Tiêu điểm
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp: Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản
Một trong những vấn đề được Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm thực hiện sau cuộc gặp mặt cà phê doanh nhân vừa qua chính là liên kết trong sản xuất. Với một tỉnh thuần nông, kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp là chủ yếu thì bài toán liên kết trong sản xuất thật sự trở thành nhu cầu bức thiết hơn bao giờ hết.
.................................................................................................................................................................................................................................
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan: Xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn
Ảnh: vtv.vn
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vào giữa tháng 8/2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan cho biết, liên kết theo chuỗi là chiến lược của ngành Nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta.
Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng nông sản và chuyển sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thừa nhận, thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững.
Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, vấn đề đặt ra là phải nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục được tình trạng được mùa mất giá hay câu chuyên nông dân bội tín với doanh nghiệp hay thương lái bỏ cọc.
Theo Bộ trưởng, nếu không có chuỗi liên kết cũng sẽ khó phát triển ngành logistics cũng như không thể số hóa bởi chỉ khi vào chuỗi, khi hợp tác xã đủ mạnh thì mới bắt đầu tiến hành số hóa. Nếu không tham gia chuỗi thì cũng không biết sẽ đưa khoa học - công nghệ vào đầu nào là hợp lý nhất và tạo giá trị lan tỏa nhiều nhất.
.................................................................................................................................................................................................................................
GIÚP NÔNG DÂN TĂNG THU NHẬP
Có thể nói, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu trong canh tác nông nghiệp, đặc biệt là đối với mặt hàng con tôm và lúa gạo. Thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV), Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 có 100.000ha diện tích gieo trồng lúa được liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo.
Để đạt mục tiêu này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát ngành Nông nghiệp, các ngành liên quan và các địa phương tăng cường xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua việc tổ chức mời gọi hợp tác, liên kết với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa lớn. Đồng thời, lồng ghép vào các chương trình khuyến nông hàng năm và vận dụng các cơ chế, chính sách khác để khuyến khích DN và HTX tích cực tham gia liên kết sản xuất. Nhờ vậy, diện tích sản xuất và liên kết sản xuất không ngừng được mở rộng. Đối với cây lúa, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng tổng số 102 cánh đồng lớn, với diện tích gieo trồng 74.070ha, chiếm 38,7% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh. Trong đó, thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa gạo chiếm 48,88% diện tích gieo trồng.
Thu hoạch lúa chất lượng cao ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ
Thực tiễn cho thấy, qua liên kết sản xuất đã hình thành và phát triển được vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, gắn liên kết sản xuất tập trung với tiêu thụ sản phẩm, quy mô cánh đồng lớn sản xuất từ 1 - 2 giống lúa/cánh đồng. Các giống lúa được bao tiêu chủ lực là giống lúa chất lượng cao, có mùi thơm và cho gạo ngon như: Nàng Hoa 9, OM18, Đài thơm 8, ST24, ST25, RVT... Trên từng cánh đồng, nông dân tham gia liên kết sản xuất được hỗ trợ chi phí cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu lúa hàng hóa đầu ra ổn định. Đặc biệt, giảm được mức độ rủi ro do thương lái ép giá và thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 50 - 200 đồng/kg lúa. Cũng như, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên cánh đồng. Nông dân tham gia liên kết được hỗ trợ tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa (3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bón phân thông minh…) để nâng cao năng suất, chất lượng, hướng đến sản xuất lúa an toàn, sản xuất hữu cơ và bảo vệ môi trường. Kết quả qua các mùa vụ, lợi nhuận sản xuất lúa của nông dân tăng thêm từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống trước đây. Đáng phấn khởi là chất lượng lúa gạo không ngừng được nâng lên, thu nhập của nông dân dần được cải thiện và tăng thêm đáng kể. Từ đó, góp phần giúp nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp cho lợi nhuận và giá trị gia tăng cao.
“CHÌA KHÓA” CHO CON TÔM
Một mặt hàng chiến lược của tỉnh cần được khẩn trương xây dựng các liên kết bền chặt chính là chuỗi sản xuất của ngành tôm. Năm 2023, tổng sản lượng nuôi trồng từ con tôm đạt 257.139 tấn. Trong đó, các DN nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản ký kết hợp tác, liên kết với nông dân thực hiện nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến (theo tiêu chuẩn ASC, Global Gap/ASC), mô hình tôm - rừng (theo tiêu chuẩn Organic), với diện tích 9.960 lượt héc-ta, nhưng chỉ bao tiêu được 50.736 tấn tôm của nông dân.
