Tiêu điểm

Phát huy giá trị, lợi thế tôm nước lợ

Thứ Hai, 26/02/2024 | 16:46

Với tiềm năng lợi thế trong phát triển thủy sản, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn của cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây do tình trạng xâm nhập mặn và điều kiện môi trường, khí hậu đã làm cho diện tích nuôi tôm theo phương thức thâm canh - bán thâm canh ở nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có nuôi tôm nước lợ được xem là một trong những giải pháp trọng tâm đã được tỉnh triển khai thực hiện nhằm tăng giá trị cho mặt hàng này.

Khu nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Đông Hải. Ảnh: M.Đ

Đẩy mạnh liên kết

Để hạn chế những rủi ro tác động đến giá trị con tôm, nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh đã chủ động liên kết, hình thành các vùng nuôi lớn thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nuôi tôm. Từ đó, giúp người nuôi tôm giảm bớt chi phí mua sắm trang thiết bị, thức ăn; chia sẻ kỹ thuật nuôi…, đồng thời, mở rộng liên kết với các cơ sở sản xuất tôm giống, nhà máy chế biến để vừa ổn định đầu vào, yên tâm đầu ra. Theo đó, trong năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm được gần 51.000 tấn.

Thông qua việc liên kết sản xuất, cũng dần hình thành các vùng, cơ sở nuôi tôm công nghệ cao. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 5 vùng nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 3.900ha. Các vùng nuôi theo mô hình siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh tập trung, ứng dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, giảm thiểu tối đa các tiêu cực từ việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, để thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo xây dựng thực hiện các mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch, trong đó duy trì ổn định mô hình nuôi tôm rừng và phát triển mô hình nuôi tôm lúa. Năm 2023, diện tích tôm - lúa đạt 46.489ha.

Ông Tạ Hoàng Nhiệm - Giám đốc HTX Tôm công nghệ cao Đông Hải chia sẻ: “Việc liên kết sản xuất trong nuôi tôm mang lại rất nhiều lợi ích cho người nuôi tôm. Đồng thời cũng xây dựng được môi trường sản xuất an toàn, lành mạnh, cộng đồng trách nhiệm trong việc xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh, hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị và các chứng chỉ về an toàn cho tôm nuôi. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu cho con tôm Bạc Liêu trên trường quốc tế”.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long (TX. Giá Rai). Ảnh: M.Đ

Cần đồng bộ hạ tầng

Trong thực tiễn, lĩnh vực nuôi tôm nước lợ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Trong đó, hoạt động sản xuất, nuôi tôm nước lợ tại các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại như cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, công tác giám sát vùng nuôi chưa được quan tâm đầy đủ. Việc dự báo cân đối cung cầu, kiểm soát chất lượng, lưu thông con giống sản xuất vẫn còn hạn chế; đầu tư cơ sở hạ tầng cho ao nuôi nhiều vùng chưa đáp ứng với yêu cầu kỹ thuật. Công tác tổ chức lại sản xuất, hình thành các HTX, tổ hợp tác trong nuôi tôm gắn với chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới vẫn còn chậm.

Để khắc phục toàn diện những vấn đề mà ngành tôm đang gặp phải để tận dụng tối đa cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng thương hiệu con tôm Bạc Liêu, mở rộng thị trường xuất khẩu…, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đã chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch vùng nuôi tôm theo hướng đảm bảo tính liên kết vùng, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường tổ chức liên kết, xây dựng các mô hình sản xuất thủy sản theo chuỗi; xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ phục vụ hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản. Rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, nuôi trồng tôm nước lợ, kiên quyết xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Song song đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh các sản phẩm từ con tôm trên thị trường; từng bước thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu con tôm, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn theo yêu cầu xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển con tôm bền vững. Với mục tiêu đề ra, kế hoạch tái cơ cấu ngành tôm đang được kỳ vọng sẽ giúp người nuôi tôm tiếp cận và ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Đạt Linh

Nông dân huyện Hồng Dân nuôi tôm xen canh trong ruộng lúa. Ảnh: C.L

 

Xuất khẩu tôm phấn đấu đạt 4 - 4,3 tỷ USD trong năm 2024

Ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2024 thả nuôi 737.000ha (tôm sú 622.000ha, tôm thẻ 115.000ha); sản lượng 1.065.000 tấn, trong đó tôm sú 300.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 765.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu 4 - 4,3 tỷ USD.

Về giải pháp trọng tâm, trước hết là tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng giống tôm; tổ chức kiểm tra, đánh giá, chứng nhận đủ điều kiện cho cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm, cơ sở sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường. Tập trung thực hiện truy xuất nguồn gốc, phát triển nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế (ASC, BAP, hữu cơ...).

Phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao. Duy trì diện tích nuôi tôm lúa, tôm rừng, quảng canh cải tiến, tôm hữu cơ. Đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật tăng năng suất, sản lượng nuôi đối với tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến, sinh thái, hữu cơ.

Các địa phương cần tổ chức liên kết giữa các đơn vị, chỉ đạo tham gia chuỗi tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn. Kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; kiên quyết xử lý sai phạm (nếu có).

Đối với Hội, Hiệp hội cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả. Vận động doanh nghiệp chế biến thủy sản thực hiện cam kết/hợp đồng với người nuôi tôm về kế hoạch sản xuất và cung ứng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu. Chủ động nghiên cứu các yêu cầu mới của thị trường, áp dụng và triển khai trong quá trình sản xuất đảm bảo không vướng mắc các quy định mới (như xuất khẩu sang thị trường EU cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục để chứng minh giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, không mua bán các sản phẩm từ hoạt động IUU...).

Doanh nghiệp và người nuôi tôm nâng cao chất lượng sản phẩm; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Áp dụng nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC… Tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm; nâng cao chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc.

C.T.V

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Đức Tiến: Chú trọng xây dựng liên kết trong chuỗi sản phẩm

Để thúc đẩy hơn nữa giá trị từ con tôm nước lợ, các địa phương cần chú ý đến sự liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ. Theo đó, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chú ý đến việc xây dựng chất lượng nguồn giống, nhất là nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi cũng như hạn chế dịch bệnh. Cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, logistics… Với sản lượng phấn đấu là 1,12 triệu tấn, ngành tôm đang hướng đến xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và đặc biệt là sẽ tập trung vào thị trường Hà Lan để giá trị xuất khẩu cao hơn. Tôi tin tưởng với cách tổ chức sản xuất, quản lý nhà nước, khoa học - công nghệ, xúc tiến thương mại và đầu tư hạ tầng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều: Thách thức về môi trường và dịch bệnh

Bạc Liêu hiện có trên 140.000ha nuôi trồng thủy sản và là một trong 3 tỉnh, thành có diện tích, sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước. Sản lượng hằng năm của tỉnh Bạc Liêu đóng góp từ 20 - 21% tổng sản lượng tôm nuôi toàn quốc. Nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á. Tỉnh Bạc Liêu rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của Bộ NN&PTNT và có những chỉ đạo giúp ngành tôm Bạc Liêu phát triển bền vững, đạt chỉ tiêu xuất khẩu 1,3 tỷ USD đến năm 2025. Bởi những năm gần đây, nghề nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung phát triển cả về số lượng và chất lượng. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp tôm như hiện nay, thách thức đang đặt ra không chỉ riêng Bạc Liêu mà đối với tất cả các tỉnh, thành nuôi tôm là môi trường và dịch bệnh.

 

Chánh Văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - Trần Thụy Quế Phương: Xuất khẩu tôm sẽ phục hồi và tăng trưởng nhẹ

Những yếu tố tiêu cực trong năm 2023 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2024, vì thế dự đoán ngành tôm toàn cầu tiếp tục đối mặt với tăng trưởng kém trong năm nay. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024, với mức từ 10 - 15% bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu. Ngoài ra, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của thị trường nhỏ lẻ cũng là động lực để xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới...

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.