Tiêu điểm
Ông Huỳnh Quốc Ca - Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu: Tập trung giải phóng mặt bằng ở các dự án động lực
Với nhiều dự án quan trọng cần được giải phóng mặt bằng (GPMB), năm 2020 là năm bộn bề của Đảng bộ và chính quyền TP. Bạc Liêu, nhưng cũng mang đến rất nhiều cơ hội để thành phố tăng tốc phát triển. Để đưa cơ hội đó trở thành hiện thực trong năm 2020, là người đứng đầu cơ quan hành chính thành phố, ông Huỳnh Quốc Ca - Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu cho biết:
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung khảo sát, chỉ đạo tại buổi thực địa công tác giải phóng mặt bằng khu đất 400ha ở xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.Đ
UBND thành phố đã xác định những dự án có tính chất động lực, có ý nghĩa quan trọng phục vụ cho nhu cầu phát triển của thành phố, nâng tầm TP. Bạc Liêu trở thành trung tâm của khu vực. Một là GPMB để triển khai dự án nâng cấp đô thị TP. Bạc Liêu thuộc tiểu dự án do WB tài trợ. Dự án thứ hai là khu giáo dục phía đông đường Võ Văn Kiệt (phường 1) xây dựng trường mầm non, tiểu học, phổ thông liên cấp song ngữ chất lượng cao và trường phổ thông liên cấp quốc tế. Thành phố sẽ tập trung GPMB ở khu vực này. Đây là khu giáo dục hiện đại và quy mô rất lớn. Nhà đầu tư có năng lực nhất hiện nay là Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Hiện UBND thành phố đã có bước làm việc cơ bản. Khi triển khai dự án này, Bạc Liêu sẽ có một trường tiểu học, THCS và THPT đào tạo theo chuẩn quốc tế. Tới đây, song song với Trường đại học Bạc Liêu, tỉnh còn có một trường đại học có chất lượng đạt chuẩn quốc tế, có sự liên kết với nhiều trường đại học uy tín. Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã có sẵn hệ thống kết nối với các trường đại học ở nhiều quốc gia, có đủ điều kiện đưa học sinh đi du học. Vừa đạt chuẩn quốc tế, vừa có chi phí thấp nên chắc chắn đây sẽ là địa chỉ hứa hẹn của con em cả khu vực ĐBSCL.
Dự án thứ ba là khu đô thị, hành chính, thương mại. Thành phố quy hoạch dự án này là một khu đô thị hiện đại với tổng diện tích 207ha theo Công văn 5654 ngày 25/12/2018 của UBND tỉnh. Vị trí dự án nằm trên địa bàn phường 5 và phường Nhà Mát (đối diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh). Hiện tại, Trung tâm Phát triển Quỹ nhà và đất tỉnh đã thuê đơn vị tư vấn trích đo địa chính khu đất để thực hiện công tác GPMB, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Năm 2020, thành phố xúc tiến thực hiện các bước lập thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Dự án này hoàn thành, TP. Bạc Liêu sẽ có thêm một khu đô thị hiện đại, tạo quỹ đất cho việc di dời khu trung tâm hành chính của thành phố sang. Thành phố đang cố gắng có một khu trung tâm hành chính mới ngay trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, do đó UBND thành phố hạ quyết tâm chậm nhất đến cuối năm 2021 dự án được khởi công, và khoảng năm 2023 là hoàn thành.
Nhân rộng mô hình từ công tác giải phóng mặt bằng khu đất 400ha Theo ông Huỳnh Quốc Ca, bài học kinh nghiệm từ GPMB khu đất 400ha ở xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông cho thấy, khi đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung làm Trưởng Ban chỉ đạo GPMB. Quá trình tổ chức thực hiện có nhiều cái vướng, cần có sự phối hợp giữa các ngành mới thực hiện được thì chính đồng chí Trưởng BCĐ vẫn cho ý kiến xử lý vấn đề ngay cả trong… buổi cơm trưa. Ví dụ, vấn đề cắt sóng điện thoại phục vụ công tác cưỡng chế, hoặc cần có một lực lượng công an chuyên trách phục vụ cưỡng chế…, thì Trưởng BCĐ sẽ mời lãnh đạo ngành đó để giao nhiệm vụ, UBND TP. Bạc Liêu chỉ là đơn vị triển khai, phối hợp thực hiện chứ không có thẩm quyền điều động các ngành chức năng cấp tỉnh. Đó là hiệu quả mang tính quyết định của BCĐ GPMB. |
PV: Ngoài 3 dự án nêu trên, UBND thành phố còn quan tâm đến dự án nào nhằm đưa TP. Bạc Liêu từng bước trở thành trung tâm của vùng Bán đảo Cà Mau, thưa ông?
Ông Huỳnh Quốc Ca: Ưu tiên 3 dự án nêu trên cũng không có nghĩa là bỏ qua các dự án khác. Dự án Tràng An (khu đất giao cho Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, phường 7) là một điển hình. Dự án này lẽ ra đã triển khai từ trước đây, nhưng do còn vướng GPMB ở 5 hộ. Hiện tại, 4 hộ đã di dời, còn lại 1 hộ, thành phố quyết tâm chậm nhất là sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ giải tỏa xong. Tập đoàn Ô tô Trường Hải sẽ đầu tư vào đây một trung tâm ô tô quy mô cấp vùng phục vụ cho cả khu vực Bán đảo Cà Mau (Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang). Tất cả các đại lý, cơ sở nhỏ lẻ của Công ty sẽ tập trung toàn bộ về Bạc Liêu.
Đầu năm 2020 này, bằng mọi giá TP. Bạc Liêu phải tạo điều kiện để dự án này khởi công. Đi vào hoạt động, trung tâm ô tô sẽ tuyển dụng và đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề khoảng 300 lao động chuyên sửa chữa, bảo dưỡng, chăm sóc khách hàng… Xuất phát từ thực tiễn đó, UBND thành phố sẽ tập trung quyết liệt GPMB để tạo lòng tin cho doanh nghiệp.
Các dự án nêu trên vừa là động lực phát triển cho thành phố, vừa nâng cấp bộ mặt đô thị, vừa giải quyết công ăn việc làm…
PV: Ông có hiến kế, đề xuất gì cho tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố trong thời gian tới?
Ông Huỳnh Quốc Ca: Với các dự án trọng điểm triển khai trên địa bàn TP. Bạc Liêu, tôi đề nghị nhất thiết phải có Ban chỉ đạo (BCĐ) GPMB. Ban chỉ đạo này do UBND tỉnh thành lập, do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Lý do, để giải quyết vấn đề tái định cư, đưa ra cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến GPMB một cách nhanh nhất.
Công tác GPMB có mối liên hệ với nhiều cơ quan cấp tỉnh. Trong mối liên hệ này, tôi cho rằng, BCĐ có vai trò kết nối các ngành lại với nhau để xử lý công việc. Mỗi ngành làm theo một cách của mình thì công việc sẽ rất rời rạc, thiếu tính tập trung, không kịp thời và không dứt điểm. Nếu có BCĐ GPMB, chắc chắn công tác GPMB của thành phố trong năm mới sẽ trôi chảy hơn, chủ động hơn và kịp thời hơn, không làm mất đi cơ hội của tỉnh và kéo dài thời gian, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Bởi lẽ, BCĐ GPMB sẽ có quyết định nhanh hơn với những quy định mà pháp luật cho phép vận dụng tùy vào điều kiện thực tế của địa phương. Với những vấn đề có ý kiến khác nhau thì Trưởng BCĐ sẽ quyết định kịp thời.
Ví dụ, khi có Trưởng BCĐ GPMB, Chủ tịch UBND thành phố có thể gọi điện xin ý kiến tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc vào bất cứ lúc nào giống như công việc nội bộ. Trong khi nếu không có BCĐ thì mọi thứ phải theo đúng quy trình thủ tục, muốn báo cáo lãnh đạo tỉnh cũng cần phải có thời gian. Và Chủ tịch UBND thành phố vẫn có thể mời các thành viên BCĐ GPMB cùng ngồi lại với nhau để bàn tháo gỡ vướng mắc trước khi trình lên Trưởng ban một quyết sách nào đó.
Dưới BCĐ GPMB, theo tôi cần có thêm tổ công tác (hay tổ giúp việc). Tổ này có nhiệm vụ thường xuyên làm công tác phối hợp, nắm tình hình hàng tuần để báo cáo, tham mưu chuyên trách đối với từng vụ việc cụ thể cho BCĐ. Có tổ công tác thì chắc chắn công tác tham mưu ở từng dự án cụ thể sẽ chính xác hơn và trách nhiệm rõ ràng hơn. Tôi khẳng định rằng, công tác GPMB ở khu Công tử Bạc Liêu nếu như có BCĐ và tổ tham mưu chuyên trách thì mọi việc đã hoàn thành sớm hơn hiện tại…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
TẤN ĐẠT (thực hiện)
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 2 huyện Hòa Bình và Vĩnh Lợi
- 11 đội tham gia Liên hoan nghệ thuật ĐCTT tỉnh Bạc Liêu năm 2024
- Họp thành viên UBND tỉnh: Đóng góp ý kiến vào 26 dự thảo văn bản
- Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh
- Bạc Liêu đoạt 9 huy chương tại Giải đua thuyền Canoeing vô địch các đội mạnh quốc gia