Tiêu điểm
Nhìn xa để phát triển nghề nuôi biển
Với chủ trương làm giàu từ biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1664 phê duyệt “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Đề án này đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các tỉnh có biển tập trung khai thác và phát huy các lợi thế vốn có từ nghề NTTS trên biển (gọi tắt là nghề nuôi biển).
…..............................................................................................................................................................................................................................
Để thực hiện thắng lợi Quyết định 1664, Thủ tướng Chính phủ đề ra quan điểm chỉ đạo sau:
Đầu tư phát triển NTTS trên biển thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn bộ ngành Thủy sản, trong đó lấy doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt để đầu tư phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp ở vùng biển xa.
Áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư hạ tầng đồng bộ là cơ sở để tạo nên bước đột phá trong phát triển nuôi biển.
Phát triển nuôi biển gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất theo định hướng thị trường, xây dựng chuỗi giá trị xuyên suốt cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng; phát triển công nghệ nuôi, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Phát triển nuôi biển theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức sản xuất phù hợp, hài hòa với hoạt động của các ngành kinh tế khác trên biển; kết hợp với xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên biển vững mạnh, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.
……..........................................................................................................................................................................................................................
Phát triển nghề nuôi biển sẽ góp phần hạn chế các phương tiện khai thác gần bờ hủy duyệt nguồn lợi thủy sản (nghề te, cào ven biển Nhà Mát, TP. Bạc Liêu và nghề lưới thẹ ở huyện Hòa Bình).
GIÀU TÀI NGUYÊN BIỂN
Phải khẳng định rằng, Bạc Liêu là một trong những địa phương giàu tài nguyên và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi biển. Với diện tích tự nhiên hơn 2.667km2, trong đó có trên 100km2 đất mặt nước ven biển (bãi bồi ven biển) và bờ biển dài 56km, cùng vùng đặc quyền kinh tế biển rộng trên 20.700km2 - là tiền đề rất quan trọng để Bạc Liêu khai thác, phát huy các giá trị mang lại từ biển. Đây cũng là nhiệm vụ và định hướng chiến lược đã được Bạc Liêu cụ thể hóa trong Quy hoạch tổng thể đến năm 2050.
Về lợi thế, Bạc Liêu có nhiều cửa biển lớn như: Gành Hào, Huyện Kệ, Cái Cùng và Nhà Mát, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động khai thác, đánh bắt, lưu thông hàng hóa và cấp thoát nước phục vụ cho NTTS.
Về địa hình đáy biển, vùng biển Bạc Liêu trực tiếp thông với biển Đông Nam Bộ, địa hình đáy biển tương đối bằng phẳng, độ dốc nhỏ, phạm vi rộng lớn, ven bờ chất đáy chủ yếu là cát pha bùn, cát pha vỏ sò là cơ sở tốt cho sự phát triển các loài sinh vật đáy và tạo ra dây chuyền thức ăn cho các loại cá tầng đáy. Đặc biệt, vùng biển Bạc Liêu ít chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới nên rất thuận lợi cho phát triển các mô hình nuôi biển bằng lồng bè ngoài vùng nước xanh.
Nguồn lợi thủy sản của biển Bạc Liêu rất phong phú, do nằm trong ngư trường Đông Nam Bộ có hơn 2.000 loài cá, trong đó khoảng 130 loài có giá trị kinh tế. Cá tầng đáy chiếm 80% và cá nổi 20%, cá vùng gần bờ chiếm 80% và cá khơi 20%.
Theo đánh giá mới nhất của ngành Nông nghiệp, trữ lượng cá biển trong toàn vùng biển là 4,2 triệu tấn, trong đó sản lượng cho phép khai thác 1,7 triệu tấn/năm, bao gồm 850.000 tấn cá đáy, 700.000 tấn cá nổi nhỏ, 120 tấn cá nổi đại dương. Các loài có giá trị kinh tế cao gồm: tôm, mực (khoảng 23 trong số 53 loài), cá hồng, mú, khế, song, đuối. Ngoài ra còn có nghêu, sò, vẹm, bạch tuộc, cua, ghẹ, ốc…
Với các điều kiện về tự nhiên nêu trên, Bạc Liêu hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nghề nuôi biển. Trong đó, các đối tượng có tiềm năng phát triển bao gồm: nhóm nhuyễn thể (nghêu, sò huyết, hàu, ốc len…); nhóm cá biển (cá bớp, cá mú trâu, cá chim vây vàng, cá chẽm...); nhóm giáp xác (tôm sú, tôm thẻ, tôm tích, tôm hùm, cua...).
Cùng với các điều kiện về tự nhiên, nguồn thức ăn cá tạp cũng rất dễ tìm, giá thành thấp, chất lượng tốt là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi biển tại Bạc Liêu. Đồng thời, ngư dân Bạc Liêu đã có kinh nghiệm trong đánh bắt hải sản trên biển, khi chuyển sang nghề nuôi biển sẽ thích ứng rất nhanh và rất thuận lợi trong quá trình chăm sóc và quản lý lồng bè trên biển...
Mô hình nuôi nghêu ven biển Bạc Liêu. Ảnh: K.T
NHIỀU KHÓ KHĂN CẦN ĐƯỢC THÁO GỠ
Thật ra, với Bạc Liêu, nghề nuôi biển không mới, vì trên thực tế tỉnh đã phát triển nghề này từ các hợp tác xã nuôi nghêu, nuôi sò và nuôi hàu tại các bãi bồi, hệ thống kênh thủy lợi ven biển. Cái mới và cần đầu tư khai thác chính là nuôi biển bằng hình thức nuôi lồng bè ở khu vực biển xa ngoài 3 hải lý với các đối tượng nuôi như: cá bóp, cá mú trâu, cá chim vây vàng, cá chẽm... Cũng như nghiên cứu phát triển cả nghề nuôi rong trên biển gắn với phát triển các dịch vụ câu cá, thưởng thức hải sản tươi sống từ các lồng bè làm du lịch trên biển thông qua kết hợp với các dự án điện gió.
Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa các mục tiêu này không phải là chuyện dễ làm trong điều kiện nghề nuôi biển đã và đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là ngân sách thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nghề nuôi biển còn rất hạn chế và chưa tạo ra lượng sản phẩm lớn để thu hút thị trường.
Cùng với đó, thời tiết hiện nay diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bão lụt, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… trực tiếp ảnh hưởng đến các hoạt động nuôi biển. Thêm vào đó, địa hình vùng biển thuộc địa phận tỉnh Bạc Liêu không có vịnh, đảo, hòn.... nên gây khó khăn không ít cho việc bố trí lồng bè nuôi và khả năng chỉ có thể phát triển các mô hình nuôi gần bờ.
Một khó khăn nữa là nghề nuôi biển cần nguồn vốn đầu tư lớn, nhưng ngư dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Đáng quan tâm nhất là tỉnh Bạc Liêu đến nay chưa có trại sản xuất giống cá biển, việc nắm vững kỹ thuật nuôi các loại cá biển còn mới và đây cũng là một trở ngại để thu hút người dân đầu tư vào nuôi biển...
Tất cả những khó khăn và bất cập này phải được các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu vì nhu cầu phát triển và làm giàu từ biển là tất yếu, khi thế kỷ XXI được xác định là thế kỷ của đại dương.
LƯ DŨNG
Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly: Nuôi biển là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế biển
Để phát triển nghề nuôi biển, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền và thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi thủy sản lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ với những đối tượng có giá trị kinh tế cao. Đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực sản xuất giống, thức ăn, phòng trị bệnh, công nghê ̣lồng nuôi biển, công nghê ̣chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Song song đó, tập trung phát triển nuôi nhuyễn thể vùng bãi bồi ven biển, nuôi thủy sản lồng bè trên biển, khuyến khích nuôi biển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nuôi sinh thái giai đoạn 2023 - 2030.
Về tầm nhìn đến năm 2050, Bạc Liêu sẽ hình thành các vùng nuôi biển tập trung có quy mô diện tích lớn phù hợp với thị trường, tạo sản lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thủy sản uy tín, chất lượng cao. Chú trọng kêu gọi đầu tư xây dựng các khu sản xuất giống hải sản ứng dụng công nghệ cao phục vụ nuôi biển. Hình thành mô hình quản lý cộng đồng gắn với sinh kế người dân địa phương. Trong đó, phát huy vai trò của các cơ sở nuôi là hạt nhân, điều phối, thống nhất các hoạt động quản lý về môi trường, dịch bệnh, mùa vụ nuôi, con giống, thức ăn…
Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nuôi biển đồng bộ, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả nuôi biển và chế biến, tiêu thụ.
Phát triển nuôi biển theo chuỗi giá trị và tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở nuôi với nhà cung cấp đầu vào, các thương lái, cơ sở thu mua, doanh nghiệp chế biến thủy sản; liên kết với các viện, trường; liên kết với các ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn tín dụng hoặc các nguồn vốn ưu đãi và thực hiện hỗ trợ theo các chính sách.
Đặc biệt, kiến nghị Tổng cục Thủy sản đề xuất Bộ NN&PTNT bổ sung tỉnh Bạc Liêu vào danh sách địa phương phát triển nuôi biển giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2050. Đồng thời, bổ sung thêm các danh mục chương trình, dự án phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Tổng cục Thủy sản có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nuôi biển, xây dựng các mô hình nuôi có khả năng tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn, quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu…
Bí thư Huyện ủy Đông Hải - Trần Thanh Mến: Đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình nuôi biển
Lâu nay, nghề khai thác thủy sản bằng lưới kéo của ngư dân huyện Đông Hải có số lượng rất lớn với 200/332 chiếc tàu, chiếm tỷ lệ hơn 60% lượng tàu có chiều dài từ 12m trở lên. Trong đó, khai thác thủy sản với ngư cụ có kích thước mắc lưới nhỏ nên đánh bắt tất cả các loại hải sản không chọn lọc làm ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản giảm đến mức báo động và cần có những giải pháp để hóa giải các nguy cơ này, gắn với tạo sinh kế cho ngư dân bằng những mô hình sản xuất khác mà nghề nuôi biển đang được xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Mặt khác, giá cả nhiên liệu luôn biến động, chi phí cho mỗi chuyến biển tăng cao so với trước đây càng tạo ra áp lực lớn trong nghề khai thác, nhất là nghề lưới kéo nên lượng tàu khai thác đã giảm đáng kể, do hoạt động khai thác không hiệu quả. Hiện nay, chủ trương của các cấp, các ngành là hạn chế và dần loại bỏ các loại hình khai thác có tính hủy diệt, không có tính chọn lọc và loại bỏ các tàu công suất nhỏ, chiều dài ngắn khai thác ven bờ. Khi lượng tàu này giảm sẽ phát sinh lượng lao động dôi dư rất nhiều nên vấn đề giải quyết việc làm cho lao động rất khó khăn. Chính vì vậy, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho đối tượng này và nghề nuôi biển được xem là cơ hội trong chuyển đổi ngành nghề ở huyện Đông Hải hiện nay.
Thực tế cho thấy, một số tỉnh có biển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã dần phát triển mô hình nuôi biển và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau…
Để phát triển nghề nuôi biển và giải quyết các khó khăn trong khai thác, đánh bắt thủy sản hiện nay, hướng đến giảm và không còn phương tiện khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, huyện Đông Hải đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình nuôi biển. Đồng thời, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển có thế mạnh. Cụ thể như, đối với khu vực bãi bồi ven biển thực hiện nuôi một số loài như: ốc hương, sò huyết, sò lông, tu hài, hàu… Riêng khu vực biển dưới 6 hải lý (do tỉnh quản lý) thực hiện nuôi một số loài có giá trị như: tôm hùm, cua, ghẹ, cá bớp, cá chim trắng vây vàng và trồng rong biển…
K.T (lược ghi)
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp