Tiêu điểm

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản: Cần cái bắt tay chặt chẽ hơn

Thứ Hai, 13/05/2024 | 15:53

Với 2 mặt hàng chủ lực là con tôm và cây lúa, nông nghiệp được xác định là “trụ cột” quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế của Bạc Liêu, giúp giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Do vậy, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm được xem là giải pháp hàng đầu góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và hướng đến sản xuất hàng hóa lớn, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền nông nghiệp.

Thương lái thu mua tôm nguyên liệu của nông dân. Ảnh: K.T

SẢN LƯỢNG BAO TIÊU CÒN ÍT

Xác định việc sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp; phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đến nay, đã có trên 500 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), đại lý vật tư nông nghiệp thực hiện hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, qua thống kê của ngành Nông nghiệp, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn khá khiêm tốn, chưa góp phần phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có. Phần lớn nông dân vẫn phải “tự bơi” trong tìm đầu ra cho hàng nông, thủy sản.

Đối với cây lúa, năm 2023, tỉnh xây dựng mới được 20 cánh đồng lớn, nâng tổng số lên 102 cánh đồng lớn với diện tích gieo trồng (DTGT) 74.070ha (chiếm trên 38% tổng DTGT toàn tỉnh). Qua đó, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa cho 93.638ha, chiếm gần 50% DTGT. Ngoài ra, trong năm qua, cả tỉnh đã thực hiện liên kết, tiêu thụ lúa giống BL9 được 336ha (vùng tôm - lúa 220ha, vùng chuyên lúa 116ha).

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS), diện tích thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm trong năm 2023 đạt hơn 3.730ha và chỉ chiếm 2,53% diện tích NTTS. Đáng quan tâm là sản xuất muối vốn là thế mạnh của tỉnh với sản lượng lớn, nhưng hàng năm chỉ thực hiện liên kết bao tiêu cho diêm dân được hơn 130ha (chiếm hơn 3% diện tích sản xuất muối) và sản lượng bao tiêu chỉ đạt 4.458 tấn (chiếm gần 6% tổng sản lượng muối của tỉnh).

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, diện tích liên kết và số lượng tiêu thụ hàng nông, thủy sản qua liên kết còn quá thấp, chưa tạo nên những động lực cho sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân chính của tình trạng được mùa mất giá, cũng như chưa phát huy được vai trò của “4 nhà”: nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học để nông nghiệp phát triển bền vững.

Thu hoạch lúa đông xuân ở cánh đồng lớn thuộc xã Phong Thạnh Đông (TX. Giá Rai). Ảnh: M.Đ

LIÊN KẾT CHƯA BỀN CHẶT

Việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân tuy còn nhiều hạn chế, nhưng đã tạo nên những tiền đề quan trọng để xây dựng các liên kết bền chặt và có trách nhiệm. Nhận thức của cán bộ, người dân về sự cần thiết phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với bao tiêu sản phẩm có sự chuyển biến tích cực. Từ đó, đã khắc phục dần tình trạng sản xuất tự phát, không đáp ứng yêu cầu thị trường. Đặc biệt, nông dân đã tích cực tham gia thực hiện các dự án liên kết sản xuất, chấp nhận chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo xu thế thị trường, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất và tiếp tục duy trì nhân rộng sau khi dự án kết thúc.

Bên cạnh đó, công tác vận động thành lập các tổ hợp tác (THT), HTX để liên kết nông dân lại trong sản xuất được thực hiện tốt, giúp cho các THT, HTX đủ pháp nhân đại diện nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ lúa dễ dàng và thuận lợi hơn. Cũng như, việc triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực và thuận lợi hơn (điển hình tiêu biểu nhất là việc triển khai cấp mã số vùng trồng, cơ sở nuôi).

Song, vẫn phải thừa nhận hàng loạt các khó khăn, thách thức cho liên kết sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thể giải quyết một cách căn cơ. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn manh mún, quy mô nhỏ, khả năng đầu tư sản xuất của người dân còn hạn chế trong khi vẫn còn quá ít doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nên việc phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết vẫn còn hạn chế. Vai trò hoạt động của các Hiệp hội, HTX trong tham gia sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa được phát huy tối đa, còn thụ động. Tình trạng doanh nghiệp và nông dân phá tự vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá, thị trường tiêu thụ rất phổ biến nên các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa thật sự bền vững.

Việc cung cấp thông tin và dự báo về thị trường tiêu thụ nông sản đôi lúc chưa kịp thời nên làm nên ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường. Một số địa phương vẫn còn gặp tình trạng sản xuất tự phát, không theo định hướng thị trường nên xảy ra cung vượt cầu ở một số thời điểm. Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh hiện nay chưa có thương hiệu, bao bì, nhãn mác nên khó tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại…

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nền nông nghiệp đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Muốn vậy, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cả nông dân phải cùng nhìn nhận vấn đề này theo đúng tầm quan trọng để có cái bắt tay chặt chẽ hơn.

 

Giám đốc Sở NN&PNT - Lưu Hoàng Ly: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của liên kết sản xuất

Một trong những bài học kinh nghiệm trong liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản cho nông dân trong thời gian qua là muốn đạt hiệu quả cao và bền vững thì bắt buộc phải triển khai sản xuất tập trung quy mô lớn (hình thành nhiều cánh đồng sản xuất lớn kết hợp đầu tư ô đê bao khép kín, được cấp mã số vùng trồng cụ thể) gắn với liên kết, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị ngành hàng. Kết hợp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, trong đó bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển.  

Bên cạnh đó, muốn chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả, bền vững thì vai trò của MTTQ, các Hiệp hội nghề nghiệp, HTX, THT, chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, nơi nào chính quyền xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong liên kết sản xuất bao tiêu thì nơi đó đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra và ngược lại. Do đó, cần phải thường xuyên củng cố, nâng cao năng lực quản lý, quản trị cho lực lượng này.

Tiếp tục thực hiện tốt liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản cho nông dân, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và vai trò của kinh tế hợp tác cho tổ chức MTTQ, các Hiệp hội nghề nghiệp, HTX, THT, chính quyền địa phương trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Chủ động mời gọi các doanh nghiệp, HTX có đủ nguồn lực, uy tín, đầu ra ổn định để xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi khép kín ở những nơi có điều kiện.

Đặc biệt, tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư nông nghiệp tại Festival Muối Việt Nam - 2024 được tổ chức tại Bạc Liêu để mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư nhà máy nhằm liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long - Trần Văn Liêm: Kiến nghị xây dựng kho để mua lúa dự trữ

Huyện Phước Long được tỉnh xây dựng trở thành trung tâm kinh tế của vùng Bắc với con tôm và cây lúa là sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản cho nông dân trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Mô hình cánh đồng liên kết trong sản xuất chưa nhiều, một số nơi người dân còn ngại không muốn tham gia liên kết; một số công ty, doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, hoặc liên kết với diện tích ít, từ đó việc bao tiêu sản phẩm cho người dân cũng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số HTX hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực hiện được việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho thành viên trong HTX và người sản xuất trong vùng. Trong khi đó, một số hộ sản xuất chưa thực hiện tốt quy trình theo hướng dẫn của đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và còn tự ý không thực hiện việc ký kết khi lúa tăng giá.

Để thực hiện tốt hơn nữa việc liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thời gian tới, huyện đề ra một số giải pháp chủ yếu như: tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng hiện đại đến các cấp, các ngành và người dân. Tuyên truyền người dân thay đổi nhận thức trong hợp tác sản xuất, bao tiêu lúa theo ký kết, mua bán theo hợp đồng đúng quy định của pháp luật và theo quy luật cung - cầu, đảm bảo hài hòa đôi bên cùng có lợi. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm.

Đặc biệt, tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển các HTX trên lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện, khuyến khích và có chính sách hỗ trợ để các HTX liên kết với nhau.

Huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của Công ty Lương thực Bạc Liêu để đảm bảo hợp tác, bao tiêu lúa của người dân. Đồng thời, xây dựng kho để mua lúa dự trữ giúp nông dân khi giá lúa xuống thấp không bán được. 

KIM TRUNG

Các hình thức liên kết sản xuất

Thứ nhất là hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi hoàn thiện, khép kín. Đặc điểm của hình thức này là các doanh nghiệp, HTX tiếp cận với nông dân để bàn bạc, thống nhất hình thức đầu tư và bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu với sự quản lý, giám sát chặt chẽ của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Tỷ lệ thực hiện liên kết, bao tiêu đối với lĩnh vực trồng trọt (lúa, gạo), chiếm khoảng 30% diện tích liên kết bao tiêu. Đối với lĩnh vực thủy sản (tôm) thì chiếm tỷ lệ thấp hơn do chỉ thực hiện trên tôm nuôi quảng canh cải tiến, các sản phẩm liên kết đầu vào chủ yếu là giống và các sản phẩm cải tạo môi trường.

Hình thức liên kết thứ hai là sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi chưa hoàn thiện (liên kết chưa khép kín). Đặc điểm của hình thức này là các doanh nghiệp, HTX trực tiếp thỏa thuận cung ứng vật tư đầu vào trước cho người dân 1 lần ngay đầu vụ, quá trình triển khai thiếu sự giám sát chặt chẽ của ngành chức năng và chính quyền địa phương nên gặp khó khăn về kiểm soát giá và chất lượng hàng hóa, dễ xảy ra tranh chấp giữa hai bên. Tỷ lệ thực hiện liên kết, bao tiêu: đối với lĩnh vực trồng trọt (lúa, gạo), chiếm khoảng 30% diện tích liên kết bao tiêu. Lĩnh vực thủy sản (tôm) cũng chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu tập trung ký hợp đồng sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế (theo tiêu chuẩn ASC, Global Gap/ASC, Organic…).

Một hình thức liên kết khác là theo phương thức đặt cọc và chủ yếu thực hiện trên lĩnh vực trồng trọt (cây lúa). Chiếm khoảng 40% diện tích liên kết bao tiêu, hình thức liên kết này chủ yếu được các doanh nghiệp nhỏ, HTX chưa đủ mạnh hoặc thương lái thực hiện. Hạn chế lớn nhất của hình thức liên kết này là không xây dựng được cánh đồng lớn, không tạo được vùng nguyên liệu tập trung. Sản phẩm làm ra không đồng nhất về chủng loại, chất lượng và không có sự ràng buộc giữa hai bên nên rất dễ bị phá vỡ hợp đồng. Cũng như, cơ quan chức năng không quản lý, kiểm soát được chất lượng vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra nên tính bền vững không cao…

L.D

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.