Tiêu điểm
Phát huy lợi thế vận tải đường thủy
Vận tải là một ngành sản xuất vật chất đặc biệt, đóng vai trò quan trọng đối với mọi ngành kinh tế. Mặc dù không tạo ra sản phẩm, nhưng nó làm tăng giá trị sản phẩm, kích thích hoạt động sản xuất, tạo sự giao lưu sản phẩm, mở rộng thị trường giữa vùng này với vùng khác, nước này với nước khác. Ở Bạc Liêu, cùng với đường bộ, hệ thống giao thông đường thủy cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Thế nhưng, thời gian qua, lợi thế này vẫn chưa được phát huy đúng mức để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế của tỉnh.
Bài cuối: Làm gì để vận tải thủy phát huy đúng mức?
>>Bài 1: Những tiềm năng, lợi thế
>>Bài 2: Bất cập và khó khăn cần tháo gỡ
Ngành Đường thủy nội địa hiện bước vào giai đoạn đổi mới rõ nét, thu hút sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp vận tải. Đường thủy đang hình thành xu hướng đầu tư phương tiện vận tải cỡ lớn, vận tải container, kết nối mạnh mẽ với hàng hải, đường bộ và tham gia chuỗi logistics. Nằm trong xu thế đó, quan điểm phát triển của tỉnh Bạc Liêu là giao thông đường thủy phải được đầu tư trước một bước so với phát triển dân số và đô thị.
CÓ 3 CẢNG BIỂN ĐẾN NĂM 2025
Trong diều kiện hiện tại, ngành GT-VT Bạc Liêu phấn đấu đạt chỉ tiêu sản lượng vận tải năm 2018 tăng 9% so với năm 2017. Tuy nhiên, đánh giá thực trạng phát triển của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, UBND tỉnh cho rằng, giá trị sản xuất ngành GT-VT tăng bình quân 12 - 13%/năm. Trong cơ cấu ngành Vận tải của tỉnh, vận tải đường thủy chiếm khoảng 30% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 34% hàng hóa luân chuyển. Không dừng ở kết quả đó, mục tiêu đưa ra đến năm 2020 là xây dựng cơ bản hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vận tải đường bộ, đường thủy đảm bảo cho tỉnh phát triển ổn định và bền vững, góp phần đưa Bạc Liêu thành một tỉnh có tiềm lực kinh tế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đi kèm Quyết định 1775/QĐ-UBND ngày 18/8/2009 của UBND tỉnh, Bạc Liêu sẽ có hàng chục dự án hạ tầng đường thủy được triển khai theo trình tự đầu tư thích hợp giữa hạng mục công trình trong mạng lưới giao thông đường thủy, giữa đường thủy với đường bộ.
Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh nông nghiệp, mạng lưới giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh được quy hoạch thành 2 vùng khai thác. Quốc lộ 1A là trục phân cách, bao gồm 2 tuyến trục dọc, 16 tuyến trục ngang và 4 tuyến bổ trợ kết nối trục ngang. Các trục đường thủy quốc gia quan trọng như: tuyến Vàm Lẽo - Bạc Liêu - Cà Mau, Quản Lộ - Phụng Hiệp, sông Gành Hào, kênh Gành Hào - Hộ Phòng cùng các tuyến kênh ngang xương cá của tỉnh như Giá Rai - Phó Sinh, Hộ Phòng - Chủ Chí… sẽ phát huy tối đa năng lực vận tải, góp phần quan trọng cho Bạc Liêu lưu thông vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy đi các tỉnh và TP. Hồ Chí Minh.
Tỉnh cũng đã đưa ra sơ đồ các tuyến - luồng vận tải đường biển, đường sông nội địa, hệ thống cảng biển, cảng sông và bến tàu khách liên hoàn để cùng với mạng lưới giao thông đường bộ phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách một cách an toàn, nhanh chóng và thuận tiện.
Về hệ thống cảng biển, ông Lương Phương Đông, Phó Giám đốc Sở GT-VT, cho biết trong kế hoạch hành động theo hướng tăng trưởng xanh, tỉnh sẽ ưu tiên đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Do đó, nằm dọc 56km chiều dài bờ biển, đến năm 2025 tỉnh sẽ có 3 cảng biển được đầu tư xây dựng. Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) hiện tại đã được Bộ GT-VT đưa vào quy hoạch cảng nhóm VI, đầu tư dưới dạng cảng tổng hợp dài 250m, rộng 3,5ha. Đây sẽ là cảng trung chuyển hàng hóa và xuất nhập khẩu trực tiếp hàng hóa cho các khu công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu và các vùng lân cận. Tàu tải trọng 500 tấn sẽ ra vào dễ dàng để đáp ứng khối lượng hàng hóa từ 500.000 - 600.000 tấn/năm qua cầu bến. Cảng Gành Hào sẽ đóng vai trò là cảng chính của tỉnh. Song song đó, tỉnh sẽ xây mới thêm 2 cảng cá nằm ở cửa biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) và cảng Cái Cùng (huyện Hòa Bình).
