Tiêu điểm
Quản lý thu gom, xử lý chất thải và nước thải: Còn nhiều khó khăn
Theo thống kê sơ bộ của ngành Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh hơn 417 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH chỉ thực hiện được ở khu vực đô thị với 95% và khoảng 86,62% ở nông thôn. Trong đó, việc thu gom, xử lý CTRSH ở nông thôn gặp nhiều khó khăn và đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Rác thải ở khu vực đô thị TP. Bạc Liêu được thu gom, xử lý tốt nhờ giao thông thuận tiện.
NHIỀU THÁCH THỨC
Việc thu gom, xử lý CTRSH, chất thải sản xuất ở nông thôn còn gặp khó do đường giao thông nhỏ, phương tiện thu gom không vào tận nơi được. Bên cạnh đó, đến nay tỉnh vẫn chưa đầu tư được công trình xử lý nước thải sinh hoạt cho TP. Bạc Liêu và các đô thị trên địa bàn. Còn đối với nước thải nuôi tôm siêu thâm canh, mặc dù tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, hội nghị… nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho việc xử lý nước thải.
Thêm vào đó, vẫn còn một bộ phận cộng đồng dân cư và cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ chưa có ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), vẫn còn tồn tại tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Một số cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hoặc chưa vận hành đồng bộ, thường xuyên. Thậm chí, việc xây dựng chỉ mang tính chất đối phó hay hợp thức hóa các quy định về công tác BVMT.
Mặt khác, số lượng cán bộ chuyên trách môi trường cấp huyện, thị xã, thành phố và cấp cơ sở còn thiếu, yếu, từ đó công tác quản lý, giám sát môi trường ở địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ.
Theo khoản 6 Điều 79, Luật BVMT năm 2020, UBND cấp tỉnh quy định thu phí, nhưng do Bộ TN-MT vẫn chưa ban hành định mức về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, vì vậy, tỉnh chưa có cơ sở để thực hiện đảm bảo theo quy định. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là hiện nay trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số bãi chôn lấp rác tập trung chưa hợp vệ sinh, không còn tiếp nhận rác từ nhiều năm nay cần thực hiện quy trình đóng cửa. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 32, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN-MT chỉ hướng dẫn việc đóng bãi chôn lấp CTRSH hợp vệ sinh nên Sở TN-MT chưa đủ cơ sở để hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện việc đóng bãi chôn lấp CTRSH đảm bảo theo quy định.
Do hiện chưa có nhà máy xử lý CTRSH nên chất thải rắn phát sinh được thu gom về bãi rác tập trung của các huyện, thị xã và thành phố để xử lý với hình thức chủ yếu là đổ thải tập trung, đốt, xử lý vi sinh (khử mùi) và chôn lấp. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải tại các bãi tập trung chưa thật sự hiệu quả, hầu hết các bãi chôn lấp đều quá tải, không đạt tiêu chuẩn chôn lấp hợp vệ sinh, do đó chưa đạt hiệu quả cao trong thực hiện xử lý CTRSH.
Ngoài ra, việc đầu tư triển khai các bể thu gom bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường khu vực nông thôn. Đây là những thách thức rất lớn trong công tác quản lý và BVMT.
Kênh nội đồng ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) tràn ngập rác thải sinh hoạt và bao, gói thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: T.A
TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ
Để góp phần BVMT và chủ động phòng tránh ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững, Bạc Liêu kiến nghị Bộ TN-MT sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đơn giá về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để các địa phương làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Đồng thời, xem xét ban hành hướng dẫn việc đóng bãi chôn lấp CTRSH (đối với các bãi chôn lấp chưa hợp vệ sinh) để tỉnh thực hiện công tác BVMT trong quản lý chất thải rắn đảm bảo theo quy định. Cũng như, xem xét ban hành hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải tại chỗ và hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung.
Song song đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác sắp xếp, bố trí công chức, viên chức làm công tác BVMT cấp huyện, thị xã, thành phố và cấp cơ sở đảm bảo số lượng, có chuyên môn nghiệp vụ môi trường, nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông (đối với tuyến đường nông thôn phương tiện không đến nơi thu gom rác thải được), bố trí thêm trang thiết bị để tăng cường năng lực thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn; bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH và xây dựng lộ trình, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật trong thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đảm bảo thực hiện đúng theo quy định tại khoản 7 Điều 79, Luật BVMT năm 2020. Tiến hành rà soát, quy hoạch, bố trí và xây dựng, cải tạo các trạm trung chuyển phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về xây dựng và vệ sinh môi trường. Chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư, xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt. Trọng tâm là kêu gọi đầu tư 3 khu xử lý CTRSH tập trung và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh để góp phần BVMT. Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thu gom bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào bể chứa đúng nơi quy định. Bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường để tiến hành thuê đơn vị có chức năng thu gom, xử lý góp phần BVMT…
TÚ ANH
Sở TN-MT sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trình UBND tỉnh ban hành và chỉnh sửa, bổ sung các quyết định, chỉ thị về công tác quản lý, BVMT cho phù hợp với Luật BVMT năm 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật BVMT, các quy định pháp luật hiện hành, cũng như yêu cầu về công tác BVMT của tỉnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật về BVMT và đa dạng sinh học cho toàn thể cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Từng bước đưa các nội dung cơ bản về BVMT đi vào cuộc sống bằng nhiều hình thức, biện pháp như: bản tin TN-MT; chuyên mục TN-MT; tập huấn triển khai văn bản quy phạm pháp luật về BVMT; tổ chức các hoạt động hưởng ứng về môi trường nhân kỷ niệm Ngày Đất ngập nước thế giới, Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động Vì môi trường; Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn….
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp