Tiêu điểm

Không thể để Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mãi thấp

Thứ Sáu, 15/09/2023 | 17:24

Bài cuối: Phát huy vai trò giám sát và kiểm soát quyền lực

>>Bài 1: Vì sao các chỉ số thành phần bị giảm điểm?

>>Bài 2: Đừng để  “con sâu làm rầu nồi canh”

Từ năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 12 về tập trung nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch 28 để cụ thể hóa Nghị quyết này gắn với phân công nhiệm vụ cho từng sở, ban, ngành và các địa phương. Thế nhưng, Chỉ số PCI trong 3 năm qua của tỉnh luôn nằm ở nhóm điều hành tương đối thấp, có năm còn ở vị trí cuối bảng xếp hạng cả nước.

“BỆNH” KHÔNG DÁM NÓI

Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra quan điểm chỉ đạo là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao Chỉ số PCI  là nhiệm vụ có tính chiến lược, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các chỉ số thành phần.

Tuy nhiên, sau khi liên tục mất điểm và giảm thứ hạng trong 3 năm qua, tỉnh mới dừng ở việc đánh giá rút kinh nghiệm, hay đề ra các giải pháp chứ chưa làm rõ trách nhiệm của từng sở, ban, ngành và các địa phương. Cũng như chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 28 của UBND tỉnh.

VCCI Cần Thơ tập huấn giải pháp về nâng cao Chỉ số PCI và DDCI năm 2023.

Trong chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh được công bố vừa qua có 4/9 chỉ tiêu giảm điểm và 3/9 chỉ tiêu có thứ hạng thấp. Đáng quan tâm nhất là có đến 79% doanh nghiệp (DN) cho biết “các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh” và xếp hạng thứ 61/63. Cùng với đó là 81% DN cho rằng “chính quyền cấp huyện không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh”. Đồng thời, các DN cũng khẳng định “lãnh đạo tỉnh rất quyết tâm, lãnh đạo rất quyết liệt và ban nhiều giải pháp để hỗ trợ DN, nhưng đến khi triển khai xuống DN thì một số sở, ban, ngành lại không làm”.

Phải chăng đây cũng là nguyên nhân khiến cho chỉ số thành phần về chính sách hỗ trợ DN năm qua tiếp tục giảm thêm 9 bậc và xếp hạng thứ 59/63 tỉnh, thành cả nước. Trong đó, tập trung nhiều vào lĩnh vực như: DN khó tiếp cận tín dụng, DN gặp khó trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, thị trường…

Có một vấn đề rất đáng bàn ở đây chính là vai trò của tổ chức đảng chưa được phát huy. Cụ thể, đối với các đảng bộ, chi bộ ở các sở, ban, ngành đã đưa Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy vào kế hoạch, chương trình công tác và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình chưa? Hay chỉ mới dừng ở việc triển khai cho có? Ngược lại, nếu có tích cực triển khai và quyết tâm thực hiện Nghị quyết 12 thì lý do gì Chỉ số PCI cứ giảm sâu đến chạm đáy? Và khi tổ chức hội nghị đánh giá về Chỉ số PCI bị mất điểm thì gần như sở, ban, ngành nào cũng đổ lỗi cho cơ chế, chính sách, hoặc do DN chưa phối hợp tốt. Nếu do vướng cơ chế,  chính sách thì tại sao 62 tỉnh, thành khác trên cả nước lại thực hiện được, còn riêng Bạc Liêu thì không?!

Một vấn đề đáng được quan tâm hơn nữa là căn bệnh không dám nói thật. Bởi ngoài các DN không có tổ chức đảng nên họ không dám phản ánh vì sợ gây khó cho hoạt động sản xuất - kinh doanh về sau, thì ở nhiều DN tư nhân hiện nay đã thành lập được chi bộ đảng nhưng vẫn chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của mình. Tại sao các chi bộ đảng này khi phát hiện cán bộ, nhân viên của các sở, ban, ngành trong quá trình thực thi công vụ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực lại không dám đấu tranh để làm sạch bộ máy, cũng như loại bỏ những cán bộ, đảng viên bị tha hóa, biến chất ấy ra khỏi bộ máy công quyền mà chấp nhập “thỏa hiệp” để rồi trút những cảm xúc, bất bình ấy qua những lá phiếu khảo sát về Chỉ số PCI?

Doanh nghiệp phản ánh những khó khăn trong tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng.

Thực tiễn cho thấy, vai trò, trách nhiệm của các chi bộ hay các tổ chức đảng được thành lập ở khối DN tư nhân là rất quan trọng, vì các chi bộ này chính là “cánh tay” nối dài của Đảng với người lao động. Đồng thời, từ những chi bộ này, Đảng và Nhà nước nắm bắt những khó khăn, bất cập trong quản lý, điều hành kinh tế và kịp thời đề ra các chính sách, giải pháp phát triển khi DN tư nhân được xác định là động lực quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước. Do vậy, các chi bộ đảng ở các DN tư nhân cần mạnh dạn phản ánh, tố giác các biểu hiện tiêu cực cố tình gây khó cho DN và đó cũng là nhiệm vụ phải làm của các chi bộ và mỗi đảng viên trong việc góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Mặt khác, đây cũng là trách nhiệm xuyên suốt của các đảng bộ, chi bộ và đảng viên khi nói và làm theo nghị quyết mà Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy đã cụ thể hóa và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các tổ chức đảng.

PHẢI TRỊ NẠN “THA HÓA QUYỀN LỰC”

Tất cả những chỉ số thành phần bị giảm điểm và mất thứ hạng không đơn giản là phản ánh cảm xúc, tình cảm, cái nhìn của cộng đồng DN về môi trường kinh doanh và trách nhiệm điều hành của bộ máy công quyền, mà còn chỉ ra một vấn nạn vốn được xem là nguy cơ làm mất niềm tin của Nhân dân và DN vào Đảng - đó là nạn “tha hóa quyền lực”. Biểu hiện của nạn “tha hóa quyền lực” đã được Đảng ta chỉ ra chính là việc thực hiện không đầy đủ, không trúng, không hết, hoặc vượt quá quyền hạn được trao trong quá trình thực thi công vụ như: lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực…

Vấn nạn này được phản ánh rất rõ ở chỉ số chi phí không chính thức khi có đến 85% DN cho rằng phải chi hoa hồng mới có cơ hội thắng thầu và chỉ số tính minh bạch trong đấu thầu của tỉnh rất thấp - chỉ chiếm 36%. Rồi vẫn có tình trạng đấu thầu theo kiểu hình thức, sau đó “gửi gắm”, mặc dù có DN khác đã trúng thầu?! Và làm được việc này, không ai khác ngoài những người có quyền lực.

Hội chợ thương mại - một trong những hoạt động giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm. Ảnh: K.T

Xuất phát từ thực trạng trên, cùng với những giải pháp nâng cao Chỉ số PCI đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, thì việc giám sát, kiểm soát quyền lực và trị dứt điểm nạn “tha hóa quyền lực” phải được xem là “giải pháp của giải pháp”. Theo đó, cùng với giáo dục, tuyên truyền đạo đức, văn hóa công vụ và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cũng cần kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Cùng với đó là các biện pháp, giải pháp đủ mạnh để cán bộ, đảng viên không muốn làm và không dám làm dựa trên nguyên tắc “không có vùng cấm”. Đồng thời, phải phát huy tốt vai trò của các tổ chức đảng và đảng viên trong việc giám sát, phát hiện và kiên quyết đấu tranh xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp lợi dụng quyền lực để tiêu cực, tham nhũng…

Một vấn đề cần làm ngay hiện nay chính là khẩn trương xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, liêm chính và luôn đồng hành, chia khó cùng DN. Đồng thời, gắn chặt việc nâng cao Chỉ số PCI với thực hiện tốt Chỉ số DDCI từ các sở, ban, ngành và địa phương.

LƯ DŨNG

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Tập trung vào 14 giải pháp nâng cao Chỉ số PCI

Chỉ số PCI của tỉnh Bạc Liêu năm 2022 nằm ở nhóm điều hành “tương đối thấp”, xếp hạng 61/63 tỉnh, thành và đứng thứ 13/13 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Về nguyên nhân, ngoài các khó khăn do yếu tố khách quan như: kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu, đa số DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn nhân lực và công tác đào tạo lao động của tỉnh còn nhiều khó khăn..., thì nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố chủ quan trong công tác tổ chức thực hiện và chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.

Về mặt giải pháp khắc phục và quyết tâm nâng cao Chỉ số PCI, trước hết các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt tối đa, nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét cả về nhận thức lẫn về hành động. Đồng thời, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thật sự cụ thể, trọng tâm, nhất là những cách tiếp cận mới, đột phá cần tập trung thực hiện để cải thiện và nâng dần thứ hạng Chỉ số PCI của tỉnh ngay trong năm 2023 và những năm tiếp theo trên tinh thần quyết liệt, phấn đấu đưa Chỉ số PCI nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố vào năm 2025.

Thứ hai, để cải thiện Chỉ số PCI, tôi đề nghị cần tập trung vào 14 giải pháp ngắn hạn và dài hạn.

Về ngắn hạn có 7 giải pháp, đó là: Tổ chức đối thoại hiệu quả với cộng đồng DN; Đơn giản hóa, thúc đẩy cải cách hành chính toàn diện, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến toàn trình; Phát huy vai trò của Hiệp hội DN tỉnh; Xây dựng chương trình đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh đến cộng đồng DN, nhà đầu tư, cán bộ, công chức, viên chức; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến mời gọi đầu tư.

Về dài hạn có 7 giải pháp, gồm: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về DN trên địa bàn; Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số mà trọng tâm là hệ thống quản lý đô thị thông minh tích hợp; Tiếp tục triển khai xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DCCI); Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển DN và hỗ trợ khởi nghiệp; Tập trung đào tạo lao động; Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại có hiệu quả; Huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng.

Để thực hiện tốt các giải pháp này, giao các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các giải pháp nêu trên và triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của đơn vị, địa phương, đảm bảo hiệu quả, nâng cao Chỉ số PCI trong thời gian tới.

 

Phó Giám đốc Sở Công thương - Phan Thị Thu Oanh: Đẩy mạnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ DN

Để cải thiện, nâng cao chỉ số thành phần về chính sách hỗ trợ DN và góp phần nâng cao Chỉ số PCI, Sở Công thương sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ DN trong việc xúc tiến thương mại, kết nối DN với các DN trong, ngoài nước thông qua chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, nhằm giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, hỗ trợ DN giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, hội chợ thương mại và cập nhật kịp thời tình hình hoạt động của DN để có giải pháp tháo gỡ khó khăn thông qua các hội nghị đối thoại với DN.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh mời gọi đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất - kinh doanh và thu hút đầu tư. Cũng như tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho DN, đặc biệt là các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), giúp DN tận dụng cơ hội đẩy mạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu…

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.