắp nếp của HTX Quyết Tiến (huyện Phước Long). Ảnh: M.Đ
YẾU VÀ THIẾU VỀ NGUỒN LỰC
Phát triển kinh tế xanh hay TTX là nhu cầu tất yếu trong sản xuất nông nghiệp mà các HTX bước đầu đã gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình TTX ở các HTX hiện nay cũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Đó là nguồn lực đầu tư của các HTX cho TTX trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng còn rất hạn chế và nhiều HTX còn chưa chủ động trong thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất xanh. Phần lớn các thành viên, người lao động tại HTX chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu canh tác và làm việc theo phương thức truyền nghề, thực hành tại chỗ, năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học - công nghệ, kỹ thuật còn thấp. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý trong HTX còn hạn chế, nhất là tư duy, tâm thế thay đổi, tiếp cận khoa học - công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh chưa “mặn mà” và còn đề cao kinh nghiệm cá nhân. Sản phẩm của thành viên mới dừng ở phạm vi theo hướng xanh và chưa được làm ra theo quy trình có truy xuất nguồn gốc, chưa được phân tích để có công bố chất lượng sản phẩm. Cũng như, nhiều sản phẩm không có điều kiện thiết kế logo, mẫu mã bao bì nhãn mác và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: mã vạch, mã QR... nên khó cạnh tranh.
Đặc biệt, nguồn lực tài chính đầu tư vào đổi mới ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của HTX còn thấp và đa số HTX có quy mô vốn siêu nhỏ dưới 1 tỷ đồng. Thêm vào đó, mức độ ứng dụng khoa học - công nghệ trong mô hình sản xuất của HTX cũng rất ít, các HTX chưa được tiếp cận nhiều với những thông tin về khoa học - công nghệ được triển khai nghiên cứu và ứng dụng trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở áp dụng cho đơn vị mình. Các chính sách hỗ trợ cho HTX phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi xanh, bền vững cũng chưa nhiều. Đề tài, dự án có liên quan đến khoa học - công nghệ để hỗ trợ, phát triển HTX của tỉnh Bạc Liêu còn ít và đến nay chưa có nhiều đề tài, dự án đem đến giá trị bền vững cho HTX và tạo được mô hình tiêu biểu để nhân rộng…
Toàn tỉnh hiện có 11 HTX với 15 sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao (Bắp Nếp của HTX Quyết Tiến, huyện Phước Long; Rau cần nước của HTX 8/3, huyện Phước Long; Khô tôm thẻ ướp gia vị và Khô tôm sú ướp gia vị của HTX Thiên Phú, huyện Phước Long; Gạo Đài Thơm 8 của HTX Dịch vụ nông nghiệp và tưới tiêu Tiên Tiến, huyện Phước Long; Gạo một bụi đỏ của HTX Nông nghiệp Hồng Dân, huyện Hồng Dân; Chà bông tôm, Tôm khô - tôm đất, Bánh phồng tôm của HTX Thành Đạt, huyện Đông Hải; Khô tôm sú ép của HTX Đồng Phát, huyện Đông Hải; Gạo RVT và Gạo ST 25-CP của HTX Chí Phải, huyện Hòa Bình; Tôm chao của HTX Dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Vĩnh Thành, huyện Hòa Bình; Hẹ lá của HTX Hưng Thành Phát, huyện Vĩnh Lợi; Tôm khô của HTX Tân Huy Hoàng Bạc Liêu, TP. Bạc Liêu). Đồng thời, có 5 HTX có sản phẩm tôm đã được công nhận đạt chuẩn ASC và nhiều HTX sản xuất lúa gạo khác được chứng nhận đang trong giai đoạn chuyển đổi hữu cơ, chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững SRP...
KIM TRUNG - NGUYỄN HẰNG
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - Nguyễn Văn Vũ: Cần đổi mới nhận thức và tư duy trong phát triển KTTT, HTX gắn với TTX
Để khuyến khích, hỗ trợ HTX phát triển mô hình xanh, bền vững và xây dựng thành công những mô hình TTX, cần thiết phải đổi mới nhận thức và tư duy. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham quan học hỏi, chia sẻ... giúp cán bộ quản lý, nghiệp vụ, thành viên, người lao động trong HTX biết rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khoa học - công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững. Từ đó, đi đến hành động thiết thực, bắt tay ngay vào thực hiện ứng dụng khoa học - công nghệ, sử dụng năng lượng hiệu quả, bền vững trong hoạt động quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh của HTX theo mô hình TTX.
Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong HTX. Thường xuyên đào tạo nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, kỹ năng chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất xanh cho cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong HTX. Để huy động nguồn lực thực hiện ứng dụng khoa học - công nghệ, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc HTX cần chủ động đổi mới, huy động nguồn tài chính của HTX và thành viên, có lộ trình và phương án, dự án khả thi để tiếp cận các nguồn vốn khoa học - công nghệ, chuyển đổi, phát triển sản xuất xanh, bền vững. Đặc biệt, các HTX rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhất là các cơ quan chuyên ngành có liên quan trong phổ biến, chuyển giao, tư vấn hỗ trợ cho các HTX ứng dụng khoa học - công nghệ.
Ngoài ra, cần tranh thủ dành nguồn kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ và môi trường cho HTX và ưu tiên triển khai các đề tài, dự án có khả năng ứng dụng cao, quản lý chất thải và khí thải trong quá trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Xây dựng mô hình HTX điểm chuyển đổi xanh, bền vững phải có sự quan tâm và vào cuộc của các cấp, các ngành có liên quan tập trung chỉ đạo, quan tâm hỗ trợ việc xây dựng các mô hình HTX xanh trên từng lĩnh vực.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi - Trần Anh Thi: Khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất theo xu hướng TTX
Với thế mạnh kinh tế đặc thù là sản xuất nông nghiệp, huyện Vĩnh Lợi rất quan tâm đến phát triển KTTT và HTX, nhất là khuyến khích phát triển các mô hình theo TTX. Kéo theo đó, số lượng HTX được thành lập mới tăng rất nhanh. Từ đầu năm 2021 đến nay thành lập mới được 21 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp trong huyện hiện nay là 31 HTX. Riêng trong năm 2024 số HTX nông nghiệp đề nghị thành lập mới vượt so kế hoạch đề ra.
Để phát huy vai trò của các HTX trong sản xuất nông nghiệp và chung tay hướng đến TTX, huyện Vĩnh Lợi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lĩnh vực HTX nông nghiệp phát triển gắn với TTX. Cụ thể là hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng (ô đê bao, trạm bơm, kho bãi, máy móc, thiết bị…) gắn liền với phát triển HTX; ưu tiên hỗ trợ HTX nông nghiệp đẩy nhanh tiến trình số hóa trong nông nghiệp (mã số vùng trồng, ao nuôi, hỗ trợ ứng dụng các chương trình ứng dụng trong nông nghiệp...).
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy việc tạo dựng lòng tin trong phát triển HTX nông nghiệp từ đảm bảo minh bạch trong thực hiện các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cho HTX nông nghiệp; trong thực hiện liên kết doanh nghiệp với các HTX nông nghiệp; giữa HTX nông nghiệp với thành viên trong HTX. Qua thực tế phát triển HTX nông nghiệp cho thấy rất rõ: Giá trị của lòng tin trong phát triển HTX nông nghiệp là yếu tố quyết định đến sự “thành bại” và mang tính “sống còn” ở mỗi HTX nông nghiệp.
Để phát huy thế mạnh của các HTX trong tình hình mới và tích cực thực hiện TTX, huyện kiến nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn, rõ ràng hơn cho phát triển HTX nông nghiệp như: cơ sở vật chất cho các HTX hoạt động hiệu quả; đào tạo nâng cao nguồn nhân lực kể cả cán bộ phụ trách và cán bộ trực tiếp quản lý HTX; hỗ trợ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số và TTX trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp tiếp cận các nguồn lực về vốn vay, phương tiện, các chương trình hỗ trợ cho sản xuất - kinh doanh và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới vào sản xuất…
- Phát hiện, thu giữ gần 2.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu
- Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp”
- LĐLĐ tỉnh: Hỗ trợ hơn 3.300 đoàn viên khó khăn trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Hội LHPN tỉnh: Trao vốn cho hội viên và thăm mô hình kinh tế tại huyện Đông Hải
- Huyện Đông Hải: Thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024