Số tôm nguyên liệu tuy được bao tiêu không nhiều, nhưng liên kết trong nuôi trồng thủy sản bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần giảm bớt nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, đảm bảo lợi ích và tạo nguồn đầu ra ổn định cho người dân nuôi tôm. Cũng như, cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng cho DN xuất khẩu và sản phẩm tạo ra đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng. Từ đó, góp phần quan trọng vào phát triển ngành tôm Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, hướng đến sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả và cả sức cạnh tranh, xứng đáng là sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Một công đoạn trong chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: K.T
Trên thực tế, đẩy mạnh liên kết sản xuất tuy được quan tâm, nhưng nhìn chung vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và hạn chế, nhất là tình trạng liên kết theo kiểu hình thức, phong trào và các liên kết nhanh chóng bị “bẻ gãy”. Một số công ty, DN có hợp đồng bao tiêu diện tích lớn, nhưng trong thu mua lại đặt ra tiêu chí quá cao, thủ tục thanh toán rườm rà nên nông dân, HTX ngại tham gia. Trong khi một số nông dân có diện tích sản xuất nhỏ lại chưa quan tâm đến việc liên kết, sản xuất không đúng quy trình kỹ thuật theo hợp đồng và chưa chủ động đầu tư, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của DN. Số DN, HTX có đủ năng lực, uy tín, có thị trường đầu ra ổn định nhưng tham gia không nhiều, đa phần là thiếu nguồn lực và đầu ra không ổn định. Năng lực điều hành của Hội đồng quản trị HTX, tổ trưởng tổ hợp tác còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế sản xuất, chưa phối hợp tốt với ngành chức năng, chính quyền địa phương và chưa chủ động tìm đầu ra sản phẩm cho nông dân. Thực hiện quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính thời vụ nên chưa tạo được lòng tin từ DN tham gia liên kết sản xuất.
Cùng với đó, giá vật tư đầu vào tăng cao (thức ăn, phân bón...) làm tăng chi phí sản xuất, nông dân chưa mạnh dạn áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng tôm, lúa gạo sau thu hoạch. Chính quyền địa phương một số nơi chưa quyết liệt vào cuộc, còn hạn chế trong việc vận động nông dân tham gia thực hiện phát triển chuỗi liên kết sản xuất và chưa phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng để quản lý tốt tình hình liên kết sản xuất trên địa bàn; nhiều địa phương chưa có tổ hỗ trợ, giúp cho HTX, tổ hợp tác và DN thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi…
Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly: Nông dân cần giữ chữ tín và tuân thủ hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp
Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó là tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và công khai Quy hoạch sử dụng đất, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến với phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết một cách thường xuyên theo chiều rộng lẫn chiều sâu đến từng nông dân, làm rõ lợi ích giữa đôi bên để nông dân hiểu và tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện…
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng các tổ chức đại diện nông dân và hỗ trợ nâng cao năng lực cho tổ chức đại diện nông dân. Hỗ trợ, kết nối DN trong các liên kết chuỗi khai thác, tận dụng tốt các cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Chú trọng phát triển thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu thủy sản, nông sản chế biến. Cải cách thủ tục hành chính để các DN dễ tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi. Triển khai thực hiện tốt pháp luật về nông nghiệp, thủy sản, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Khuyến khích hỗ trợ nông dân và các chủ trang trại hợp tác thành lập HTX kiểu mới để cộng đồng sức mạnh, khắc phục điểm yếu của kinh tế hộ cá thể, nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia thị trường có tính hội nhập cao.
Về phía ngành Nông nghiệp, sẽ tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi - thủy nông nội đồng, giao thông, điện phục vụ vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế (DN, HTX, tổ hợp tác…).
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh - Nguyễn Văn Vũ: Tạo cơ chế khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư liên kết sản xuất với các hợp tác xã
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp và các địa phương hỗ trợ thành lập mới, bồi dưỡng nguồn nhân lực, thực hiện củng cố các HTX nông nghiệp, giúp các HTX đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, nhằm tạo lòng tin cho các DN tham gia liên kết. Song, việc thực hiện liên kết sản xuất trong các HTX thời gian qua còn gặp khó và chưa nhiều.
Để hỗ trợ các HTX khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chủ động kết nối với công ty, DN để liên kết và bao tiêu hàng nông - thủy sản cho thành viên thông qua HTX, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác mời gọi, thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp gắn với các HTX để sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nông - thủy sản theo chuỗi giá trị. Thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp với HTX và tạo cơ chế khuyến khích các tập đoàn, công ty, DN lớn vào đầu tư liên kết sản xuất với các HTX trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, các mặt hàng đặc sản của địa phương theo mô hình mỗi xã một sản phẩm. Khuyến khích các HTX đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và công nghiệp chế biến nông sản, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển mô hình HTX theo hướng sản xuất hàng hóa, kết nối với chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan trong xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất gắn với bao tiêu hàng nông - thủy sản. Xác định và phân công trách nhiệm của các cấp, các ngành bảo đảm thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp điều hành và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất gắn với bao tiêu hàng nông - thủy sản. Cũng như, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực điều hành, quản lý, tổ chức hoạt động đáp ứng yêu cầu phát triển của mô hình HTX liên kết sản xuất gắn với bao tiêu hàng nông - thủy sản.
KIM TRUNG
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp