Tiêu điểm
Nâng cao GRDP bình quân đầu người: Bắt đầu từ đột phá cho sản xuất nông nghiệp
Sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vừa qua cho thấy, một trong 6 chỉ tiêu chậm tiến độ và chưa đạt kế hoạch đề ra chính là GRDP bình quân đầu người. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu này là chuyện không dễ bởi GRDP bình quân đầu người là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh giá trị và năng lực của toàn bộ nền kinh tế.
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch cá thát lát nuôi trên đất lúa - tôm.
CHỈ TIÊU QUAN TRỌNG
Lâu nay, nhiều người hay nhầm lẫn giữa GRDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là giống nhau. Trên thực tế, 2 chỉ tiêu này hoàn toàn khác nhau. Nếu như GRDP bình quân đầu người là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh giá trị mới của hàng hóa và dịch vụ được tạo ra của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm) tính bình quân cho một người dân và được tính bằng cách lấy tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chia cho dân số trung bình, thì thu nhập bình quân đầu người phản ánh kết quả thu nhập, mức sống và sự phân hóa giàu - nghèo của các tầng lớp dân cư. Qua đó, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và nâng cao mức sống cho Nhân dân. Do vậy, thu nhập bình quân đầu người được tính bằng tổng thu nhập của hộ gia đình trên địa bàn (tổng thu nhập dân cư) trong 1 năm chia cho dân số trung bình của địa bàn đó. Đây cũng là nguyên nhân để giải thích vì sao thu nhập bình quân đầu người luôn thấp hơn GRDP bình quân đầu người.
GRDP bình quân đầu người là chỉ tiêu rất quan trọng dùng để so sánh, đánh giá trình độ phát triển kinh tế và mức sống dân cư giữa các quốc gia, hoặc giữa các vùng, tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, đây còn là một trong những căn cứ để tính chỉ số phát triển con người (HDI). Vì lẽ đó, để thực hiện chỉ tiêu này cần những giải pháp mang tính chiến lược và lâu dài, thậm chí phải trải qua nhiều nhiệm kỳ chứ không riêng gì việc thực hiện thắng lợi ở nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Bởi nhu cầu phát triển là không ngừng và tiêu chí cho GRDP bình quân đầu người luôn thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Cũng như, sẽ rất khập khiễng nếu GRDP bình quân đầu người lại cao hơn so với tốc độ phát triển và quy mô của nền kinh tế. Và người ta sẽ nhận ra ngay đó là “căn bệnh thành tích”!
Với thực trạng của nền kinh tế tỉnh nhà như hiện nay, ở đây xin được bàn về những giải pháp quan trọng để phát huy các tiềm năng, thế mạnh vốn có trong sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao thu nhập, việc làm cho nông dân và hướng đến hình thành những giá trị mới, góp phần bổ sung nguồn lực vào nền kinh tế và có tác động đến việc hoàn thành chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người.
Diện tích đất sản xuất ít nhưng thu lãi cao nhờ mô hình trồng dưa trong nhà lưới của nông dân huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: L.D
NÂNG CHẤT MÔ HÌNH VÀ ĐA DẠNG HÓA SINH KẾ
Đối với Bạc Liêu, đến nay, sản xuất nông nghiệp vẫn được xác định là “trụ đỡ” của nền kinh tế và trong tương lai gần thế mạnh này vẫn giữ vai trò trụ cột khi giải quyết và tạo ra việc làm cho gần 90% lao động ở khu vực nông thôn. Cũng như, ngành công nghiệp chế biến phát triển trong thời gian qua cũng phải dựa vào sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp với con tôm xuất khẩu là mặt hàng chủ lực. Mặt khác, nguồn thu nhập chính của nông dân hiện nay cũng chỉ dựa vào con tôm - cây lúa là chủ yếu. Do vậy, muốn cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân thì không con đường nào khác ngoài giải pháp nâng cao giá trị cho hàng nông - thủy sản, giảm giá thành sản xuất và phát triển công nghiệp chế biến sâu.
Mới đây, tại hội thảo bàn về giải pháp môi trường phát triển ngành tôm bền vững do Bộ NN&PTNT, Báo Tuổi Trẻ và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đánh giá rất cao chiến lược phát triển của Bạc Liêu khi chọn phát triển mô hình sản xuất lúa - tôm. Bởi đây không chỉ là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn trở thành xu thế mang tính sinh tồn để “thuận thiên”, trong điều kiện nguồn tài nguyên nước của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không còn dồi dào như xưa.
Song, nếu để nông dân chỉ dựa vào mô hình sản xuất lúa - tôm thì thu nhập sẽ rất bấp bênh, nhất là trong điều kiện giá tôm giảm sâu như hiện nay. Do vậy, cùng với giải pháp nâng chất cho mô hình này về năng suất, giá trị thì cần lắm những mô hình sản xuất kết hợp để giúp nông dân tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích. Cũng như có thể sống được trong điều kiện đất đai không nhiều, nhưng giá trị sản xuất mang lại cao hơn gấp nhiều lần so với canh tác lúa - tôm.
Mô hình lúa - tôm gắn với nuôi cá đồng ở huyện Phước Long góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Có thể nói, Phước Long là địa phương đã tiên phong xây dựng các mô hình sản xuất như thế gắn với đa dạng hóa sinh kế và đến nay huyện trở thành địa phương có tỷ lệ người dân có thu nhập cao hàng đầu của tỉnh.
Điển hình như mô hình kết hợp tôm sú - cua - cá ở xã Phong Thạnh Tây A và Phong Thạnh Tây B của huyện Phước Long. Đây là mô hình nuôi kết hợp thu được nhiều sản phẩm trên cùng diện tích, dễ tiêu thụ, do chủ động về thị trường và hạn chế được rủi ro. Mỗi năm bà con nông dân thả nuôi 3 vụ tôm sú và 1 vụ cua kết hợp với thả cá, tổng chi phí đầu tư khoảng 18,5 triệu đồng/ha/năm và lợi nhuận mang lại từ mô hình đạt gần 90 triệu đồng/ha/năm. Cái hay của mô hình này là chi phí đầu tư tương đối thấp, phù hợp với điều kiện canh tác của đa số nông dân có ít vốn sản xuất. Đồng thời, tận dụng và khai thác tốt nguồn thức ăn sẵn có trong ao nuôi, giá con giống thấp, và sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ, nhất là cua thương phẩm và cá đồng. Hay mô hình tôm - lúa - màu trên bờ liếp vuông tôm tập trung nhiều ở thị trấn Phước Long và xã Vĩnh Phú Tây. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và tận dụng được đất bờ liếp vuông tôm để trồng thêm nhiều loại rau màu. Trong năm, bà con nông dân thả nuôi 2 vụ tôm sú - 1 vụ lúa kết hợp với trồng màu trên bờ liếp vuông tôm và lợi nhuận tăng thêm gần 12 triệu đồng/1.000m2/vụ. Không chỉ tận dụng diện tích đất trên bờ liếp vuông tôm để sản xuất rau màu, mà ngay cả hệ thống kênh mương phục vụ cho mô hình sản xuất lúa - tôm còn phát triển thêm cả mô hình trồng bông súng, năn bộp, bồn bồn… mang về lợi nhuận hàng chục triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, về chiến lược lâu dài vẫn cần một cuộc cách mạng cho cây lúa và con tôm, nhất là đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp về khu vực nông thôn đầu tư phát triển các nhà máy chế biến hàng nông - thủy sản gắn với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp. Qua đó, nâng cao giá trị hàng nông - thủy sản và góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp, dịch vụ và thương mại, xuất khẩu.
KIM TRUNG
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Nguyễn Hoàng Thoại: Ưu tiên đầu tư cho các mô hình mới và hiệu quả
Đối với Bạc Liêu là tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp lớn trong cơ cấu kinh tế, với gần 130.000 hộ nông dân có thu nhập chủ yếu từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh từ nông nghiệp.
Để nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh sẽ tập trung vào các nội dung sau:
Đẩy mạnh công tác vận động, khuyến khích, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tham gia sản xuất theo hướng an toàn, bền vững; tích cực tham gia các loại hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, tiến tới hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển thương hiệu, từ đó có điều kiện tốt để tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh công tác phối hợp tập huấn kỹ thuật và hội thảo chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ mới; hội thảo đầu bờ, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm và xây dựng mô hình trình diễn để hội viên, nông dân có điều kiện nắm bắt, hiểu rõ và mạnh dạn ứng dụng vào sản xuất.
Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp gắn với việc xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, hướng hoạt động Hội về cơ sở, góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, Hội Nông dân sẽ ưu tiên đầu tư nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và các nguồn ủy thác được ưu tiên cho các mô hình mới, hiệu quả, phù hợp với từng vùng, địa phương và phải bám theo quy hoạch, định hướng tập trung phát triển của tỉnh. Cũng như, tăng cường tranh thủ các chương trình, dự án của Trung ương Hội, các sở, ngành liên quan, các công ty, doanh nghiệp để đầu tư, hỗ trợ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh cho nông dân…
Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long - Trần Văn Liêm: Tập trung nâng chất mô hình sản xuất lúa – tôm
Để nâng cao thu nhập cho nông dân và hướng đến phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp, huyện Phước Long sẽ tập trung nâng chất mô hình sản xuất lúa - tôm.
Theo đó, UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương vận động, khuyến khích người dân sản xuất lúa trên đất nuôi tôm theo hình thức “cánh đồng lớn” thông qua liên kết các hộ canh tác nhỏ lẻ, manh mún thành nhóm, câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX), nhằm tạo ra sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp, công ty liên kết sản xuất với người dân thông qua tổ chức đại diện là THT, HTX canh tác lúa trên đất nuôi tôm theo hướng hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các ngành cấp huyện, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân mở rộng diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt 15.000ha diện tích tôm - lúa. Cũng như, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và thủy sản của huyện đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 gắn với hướng tái cơ cấu ngành Thủy sản.
Cùng với các giải pháp cơ bản trên, huyện Phước Long cũng đề xuất và kiến nghị Sở NN&PTNT, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống… tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho huyện thực hiện nhiều mô hình, chương trình, dự án ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất, nhất là giống lúa mới chịu phèn, chịu mặn, năng suất cao, chất lượng gạo ngon đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhằm giúp người dân tăng cao hiệu quả trong sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ cho huyện đăng ký mã số vùng nuôi, vùng trồng… Đặc biệt, hỗ trợ cho huyện xây dựng vùng nguyên liệu “lúa thơm - tôm sạch” đạt chứng nhận lúa hữu cơ, các chứng nhận tôm sú và hỗ trợ cho huyện tiếp cận các doanh nghiệp, công ty bao tiêu tôm sú, lúa thương phẩm cho địa bàn huyện để giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính và các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan xem xét, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lúa trên đất nuôi tôm như: nạo vét một số tuyến kênh bồi lắng, xây dựng lộ giao thông, cầu nông thôn phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án lúa - tôm giai đoạn 2 để huyện chủ động mở rộng diện tích lúa - tôm, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra…
L.D (thực hiện)
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp