Tiêu điểm
Nâng cao chỉ số PCI: Tăng cường trách nhiệm và phát huy vai trò người đứng đầu
Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, Bạc Liêu xếp thứ 39/63 tỉnh, thành trong cả nước. Tuy được xếp vào tốp khá và tăng 3 bậc so với năm 2017, nhưng nhiều chỉ số thành phần vẫn còn đạt thấp và phải nỗ lực rất nhiều mới có thể tăng hạng trong những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đối thoại với các doanh nghiệp tại buổi cà phê với doanh nhân.
DOANH NGHIỆP CÒN GẶP KHÓ
Phải khẳng định rằng, năm 2018 Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chỉ số PCI. Điều đó được thể hiện bằng việc tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều giải pháp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trong đó, nổi bật là lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong giải quyết các thủ tục dành cho nhà đầu tư. Cụ thể, trong cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thời gian đã được rút ngắn xuống còn 4 giờ làm việc thay vì như trước đây phải mất hơn 2 ngày. Hay trong cấp phép xây dựng từ 15 ngày làm việc đã giảm xuống còn 3 - 10 ngày…
Tuy nhiên, bên cạnh các ngành, địa phương tích cực làm tốt công tác này, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt và toàn tâm, toàn ý hoàn thành nhiệm vụ được giao; có ngành, địa phương còn gây khó cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và chưa thực hiện tốt các chỉ số thành phần khiến cho các chỉ số này tiếp tục bị giảm điểm. Như chỉ số chi phí gia nhập thị trường, năm 2018 được 6,64 điểm, giảm 1,94 điểm so với năm 2017 và giảm 55 bậc so với năm 2017. Trong 4 chỉ số bị giảm điểm của năm 2018, thì chỉ số gia nhập thị trường bị giảm điểm và giảm hạng nhiều nhất. Qua đó cho thấy, chỉ số bị giảm điểm và tụt hạng này phù hợp với phản ánh của doanh nghiệp trong cuộc đối thoại trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh mới đây tại buổi cà phê với doanh nhân. Theo một số doanh nghiệp, họ vẫn còn bị làm khó, còn vướng thủ tục, thậm chí bị địa phương “hành” gây khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh…
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế, các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp chậm được giải quyết, các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chưa được phát huy; sự vào cuộc và chung tay của doanh nghiệp vào cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số PCI còn chưa cao, thiếu quyết liệt…
Doanh nghiệp phản ánh với Chủ tịch UBND tỉnh về những vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính. Ảnh: L.D
TẬP TRUNG NÂNG CAO CHỈ SỐ PCI
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư và góp phần nâng cao chỉ số PCI trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Bạc Liêu sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết: Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện cụ thể các nội dung thuộc thẩm quyền; Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp; Chỉ thị số 15/CT-TTg về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các quyết định, chương trình, kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện các nghị quyết này…
Bên cạnh đó, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, đặc biệt là các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét về tư duy, nhận thức, quan điểm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở cơ quan, đơn vị; quán triệt cho công chức, viên chức thuộc quyền về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp. Hàng năm, kiểm tra kết quả thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị và đánh giá trách nhiệm người đứng đầu.
Về phía UBND tỉnh, sẽ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư định kỳ ít nhất 2 lần/năm để lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình “cà phê doanh nhân” đến các huyện, thị xã, thành phố; các hiệp hội doanh nghiệp nâng cao vai trò cầu nối, nắm bắt, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đến lãnh đạo tỉnh cũng như hiệu quả trong hoạt động xây dựng, phản biện chính sách, quy định của tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động lựa chọn mô hình ít nhất mỗi quý 1 lần đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn để tiếp thu, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền. Từng sở, ban, ngành địa phương xây dựng công khai quy trình giải quyết TTHC bằng tờ rơi để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, đầy đủ, kịp thời… Công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị. Đặc biệt, đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố công khai minh bạch quy trình, thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai khi thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và một số dịch vụ ở mức độ 4. Trong thời gian tới, tiếp tục rút ngắn còn 60% thời gian giải quyết các TTHC có liên quan đến đất đai mà tỉnh đã cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Nâng cao trách nhiệm công vụ, giải quyết các TTHC của các sở, ngành, địa phương liên quan đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình thành lập, đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tập trung thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong công tác thanh tra, kiểm tra, tránh trùng lắp, gây phiền hà cho doanh nghiệp và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh”, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, lạm dụng việc thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 74/KH-UBND của UBND tỉnh về trợ giúp đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2019. Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng lao động; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp theo phương châm đáp ứng yêu cầu về số lượng và đảm bảo chất lượng. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về khởi nghiệp, kiến thức pháp luật, quảng bá thương hiệu sản phẩm, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài…
KIM TRUNG
- Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp sáng tạo
- Bạc Liêu có thêm 1 “Phụ trách Đội tiêu biểu toàn quốc” năm 2024
- Huyện Hòa Bình: Dành gần 300 triệu đồng cho các hoạt động chăm lo trẻ em
- Sở Tài nguyên - Môi trường: Tiếp xúc, tọa đàm, đối thoại với hơn 100 doanh nghiệp
- Lực lượng vũ trang tỉnh hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