Tiêu điểm
Phát triển kinh tế 2024: Quyết tâm bứt phá
Được xác định là năm tăng tốc, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cho con tàu tăng trưởng về đến đích một cách nhanh chóng và bền vững.
Nông dân huyện Vĩnh Lợi thăm đồng lúa Tài nguyên đầu năm 2024. Ảnh: M.Đ
NHỮNG MỤC TIÊU ƯU TIÊN
Vượt qua một năm 2023 nhiều khó khăn, tình hình kinh tế năm 2024 được dự báo sẽ còn tiếp tục đương đầu với nhiều thách thức. Dẫu vậy, Bạc Liêu vẫn đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng khá cao, thể hiện sự quyết tâm và khát vọng rất lớn của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Mặt khác, đây cũng là yêu cầu mang tính bắt buộc để Bạc Liêu giữ được vị trí của mình trên bảng xếp hạng tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chủ động tránh nguy cơ tụt hậu khi nhiều tỉnh, thành của khu vực đã vươn lên rất mạnh mẽ về tốc độ lẫn quy mô nền kinh tế mà Hậu Giang là một điển hình.
Nhìn từ thực tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Bạc Liêu cần phải nỗ lực để tăng tốc nhanh hơn nữa khi các lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh đã không còn như xưa. Nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tận dụng khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có theo hướng không ngừng nâng cao sức cạnh tranh gắn với tăng trưởng xanh, qua đó mang lại giá trị gia tăng cao. Do vậy, việc tiếp tục tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu quy mô, nguồn lực đầu tư trong điều kiện nguồn vốn đầu từ ngân sách không nhiều chính là vấn đề mà Bạc Liêu cần phải ưu tiên đặt lên hàng đầu. Trong đó, tăng cường dồn lực cho nông nghiệp và xuất khẩu được xem là lựa chọn ưu tiên của ưu tiên. Bởi theo đánh giá, thế mạnh kinh tế đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh hiện nay và đến cuối nhiệm kỳ vẫn là sản xuất nông nghiệp gắn liền với chế biến xuất khẩu, trong đó con tôm là mặt hàng chủ lực.
Theo đó, Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước gắn với đẩy mạnh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản như: thủy lợi, giao thông, lưới điện... Nếu không đảm bảo được những yêu cầu tối thiểu này, mục tiêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước mà Bạc Liêu theo đuổi phải nhường lại cho Sóc Trăng hay Cà Mau, vì đây là hai vùng trọng điểm có diện tích, sản lượng nằm trong tốp đầu của cả nước.
Chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao cần được các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản quan tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: K.T
Một vấn đề quan trọng và có tầm chiến lược khác là Bạc Liêu đã cụ thể hóa mục tiêu xây dựng, trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển trong Quy hoạch tổng thể thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt là khẩn trương đánh giá, sơ, tổng kết lại các nghị quyết, kết luận trong thời gian qua và ban hành một quyết sách mới liên quan đến phát triển kinh tế biển cho giai đoạn mới. Trong đó, cần tính toán đến các giải pháp mang tính đột phá trong điều kiện nguồn lợi thủy sản đã bị khai thác đến mức cạn kiệt và cần lắm việc tái tạo, xây dựng các mô hình cho bảo vệ, tái tạo tài nguyên biển.
ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ
Một nhiệm vụ khác được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định tập trung chỉ đạo trong năm 2024 chính là đẩy mạnh phát triển công nghiệp mà đột phá là công nghiệp năng lượng tái tạo, điện khí, công nghiệp chế biến thủy, hải sản.
Theo đó, Bạc Liêu sẽ triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII khi được phê duyệt. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp, nhất là các dự án Điện gió và Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW, Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III (141MW), Dự án Nhà máy Điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu (50MW) cùng các dự án nguồn điện và lưới điện khác theo quy hoạch được phê duyệt.
Bà Phan Thị Thu Oanh - Phó Giám đốc trụ trách Sở Công thương, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công thương sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia”. Cùng với đó là tập trung đẩy mạnh công tác thu hút, mời gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nguồn và lưới điện đã được phê duyệt theo quy hoạch, đặc biệt là các dự án lưới điện truyền tải 500kV, 220kV, 110kV đồng bộ với các dự án điện khí, điện gió..., nhằm đảm bảo giải tỏa hết công suất các nhà máy điện đầu tư trên địa bàn tỉnh”.
Xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo điều kiện cho phát triển kinh tế. Ảnh: H.T
Riêng phát triển công nghiệp chế biến thủy sản và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu, lãnh đạo Sở Công thương cho biết sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, cải tạo nâng cấp và mở rộng các nhà máy chế biến thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu theo phương thức chính ngạch. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và các vùng nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và đáp ứng đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến thủy sản xuất khẩu. Tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thủy sản. Trong đó, chú trọng đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ cho sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thủy sản tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Đẩy mạnh mời gọi đầu tư, huy động mọi nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước cho phát triển công nghiệp chế biến thủy sản.
Nhiệm vụ năm 2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đã khẳng định: UBND tỉnh sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, chương trình, kết luận, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương. Thời gian về đích cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 không còn nhiều, những bứt phá trong năm 2024 chính là những yếu tố mang tính quyết định để tạo sự thay đổi mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết tâm lãnh đạo thực hiện đạt mục tiêu đề ra.
Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2024 của Bạc Liêu:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9 - 10%/năm;
- Cơ cấu GRDP theo ngành Kinh tế:
+ Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 38,36%
+ Công nghiệp và xây dựng: 20,01%
+ Dịch vụ: 36,84%
+ Riêng thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp: 4,79%;
- GRDP bình quân đầu người: 74,44 triệu đồng/năm;
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 43.700 tỷ đồng;
- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (thu nội địa): 3.830,7 tỷ đồng;
- Sản lượng thủy sản 553.500 tấn, trong đó sản lượng tôm 278.500 tấn;
- Sản lượng lúa 1.150.000 tấn;
- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt 1.158,4 triệu USD; trong đó riêng xuất khẩu tôm đạt 1.130 triệu USD.
KIM TRUNG
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Chí Nguyện: Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Để tăng cường nguồn lực cho nền kinh tế và tạo sức bật mới, trong năm 2024 Bạc Liêu sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển gắn với tăng cường công tác đối ngoại. UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tiếp tục cập nhật, sửa đổi các quy định khuyến khích và ưu đãi đầu tư áp dụng tại tỉnh cho phù hợp với các quy định mới của Chính phủ, nhằm hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cũng như, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất trên lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai… theo hướng rút ngắn thời gian, tinh gọn, minh bạch, công khai.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc nhà đầu tư, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong giải phóng mặt bằng; hỗ trợ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh đó cũng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư ngoài ngân sách và kiên quyết xử lý đối với công trình, dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ thực hiện dự án hoặc không triển khai thực hiện dự án như đã cam kết của các chủ đầu tư.
Cùng với đó là tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng và các chương trình mục tiêu quốc gia. Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao điểm số và thứ hạng về các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI)…
Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly: Tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu của UBND tỉnh giao và tiếp tục khẳng định vai trò “trụ cột” quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, Sở NN&PTNT sẽ tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2024 và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm chủ lực. Đồng thời, tăng cường thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm và xử lý nghiêm hành vi bơm chích tạp chất vào tôm. Tiếp tục củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng được nhu cầu tôm giống phục vụ sản xuất trong và ngoài tỉnh. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân một cách chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành. Xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả và liên kết bao tiêu lúa gạo. Xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu. Triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” trên địa bàn tỉnh. Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn và nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị, mô hình trồng nấm, mô hình đưa màu xuống ruộng…
Cùng với đó là xây dựng các vùng chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học với các vật nuôi chủ lực. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất - kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ động, thực vật. Xây dựng mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất muối, gắn kết giữa người sản xuất muối chất lượng cao với các nhà máy chế biến muối thực phẩm, bao tiêu muối cho diêm dân. Xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư cho các sản phẩm chế biến từ muối. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng chất lượng và bền vững. Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn NTM, hướng đến xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Triển khai thực hiện “Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025” năm 2024. Tham gia chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh…
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp