Tiêu điểm
Phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển: Góp phần giảm nhẹ thiên tai và nước biển dâng
Rừng phòng hộ ven biển là lá chắn giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xác định tầm quan trọng này, những năm qua, Bạc Liêu đã có nhiều dự án phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đang hợp tác nghiên cứu khả thi dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, góp phần bảo vệ môi trường và sinh kế cho người dân.
Đoàn viên - thanh niên tham gia trồng rừng phòng hộ ven biển.
THỰC TRẠNG RỪNG PHÒNG HỘ
Toàn tỉnh hiện có 4.278ha rừng phòng hộ ven biển; trong đó, diện tích rừng tự nhiên 1.547,02ha, 1.726,62ha rừng trồng và hơn 1.000ha đất chưa có rừng. Thời gian qua, tỉnh có nhiều dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, tập trung chủ yếu ở ven biển TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải.
Để bảo vệ rừng, ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các văn bản về Luật Lâm nghiệp, các nghị định, thông tư về quản lý và bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản đến các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán và các hộ dân sống ven rừng. Đồng thời, tổ chức tuần tra kiểm soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm xâm hại đến rừng phòng hộ ven biển. Song, công tác bảo vệ và phát triển rừng gặp không ít khó khăn. Vì lợi ích kinh tế và sinh kế của người dân vùng ven biển, tình trạng người dân chặt chang, rễ, cành nhánh trái phép để nuôi trồng thủy sản vẫn còn diễn ra; đa số hộ dân sống trong rừng phòng hộ không có việc làm ổn định, tiềm ẩn nguy cơ phá rừng rất cao, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Rừng phòng hộ Bạc Liêu trải dài trên 56km, tập trung ở vùng ven biển, hàng năm chịu tác động mạnh mẽ của bão và áp thấp nhiệt đới với tần suất cao, triều cường, gió chướng và nước biển dâng gây xói lở và xâm thực bờ biển làm mất rừng và khó khăn cho các hoạt động trồng rừng. Trong khi đó, một số dự án gây bồi, tạo bãi trồng rừng chưa đạt hiệu quả; việc trồng rừng phải trồng đi trồng lại nhiều lần mới thành công. Công tác nghiên cứu khoa học còn hạn chế, chưa xây dựng được các mô hình lâm sinh có hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu trên các vùng bờ biển bị xói lở.
Lực lượng kiểm lâm và đoàn viên trồng rừng trên bãi bồi ven biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu).
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN RỪNG
Trong những năm qua, Bạc Liêu có nhiều dự án trồng và phát triển rừng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Đơn cử như Dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 đã trồng hơn 200ha trên lâm phần rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn các xã Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu); Vĩnh Hậu A, Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) và Long Điền Đông, Điền Hải, Long Điền Tây (huyện Đông Hải); Dự án GIZ (thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua thúc đẩy đa dạng sinh học) giai đoạn 2011 - 2020 trồng 107,18ha trên lâm phần rừng phòng hộ ven biển. Hiện nay, cây trồng thuộc 2 dự án trên đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Nổi bật nhất là chương trình SP-RCC của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020. Chương trình này được triển khai thực hiện gây bồi tạo bãi, trồng cây chống xói lở khu vực biển Nhà Mát với 2 hạng mục: trồng rừng hơn 201ha và xây dựng kè mềm chắn sóng bao quanh khu vực trồng rừng trên khu vực bãi bồi ven biển thuộc TP. Bạc Liêu. Bên cạnh đó là Dự án gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ ven biển với 2 hạng mục: trồng rừng 149,5ha và xây dựng kè mềm chắn sóng bao quanh khu vực trồng rừng trên khu vực bãi bồi ven biển thuộc xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) và xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải). Hay Dự án chống xói lở, gây bồi, trồng cây ngập mặn chống xói lở bảo vệ đê biển Gành Hào được xây dựng với 2 hạng mục: trồng rừng 10ha và xây dựng kè bê-tông chắn sóng bao quanh khu vực trồng rừng trên khu vực bãi bồi ven biển thuộc thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải)…
Gây bồi, tạo bãi trồng rừng ven biển thuộc xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình). Ảnh: M.Đ
Các dự án gây bồi, tạo bãi trồng rừng đã và đang góp phần rất lớn trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh quy hoạch diện tích rừng phòng hộ ở bãi bồi ven biển hơn 1.265ha, với các loại cây ngập mặn ven biển như: đước đôi, cóc trắng, mắm biển, giá… Trong đó, cây mắm biển chiếm tỷ lệ cao nhất, đồng thời là loài cây thích nghi, phát triển tốt trên diện tích bãi bồi ven biển, đảm bảo chức năng phòng hộ.
Để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới, Sở NN&PTNT phối hợp với Tập đoàn INPEX và Công ty TNHH Nippon Koei Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu, có những giải pháp đột phá về khoa học - kỹ thuật phù hợp và tiềm lực tài chính, khắc phục những khó khăn tại địa phương và trồng rừng thành công trên diện tích bãi bồi ven biển, đặc biệt là khu vực TP. Bạc Liêu và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), góp phần phát triển rừng phòng hộ ven biển và thích ứng với biến đổi khí hậu...
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Trồng và bảo vệ rừng có vai trò quan trọng trong việc chống xói lở ven biển và chắn sóng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, các tập đoàn, công ty sau khi điều tra, khảo sát thực tế để trồng rừng ven biển, các đơn vị sớm có báo cáo hoàn chỉnh để Sở trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến để dự án được triển khai hiệu quả”.
MINH CHÂU
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con