Tiêu điểm
Nâng tầm và phát huy giá trị của các sản phẩm OCOP
Với mục tiêu đẩy mạnh kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là giải pháp quan trọng, hướng tới phát triển nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời, tạo nên những động lực và sức bật trong xây dựng nông thôn mới.
Sản xuất bánh đậu xanh tại Cơ sở Hương Sen (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D
TẠO ĐƯỢC LAN TỎA RỘNG
Từ khi chương trình OCOP được triển khai rộng khắp vào năm 2019, đến nay Bạc Liêu có 91 sản phẩm OCOP đã được công nhận (trong đó 67 sản phẩm 3 sao và 24 sản phẩm 4 sao).
Phải khẳng định rằng, chỉ qua vài năm thực hiện, chương trình OCOP đã được lan tỏa rộng và góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn. Cũng như khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có và góp phần phát huy, nâng cao giá trị cho nhiều sản phẩm. Công ty TNHH MTV Thanh Phu (huyện Hòa Bình) thông qua xây dựng sản phẩm OCOP đã phát huy giá trị gia tăng các mặt hàng được khai thác từ biển. Nếu như trước đây các mặt hàng thủy sản như: mực, bạch tuộc, cá thu, tôm biển… chỉ xuất bán với nguyên liệu thô thì thông qua chế biến thành sản phẩm OCOP, các sản phẩm này đã được đóng gói, bao bì và tẩm gia vị để trở thành các loại thức ăn nhanh phục vụ cho nhiều đối tượng tiêu dùng và giá trị tăng thêm từ 2 - 3 lần so với bán nguyên liệu cấp đông. Hay con cá thát lát ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, nếu bán với nguyên liệu thô thì giá cũng chỉ dao động ở mức 60 - 70 ngàn đồng/kg, nhưng khi qua chế biến thành chả thát lát gắn với sản phẩm OCOP thì có giá từ 230 - 250 ngàn đồng/kg…
Song song đó, nhiều sản phẩm khác thông qua Chương trình OCOP không chỉ giúp cho các chủ thể (nông dân, doanh nghiệp) tăng thêm lợi nhuận, mà còn tác động trực tiếp, tạo nên những động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Như việc nông dân cải tạo vườn tạp để đào ao phát triển thêm các mô hình nuôi cá nước ngọt, hay tận dụng thêm diện tích mặt nước ở các đồng ruộng để áp dụng mô hình đa canh, đa con, nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến các sản phẩm OCOP. Với những cách làm này không chỉ giúp nông dân khai thác, phát huy tốt tài nguyên đất, mà quan trọng hơn cả chính là thông qua các sản phẩm OCOP đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập trực tiếp cho hàng trăm lao động của địa phương. Cụ thể như Hợp tác xã (HTX) đan đát Trúc Xanh và HTX trồng rau cần 8/3 ở huyện Phước Long, thông qua chế biến sản phẩm OCOP đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động tại chỗ.
Điểm kinh doanh sản phẩm OCOP Kiều Hạnh tại huyện Vĩnh Lợi.
LƯỢNG NHIỀU HƠN CHẤT
Có thể nói, Chương trình OCOP tuy đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng Chương trình cũng đã xuất hiện những dấu hiệu thiếu bền vững và còn có tình trạng “chạy theo phong trào”. Nghĩa là địa phương này có sản phẩm OCOP gì thì địa phương kia cũng phải có sản phẩm đó. Để rồi xây dựng, đề xuất các sản phẩm OCOP một cách gượng ép, nhằm thỏa các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới mà không tính đến nhu cầu, nguồn lực và cả tính bền vững của các sản phẩm, đẩy một số sản phẩm sau khi được công nhận nhanh chóng bị người tiêu dùng lãng quên, thậm chí “chết yểu”?!
Trên thực tế có nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp có thương hiệu sau khi được công nhận và chấm sao xong thì không sản xuất sản phẩm OCOP nữa! Điển hình như Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Tôm Việt (TP. Bạc Liêu) có đến 4 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, gồm các mặt hàng được chế biến từ con tôm thẻ và con tôm sú, nhưng sau một thời gian ngắn được công nhận, Công ty đã không sản xuất các mặt hàng OCOP vì tiêu thụ không được. Rồi nhiều sản phẩm OCOP khác như: rau màu, khô biển, hàng công nghệ thực phẩm… cũng tiêu thụ không được.
Nông dân huyện Hồng Dân nuôi và thu hoạch cá thát lát cung ứng cho việc chế biến sản phẩm OCOP.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các sản phẩm OCOP không phát huy được hiệu quả và giá trị, trong đó có nguyên nhân chính là các chủ thể đã không quan tâm đến công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm, cứ cho rằng đã là sản phẩm OCOP thì sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, mặc dù các sản phẩm OCOP ấy còn khá mới trên thị trường và gần như 100% đều không có thương hiệu. Do vậy, việc truyền thông, quảng bá phải được xem là khâu quan trọng hàng đầu sau khi được công nhận, thay vì để sản phẩm “tự bơi” trong môi trường cạnh tranh về thông tin rất khốc liệt như hiện nay. Đặc biệt là các sản phẩm mới cần phát huy và khai thác các phương tiện truyền thông, xem đây là khâu quyết định đến doanh thu và góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần viết lên những câu chuyện cho sản phẩm OCOP của mình để nâng cao giá trị, thương hiệu và tạo ra khả năng cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại. Có thể điển hình với sản phẩm chả cá thát lát, con tôm càng xanh OCOP của huyện Hồng Dân được nuôi trong ruộng lúa với quy trình hữu cơ và khép kín, sản phẩm tạo ra là sản phẩm sạch, thịt cá dai, mềm thơm, gạch tôm càng thì dầy và béo ngậy do ngậm sữa từ những hạt lúa thơm của đồng đất vốn gắn với những địa danh “Đồng Chó Ngáp”… Những câu chuyện này sẽ góp phần tăng thêm giá trị cho sản phẩm, tạo tính tò mò muốn khám phá, trải nghiệm và điều đó sẽ tác động tích cực đến phát triển du lịch sinh thái.
Để giải quyết các bất cập này, cùng với sự chủ động của các chủ thể thì ngành quản lý cần xây dựng các chiến lược giúp doanh nghiệp, nông dân quảng bá sản phẩm, nhằm tránh trường hợp công nhận xong rồi bỏ đó, kiên quyết nói không với vấn nạn “chạy theo số lượng”, xã nào cũng có sản phẩm OCOP mà không tính đến chất lượng, nhu cầu thị trường và cả yếu tố phát triển bền vững.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là đừng để các chủ thể “tự bơi” mà cần tranh thủ, hỗ trợ thêm các nguồn lực cho việc đầu tư dây chuyền sản xuất, điểm trưng bày, xúc tiến thị trường…, vì trên thực tế các chủ thể hiện nay gần như phát triển các sản phẩm bằng vốn tự có. Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú - chủ cơ sở chuyên kinh doanh sản phẩm OCOP Kiều Hạnh tại huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Việc trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP cần rất nhiều vốn và theo tính toán của tôi, nhu cầu của điểm trưng bày là khoảng 2 - 3 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn tự có của tôi khoảng 500 triệu đồng nên chỉ mới tập trung chủ yếu ở mặt hàng khô và một số sản phẩm khác”.
Ngoài những khó khăn và bất cập trên, việc thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chậm, chưa xác định rõ được vai trò và vị trí của chương trình, dẫn đến quá trình triển khai thiếu sự quan tâm và quyết liệt. Có địa phương còn xem đó là trách nhiệm phải làm của ngành Nông nghiệp nên chưa quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Thêm vào đó, vai trò của UBND cấp xã trong việc thực hiện Chương trình OCOP chưa thể hiện rõ cũng như chưa phát huy lợi thế của địa phương một cách hiệu quả. Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện ở một số địa phương chưa hoạt động hết vai trò, nhiệm vụ của mình nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn qua loa, việc hoàn thiện hồ sơ gửi về Hội đồng cấp tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, còn phải chỉnh sửa nhiều, ảnh hưởng đến chủ thể OCOP…
Tất cả những khó khăn này cần được các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ và có ngay các giải pháp nhằm phát huy được mục đích và hiệu quả mà Chương trình OCOP đã đề ra cho giai đoạn tiếp theo, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
LƯ TRUNG
* Phó Giám đốc Sở Công thương - Phan Thị Thu Oanh: Hỗ trợ các chủ thể OCOP giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm
Thời gian qua, ngành Công thương đã phối hợp với ngành Nông nghiệp và các địa phương quan tâm phát triển, nâng cao giá trị cho các sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại như: hỗ trợ các chủ thể tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố; giới thiệu và tham gia các hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành... Ngoài ra, còn hỗ trợ các sản phẩm OCOP tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Kết quả có một số sản phẩm OCOP đạt thêm danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực như: Bánh đậu xanh (Cơ sở Hương Sen), tổ yến (Cơ sở Yến sào Mai), tổ yến (Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Yến sào HI-NEST)…
Để nâng cao giá trị và góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh, thời gian tới ngành Công thương sẽ tổ chức hội chợ và triển lãm sản phẩm OCOP cấp tỉnh thường niên và tổ chức hội chợ thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại tại tỉnh nhân các sự kiện lớn để hỗ trợ các chủ thể tham gia gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP của tỉnh giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các điểm bán hàng, các showroom bán sản phẩm OCOP do các tỉnh, thành phố tổ chức. Đồng thời, phối hợp với Sở VH-TT-TT&DL hỗ trợ các chủ thể OCOP thực hiện chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua việc vận động các chủ thể OCOP đăng ký làm thành viên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Bạc Liêu. Hỗ trợ thành viên Sàn về kỹ thuật đăng hình ảnh, giá cả sản phẩm để giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhằm đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu, trao đổi mua bán sản phẩm.
Song song đó, ngành Công thương cũng sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP đã được công nhận, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh như: tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành, ngày hội sản phẩm OCOP… do các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ tổ chức cả trực tiếp và trực tuyến từ 5 - 6 đợt/năm. Tổ chức và hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia các đoàn giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố và các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa (trực tiếp và trực tuyến)... Qua đó sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thụ hưởng và phát huy hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh từ các chương trình hỗ trợ nêu trên…
* Chủ tịch Hội LHPN tỉnh - Trương Hồng Trang: Xây dựng điểm trưng bày và kinh doanh sản phẩm OCOP tại Quảng trường Hùng Vương
Thực hiện Chương trình OCOP, thời gian qua Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các chị em phụ nữ có việc làm ổn định, tạo ra những sản phẩm riêng biệt, đặc trưng của quê hương để giới thiệu sản phẩm đến bạn bè trong và ngoài tỉnh, góp phần chung vào công tác giảm nghèo của tỉnh.
Để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với tham gia Chương trình OCOP, Hội đã hướng dẫn các tầng lớp phụ nữ phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân tương ái, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tiếp tục thực hiện hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững, ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả thông qua giải quyết việc làm ở các HTX sản xuất sản phẩm OCOP. Đồng thời, các cấp Hội đã hỗ trợ trên 1.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ vay vốn giúp phụ nữ phát triển kinh tế được các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh với nhiều loại hình. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác, giải ngân trên 600 tỷ đồng, giúp cho gần 30.000 lượt hộ hội viên, phụ nữ vay đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh gắn với tham gia làm sản phẩm OCOP. Đặc biệt, các cấp Hội trong tỉnh đã kết nối các cơ sở, doanh nghiệp, HTX, THT, các hộ kinh doanh cá thể tham gia các hội chợ trưng bày triển lãm trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn hộ kinh doanh đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, giúp quảng bá sản phẩm ra thị trường, lập thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP. Tuyển chọn 11 sản phẩm tiêu biểu, giới thiệu tham gia cuộc thi ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp của Trung ương Hội tổ chức…, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng năm.
Tuy nhiên, công tác quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của phụ nữ còn nhiều khó khăn, hạn chế. Do đó, sản phẩm chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã mạnh dạn trình Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh xem xét giải quyết cho Hội LHPN tỉnh xây dựng nơi trưng bày, quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho việc đưa sản phẩm quê hương và sản phẩm OCOP của phụ nữ trong tỉnh đến với người tiêu dùng.
Theo đó, Hội LHPN tỉnh sẽ xây dựng điểm để trưng bày, giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP tại khu vực Quảng trường Hùng Vương, góp phần giúp chị em quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nói riêng và các sản phẩm OCOP khác của tỉnh, nhằm phục vụ tốt cho phát triển du lịch và thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển.
KIM TRUNG (thực hiện)
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con