Ngoài ra, trong hệ thống cảng sông, tới đây, TP. Bạc Liêu sẽ có 7 cảng - bến với tổng diện tích 2,55ha; huyện Vĩnh Lợi: 3 cảng - bến (0,83ha); huyện Hòa Bình: 2 bến tàu (0,83ha); TX. Giá Rai: 4 bến tàu (1,32ha); huyện Đông Hải: 3 cảng - bến (1,57ha); huyện Phước Long: 5 bến tàu (1,16ha) và huyện Hồng Dân: 3 bến tàu (0,91ha).
Kênh xáng Vàm Lẽo - Bạc Liêu - Cà Mau (đoạn phía trước khu nhà Công tử Bạc Liêu, TP. Bạc Liêu) sẽ được tỉnh đầu tư làm không gian văn hóa phục vụ du khách. Ảnh: H.T
ĐƯA ĐƯỜNG THỦY VÀO KHAI THÁC DU LỊCH
Theo Sở VH-TT&DL, các tuyến du lịch đường thủy được tỉnh xây dựng là tuyến du lịch liên vùng và tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp kết hợp với vận tải hành khách; tuyến đường thủy từ Gành Hào - Giá Rai đi U Minh (tỉnh Cà Mau). Tuyến du lịch đường biển được phát triển trên cơ sở kết nối Bạc Liêu với TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, đảo Phú Quốc theo đường biển qua cảng Gành Hào.
Tuyến du lịch Bạc Liêu - Vàm Lẽo với lộ trình là tuyến đường thủy đi từ TP. Bạc Liêu (khu phố đêm “Công tử Bạc Liêu”) theo sông Bạc Liêu đến sông Vàm Lẽo. Đây sẽ là tuyến du lịch đường sông đặc thù của Bạc Liêu với trung tâm khu du lịch “Công tử Bạc Liêu” và điểm đến bao gồm hệ thống các điểm tham quan, vui chơi giải trí tại TP. Bạc Liêu và kết nối với các điểm tham quan ở khu vực huyện Vĩnh Lợi.
Các điểm du lịch nổi bật trên tuyến đường sông Bạc Liêu - Vàm Lẽo gồm: Khu du lịch “Công tử Bạc Liêu”, chợ Bạc Liêu, nhà cổ Bạc Liêu, chùa Hưng Thiện, chùa Khmer Cù Lao…
Sở VH-TT&DL cũng cho biết thêm, tại đoạn sông từ cầu Kim Sơn đến cầu Bạc Liêu (ngay trước khu nhà Công tử Bạc Liêu hiện nay), tỉnh sẽ xây dựng đoạn sông này thành một không gian văn hóa, kiến trúc, dịch vụ mang đậm nét hình ảnh của một Bạc Liêu xưa gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu.
Trong đó, tỉnh cho phục dựng lại hệ thống các nhà cổ theo kiến trúc Pháp dọc bờ sông Bạc Liêu; xây dựng bến du thuyền, khôi phục lại các hiện vật của Công tử Bạc Liêu như: du thuyền, máy bay, xe hơi, tàu thủy; khai thác các sản phẩm lưu niệm gắn với hiện vật này; các sự kiện gắn với giai thoại về Công tử Bạc Liêu như: đấu xảo (thi người đẹp), hội chợ, lễ hội…
Theo UBND tỉnh, để làm được tất cả các mục tiêu trên, do khả năng nguồn vốn ngân sách có hạn nên tỉnh khuyến khích mọi thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào hạ tầng đường thủy với nhiều hình thức như: BOT, BTO, BT, hợp tác Nhà nước - tư nhân (PPP)...; đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ… Đặc biệt, tỉnh luôn có chính sách đòn bẩy kinh tế thích hợp để điều hòa vận tải trên một số luồng có nhiều phương tiện cạnh tranh nhằm tạo ra một kênh vận tải thủy thật sự hấp dẫn và sôi động. Theo quy hoạch, tỉnh sẽ đầu tư và quản lý đường tỉnh, đường thủy liên huyện, các cảng liên huyện; huyện đầu tư và quản lý đường huyện, đường thủy liên xã, các bến tàu, kho trung chuyển hàng hóa của huyện. Hầu hết các hạ tầng đường thủy quan trọng khác sẽ được tỉnh tạo ra một cơ chế ưu đãi tốt nhất mời gọi đầu tư từ bên ngoài.
Tất cả các tuyến đường, bến cảng được tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư đều nhằm mục đích nối liền đường sông với các cảng sông, biển, đường bộ, nối kết các địa phương trong vùng nhằm kích thích hoạt động sản xuất, thúc đẩy kinh tế Bạc Liêu hội nhập cùng các tỉnh, thành trong khu vực.
...............................................................................................................................................................................................................................
Theo định hướng của Bộ GT-VT, trong 5 năm tới cần hoàn thành nâng cấp các tuyến nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh, các tuyến sông Tiền, sông Hậu, đảm bảo phương tiện có thể đi lại 24/24 giờ trên các tuyến đường thủy nội địa quan trọng. Đồng thời, khu vực cần nâng cấp, xây dựng một số cảng chính, bến hàng hóa và hành khách phát triển vận tải sông pha biển.
...............................................................................................................................................................................................................................
Tấn Đạt
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh