Tiêu điểm
Kỳ vọng làm giàu từ biển
Với lợi thế từ 56km đường bờ biển, trong Quy hoạch tổng thể từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Bạc Liêu đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển (KTB). Đó là một nền KTB phát triển năng động, hiệu quả và từng bước hiện đại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Hạ tầng Cảng cá Gành Hào đang được đầu tư xây dựng.
Thu mua hải sản ở Cảng cá Gành Hào. Ảnh: C.L
GIÀU TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH
So với các địa phương khác, Bạc Liêu được đánh giá là tỉnh giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển KTB. Ngoài địa giới hành chính tiếp giáp với các tỉnh có biển như Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và biển Đông, Bạc Liêu còn có bờ biển dài 56km, cùng với 4 cửa biển lớn: Gành Hào, Cái Cùng, Chùa Phật, Nhà Mát, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng trên 20.742km2 và ngư trường rộng trên 40.000km2. Tỉnh cũng nằm trên trục các đô thị biển Đông, biển Tây và trục hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), kết nối đường biển trong vùng Nam bộ và vịnh Thái Lan.
Ngoài ra, khu vực ven biển của tỉnh Bạc Liêu có tiềm năng về gió với lượng gió lớn và ổn định, có thể khai thác và phát triển điện gió. Bên cạnh đó là tiềm năng phát triển du lịch biển như: Khu du lịch biển nhân tạo, Khu du lịch tâm linh Quán âm Phật đài đã và đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án khác để thu hút du khách. Tất cả những lợi thế này là nguồn tài nguyên, nguồn lực quan trọng tác động đến sự phát triển KTB.
Phát huy tiềm năng, vị thế của mình, trong những năm qua, Bạc Liêu đã tổ chức phát triển các ngành KTB cũng như quan tâm xây dựng các công trình hạ tầng nhằm tạo bước đệm cho việc thu hút đầu tư phát triển khu vực ven biển. Cũng như, phát triển KTB trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), phòng ngừa, ứng phó thiên tai, giảm tối đa thiệt hại trong điều kiện với BĐKH đã đạt được một số kết quả tích cực. Nguồn vốn cho các dự án được bố trí, nhiều công trình dự án thích ứng BĐKH được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp. Việc thực hiện các chính sách phát triển thủy sản, đóng mới, nâng cấp tàu cá, hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai một cách đồng bộ kết hợp các cụm, khu kinh tế và du lịch sinh thái biển.
Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối...) được quan tâm một cách mạnh mẽ đã từng bước góp phần phát triển KTB và cải thiện, nâng cao đời sống người dân vùng biển.
Du lịch sinh thái rừng ven biển Bạc Liêu. Ảnh: K.T
NHIỀU MÔ HÌNH VÀ CÔNG TRÌNH ĐỘNG LỰC
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển KTB, trong những năm qua tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ban hành Nghị quyết 13 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển gắn với tập trung xây dựng và phát triển các ngành KBT toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao.
Theo đó, tỉnh xác định cơ cấu đối tượng nuôi phù hợp, ứng dụng công nghệ cao vào các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Tập trung nguồn lực, phát triển có trọng điểm các ngành kinh tế thuần biển (nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, hải sản; dịch vụ, du lịch biển…); ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc…) đáp ứng được các yêu cầu phát triển KTB và bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo, gắn kết với các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics; chú trọng đầu tư nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), điện khí và xây dựng các cụm kinh tế đô thị ven biển kết hợp với du lịch biển; phát triển khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTB. Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu trở thành tỉnh có KTB phát triển khá, là trung tâm điện gió, điện mặt trời, điện khí và là trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.
Ngoài ra, còn có thể kể đến Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia; Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2025… Đặc biệt là Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước các tiêu chí nâng lên thị xã. Đây được xem là cơ chế đặc biệt dành riêng cho huyện miền biển này, qua đó tạo động lực phát triển KTB của cả tỉnh.
Với sự quan tâm và tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, Bạc Liêu bước đầu đã hình thành những tiền đề, động lực cho phát triển KTB. Điển hình trong phát triển thủy sản, Bạc Liêu đã xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và ban hành Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Trong phát triển du lịch biển, Bạc Liêu đã tiến hành rà soát, đánh giá tiềm năng, lợi thế để xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch, resort cao cấp phù hợp đặc thù văn hóa, sinh thái, ẩm thực của địa phương, nhất là các khu, điểm du lịch ven biển gắn với rừng, khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, các dự án điện gió dọc bờ biển. Đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch xanh gắn với xây dựng các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đáng phấn khởi là ngoài những ngành KTB chủ đạo, Bạc Liêu cũng bước đầu phát triển năng lượng tái tạo, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ BĐKH, bảo vệ môi trường. Hiện tỉnh đã hoàn thành đưa vào hoạt động 8 dự án điện gió, với tổng công suất 469,2MW.
Với tất cả những tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng những quyết sách hướng tới khai thác, phát huy có hiệu quả các lợi thế này, Bạc Liêu được kỳ vọng sẽ có thể làm giàu từ biển.
Hiện toàn tỉnh đã hình thành 5 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 3.900ha. Trong đó, tập trung phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể) và phát huy lợi thế nuôi tôm sú, thẻ chân trắng tại các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt hơn 370.410 tấn. Diện tích canh tác thủy sản đạt 65.293ha, trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản 73.339ha với sản lượng nuôi trồng đạt 202.380 tấn. Trong khai thác, đánh bắt thủy hải sản, toàn tỉnh có 1.148 chiếc tàu cá. Trong đó, số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 485 chiếc. Sản lượng khai thác biển 110.132 tấn (trong đó tôm 11.674 tấn, cá và thủy sản khác 98.458 tấn).
KIM TRUNG
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu cần vốn để phát triển hạ tầng kinh tế biển
Với quyết tâm phát triển và làm giàu từ biển, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” và nhân rộng mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả. Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản (thủy lợi, giao thông, lưới điện…), nhất là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển... gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Thứ ba là triển khai các dự án công nghiệp mang tính động lực, đặc biệt là khai thác có hiệu quả năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phù hợp với kinh tế thị trường và xu thế phát triển; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư (quy hoạch, xây dựng, đất đai...); cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh.
Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình trọng điểm phục vụ phát triển KTB, chống BĐKH, nước biển dâng. Đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng các dự án khu neo đậu tránh trú bão, khu dân cư, khu tái định cư thích ứng với BĐKH, cảng cá, bến cá, nhất là dự án nâng cấp mở rộng Cảng cá Gành Hào thành cảng cá loại I. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện gia cố, mở rộng một số tuyến đường phục vụ phát triển kinh tế ven biển như: Thuận Hòa - Xiêm Cán, Hòa Bình - Vĩnh Hậu, An Trạch - Định Thành - An Phúc…
Đẩy mạnh xây dựng chương trình khoa học - công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ phục vụ hiện đại hóa hệ thống công trình thủy lợi, giải pháp phát triển bền vững KTB và ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản; tạo thương hiệu sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh cao và giá trị lớn gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trên, Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành Trung ương sớm xử lý các khó khăn, vướng mắc, cụ thể là sớm ban hành Quyết định chủ trương đầu tư dự án đường dây 500KV từ Bạc Liêu đi Thốt Nốt theo Quy hoạch Điện VIII được duyệt. Đồng thời, kiến nghị ưu tiên nguồn vốn cho tỉnh Bạc Liêu để phát triển hạ tầng phát triển KTB như: điện, thủy lợi, giao thông… phục vụ sản xuất thủy sản ven biển, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Chủ tịch UBND huyện Đông Hải - Trần Tuấn Kiệt: Tập trung triển khai thực hiện để trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển
Tích cực thực hiện Kết luận 127 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 06 về xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về KTB, phấn đấu từng bước các tiêu chí nâng lên thị xã… Đảng bộ và Nhân dân huyện Đông Hải sẽ tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền với MTTQ, các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, tập trung chỉ đạo, vận động và hướng dẫn khai thác tốt tiềm năng và lợi thế KTB, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo mô hình thâm canh, bán thâm canh, đặc biệt là nuôi tôm siêu thâm canh và khai thác thủy sản xa bờ; phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy sản. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương về bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, công trình trọng điểm, tạo động lực để huyện phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, Đông Hải sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tầm nhìn đến năm 2030 để huyện trở thành địa phương trọng điểm về KTB và theo tiêu chuẩn đô thị loại IV gắn với xây dựng khu vực phòng thủ quốc phòng - an ninh. Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống chợ, phát triển giao thương hàng hóa, gắn với quy hoạch phát triển xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Quan tâm quy hoạch cụm công nghiệp trên tuyến đường Hộ Phòng - Gành Hào. Tiếp tục quy hoạch các xã phía Đông là vùng sản xuất tập trung về nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh; các xã phía Tây là vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến chất lượng cao. Quy hoạch hệ thống kho tàng, bến bãi; phát triển hợp lý, bền vững giữa vùng công nghiệp chế biến và cảnh quan chung, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường…
Phối hợp với ngành chức năng tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào đạt chuẩn Cảng loại I. Xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão Rạch Cốc, xây dựng cầu Vàm Xáng, cụm công nghiệp ấp Canh Điền (xã Long Điền Tây). Đề xuất cấp trên đầu tư hệ thống kè biển nối tiếp từ Gành Hào đến ấp Bình Điền (xã Long Điền Tây)…
- Chuyển đổi số: Chìa khóa vàng cho sự thành công của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số
- Từ ngày 25/12: Tài khoản định danh mới được đăng thông tin trên mạng xã hội
- Bưu điện Bạc Liêu triển khai trợ lý ảo MiPo
- Sôi nổi những công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp của Đoàn
- Phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số