Tiêu điểm

Phát huy lợi thế vận tải đường thủy

Thứ Sáu, 20/07/2018 | 16:30

Vận tải là một ngành sản xuất vật chất đặc biệt, đóng vai trò quan trọng đối với mọi ngành kinh tế. Mặc dù không tạo ra sản phẩm, nhưng nó làm tăng giá trị sản phẩm, kích thích hoạt động sản xuất, tạo sự giao lưu sản phẩm, mở rộng thị trường giữa vùng này với vùng khác, nước này với nước khác. Ở Bạc Liêu, cùng với đường bộ, hệ thống giao thông đường thủy cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Thế nhưng, thời gian qua, lợi thế này vẫn chưa được phát huy đúng mức để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế của tỉnh.

Bài 1: Những tiềm năng, lợi thế

Bạc Liêu là tỉnh có hệ thống sông rạch, kênh đào chằng chịt, đa dạng, có nhiều kênh lớn. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Bạc Liêu còn kết nối với biển Đông bằng cửa biển Gành Hào, Nhà Mát và Cái Cùng tạo ra lợi thế lớn cho tỉnh phát triển mạnh hệ thống vận tải bằng cả đường sông và đường biển. Từ đó cho thấy, giao thông đường thủy của Bạc Liêu có lợi thế hơn hẳn nhiều tỉnh trong khu vực.

Kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp là một trong những tuyến đường thủy sôi động bậc nhất ĐBSCL.

Thương lái thu mua lúa trên địa bàn huyện Phước Long. Ảnh: T.Đ

6 tuyến đường thủy cấp quốc gia

Theo Thông tư 46/2016 của Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) quy định về phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa thì Bạc Liêu có 2 tuyến kênh nằm trong tuyến chủ lực của miền Tây Nam bộ, kết nối vận tải ra sông Hậu đi Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu để xuất khẩu hàng hóa ra quốc tế.

Cảng vụ khu vực IV (Bộ GT-VT) đánh giá, Bạc Liêu là một tỉnh sông nước được thiên nhiên ưu đãi. Đi ngang qua địa bàn tỉnh, Quản Lộ - Phụng Hiệp là 1 trong 3 nhánh của tuyến vận tải thủy quốc gia. Vì vậy, tuyến đường này có tác dụng phá thế độc đạo và gia tăng năng lực vận tải cho vùng bán đảo Cà Mau nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Tuyến đường thủy chạy xuyên suốt từ Đông sang Tây với tổng chiều dài 237km, bề rộng phổ biến từ 30 - 35m, độ sâu phổ biến từ 2,5 - 3m, có vai trò vận tải liên tỉnh và khu vực phía Nam trong vùng Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Kế đó là tuyến Vàm Lẽo - Bạc Liêu - Cà Mau, một cung đoạn thuộc tuyến vận tải thủy quốc gia từ TP. Hồ Chí Minh đi Cà Mau, có vai trò vận tải đường thủy liên tỉnh và khu vực phía Nam với tổng chiều dài 167km. Bề rộng phổ biến của tuyến đường quốc gia này từ 35 - 40m, độ sâu phổ biến từ 2,5 - 3m. Hàng năm tỷ trọng vận tải đi qua hai tuyến đường này đạt gần 6 triệu tấn. Tàu có tải trọng tối đa đến 500 tấn lưu thông dễ dàng. Bình quân tổng lượng hàng hóa vận chuyển mỗi năm qua tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp ước đạt 4,5 triệu tấn, tuyến Vàm Lẽo - Bạc Liêu - Cà Mau đạt 1,5 triệu tấn. Một số mặt hàng cung ứng hai chiều (mà vận tải đường bộ rất khó có thể “kham nổi”) với số lượng lớn, di chuyển đường xa như: xi măng, cát, đá, xăng dầu, lúa gạo, mía đường, phân bón… đã kết nối được từ Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, An Giang… với Bạc Liêu qua con đường vận tải thủy một cách dễ dàng. Một lợi thế khác về đường thủy nội địa là Bạc Liêu còn có 6 tuyến do Trung ương quản lý đi qua địa bàn với tổng chiều dài gần 200km. Song hành với 2 tuyến chủ lực nêu trên còn có sông Gành Hào, kênh Ngã Ba Đình, kênh Hộ Phòng - Gành Hào và kênh Tắc Vân.    

Hơn 600km đường thủy nội tỉnh

Theo thống kê của Sở GT-VT, toàn tỉnh có hơn 600km đường thủy nội tỉnh, trong đó có gần 500km với 20 tuyến đường chính kết nối tất cả các sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt cấu trúc như hình mạng nhện. Khu vực phía Nam và phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh đều có 5 tuyến kênh chính và hàng trăm tuyến kênh bổ trợ, kết nối trục dọc, trục ngang.

Kế thừa những gì đã có, những con kênh nhỏ được tỉnh nới rộng, nạo vét sâu hơn để nối liền với các kênh rạch, sông lớn cùng những con kênh nhỏ mới đào, tạo thành hệ thống thủy vận huyết mạch để phục vụ việc giao thương hàng hóa từ kênh địa phương (xã, huyện) đến kênh Trung ương và lưu thông qua các tỉnh.

Ông Trần Công Khánh, Giám đốc Cảng vụ khu vực IV cho rằng: “Hệ thống kênh rạch chằng chịt với hơn 600km đường thủy nội tỉnh, nếu phát huy tối đa sức mạnh, lợi thế sông nước để thúc đẩy vận tải liên kết vùng miền, huyện, tỉnh thì sẽ giảm áp lực đường bộ cho Bạc Liêu rất lớn, giảm giá thành sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế và giảm đáng kể tai nạn giao thông đường bộ”.

Đóng góp của vận tải đường thủy trong những năm qua ở Bạc Liêu là không thể phủ nhận, nó đã góp phần đắc lực vào việc khai thác thế mạnh vùng đất nông nghiệp của tỉnh. Vận tải thủy phát triển khá đồng đều, hầu như gánh khoảng 30% năng lực vận tải liên tỉnh. Với các mặt hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và lúa gạo, vận tải thủy chiếm đến 90%.

Là một đơn vị kinh doanh sử dụng 100% phương tiện vận tải thủy, ông Nguyễn Quốc Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc (trực thuộc Tập đoàn Lộc Trời) cho rằng, nhờ đa dạng kênh rạch, sông ngòi nên giao thông đường thủy ở Bạc Liêu có rất nhiều sự lựa chọn, không bị lệ thuộc bởi con đường độc đạo. Do đó, quá trình vận chuyển lúa từ vùng nguyên liệu về nhà máy xay xát, công ty dễ dàng lựa chọn đường đi thuận tiện với chi phí thấp nhất. 

Theo Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế GT-VT phía Nam, trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh về quy mô, mật độ, cấu trúc mạng lưới giao thông thủy và khả năng kết nối vận tải thủy của hệ thống tuyến - luồng hiện có, đã cho thấy hệ thống sông - kênh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có đầy đủ các yếu tố cơ bản của một mạng lưới giao thông thủy liên hoàn, kết nối thuận tiện giữa các địa phương trong tỉnh cũng như với các vùng phụ cận.

Một số tuyến sông lớn giáp ranh với các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang như: sông Gành Hào, sông Cái Lớn... đều là các tuyến đường thủy lớn có khả năng gánh vác nhiệm vụ vận tải, giao lưu giữa Bạc Liêu với các tỉnh khác trong vùng. Tuy nhiên, để có thể khai thác và vận hành hiệu quả các tuyến đường thủy này cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các tỉnh.

Theo báo cáo thành tựu 20 năm của ngành GT-VT tỉnh, từ khi tỉnh tái lập đến nay, Bạc Liêu đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng đầu tư nâng cấp, mở rộng, nạo vét các khu vực cạn ở hầu khắp các tuyến giao thông thủy nội tỉnh nên vận tải thủy đang vận hành cùng xu thế phát triển của đất nước.

Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.