Tiêu điểm
Nông nghiệp Bạc Liêu: Những thành tựu nổi bật trong năm 2018
Năm 2018, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung tái cơ cấu nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất... Từ đó có nhiều mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (bên trái) tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao ở huyện Hòa Bình.
Nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: M.Đ
Những thành tựu nổi bật
Năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh là 136.498ha, đạt 100,12% kế hoạch, tăng 0,33% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản 341.262 tấn (trong đó sản lượng tôm 139.000 tấn), đạt 100,61% kế hoạch, tăng 5,77% so với cùng kỳ.
Thủy sản tiếp tục được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo đó, các ngành chức năng tỉnh đã xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I và nạo vét hệ thống thủy lợi cấp, thoát nước phục vụ Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, tạo điều kiện đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Hiện nay, có 10 công ty, doanh nghiệp nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 810,5ha, sản lượng 1.962 tấn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho 287 hộ dân với tổng diện tích 814,38ha, sản lượng 4.598 tấn. Thực hiện chuỗi liên kết an toàn vệ sinh thực phẩm trong NTTS, các công ty, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng bao tiêu 1.370ha NTTS, sản lượng tôm đã bao tiêu là 95 tấn.
Về khai thác thủy sản, ngư dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu nghề sang đánh bắt xa bờ và đa nghề để khai thác, đánh bắt hải sản quanh năm. Mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo tổ, đội đã góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm chi phí sản xuất, khai thác đạt hiệu quả khá cao và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Năm 2018, diện tích lúa gieo trồng là 185.036ha, đạt 100,56% kế hoạch, tăng 2,45% so với cùng kỳ; sản lượng ước tính hơn 1,1 triệu tấn, đạt 101,42% kế hoạch. Toàn tỉnh có 21 cánh đồng lớn với diện tích 11.372ha; có 44.922ha lúa hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), toàn tỉnh có 21 xã đạt 19 tiêu chí XDNTM (tăng thêm 5 xã so với năm 2017), 7 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 20 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí XDNTM; có 50% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch an toàn. Phước Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn quốc gia về XDNTM.
Giải pháp trọng tâm năm 2019
Năm 2019 - năm thứ 4 thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành NN&PTNT tỉnh đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp - nông thôn phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tổ chức lại sản xuất; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tạo ra các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; cung ứng sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng.
Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Xây dựng khu, vùng NTTS ứng dụng công nghệ cao, nuôi siêu thâm canh theo quy hoạch. Đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nghề nuôi, đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi; nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao hướng đến NTTS có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic để tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu. Tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân an tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...
Sắp tới, tỉnh sẽ rà soát lại các khu, cụm công nghiệp, thu hút doanh nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm tôm nói riêng. Khuyến khích các nhà máy đầu tư nâng cấp trang thiết bị, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đến năm 2025 đạt 1 tỷ USD.
Cùng với đó, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch và chủ động phòng chống ngập úng, khô hạn, xâm nhập mặn, xì phèn, ngộ độc hữu cơ cho lúa. Ưu tiên đầu tư nạo vét các kênh mương bị bồi lắng; phát động xây ô đê bao thủy lợi khép kín, củng cố bờ bao giữ nước; xây dựng các trạm bơm nước; áp dụng rộng rãi công nghệ tưới nước tiết kiệm; ứng dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, IPM... trong sản xuất. Thực hiện điều tiết nước hợp lý, linh hoạt gắn với điều chỉnh cơ cấu mùa vụ; phát triển sản phẩm đặc trưng lợi thế của từng xã phù hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng. Đồng thời gắn việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với XDNTM, ưu tiên bố trí vốn phù hợp để năm 2019 toàn tỉnh có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Minh Đạt
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh