Tiêu điểm
Quản lý và bảo vệ tài nguyên nước: Cần sự chung tay và trách nhiệm của cả cộng đồng
Bảo vệ tài nguyên nước được xem là một trong những giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững. Vì vậy, trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tập trung làm tốt công tác này, góp phần phục vụ tốt cho sinh hoạt và phát triển sản xuất.
MỰC NƯỚC HẠ THẤP
Tính đến nay, Bạc Liêu có 2 nhà máy nước đô thị, gồm 8 giếng khoan công nghiệp với tổng lưu lượng thiết kế 22.000m3/ngày đêm. Thực tế khai thác khoảng 18.000m3/ngày đêm, cấp cho khoảng 35.000 hộ dân (khu vực TP. Bạc Liêu) và 115 trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn, với tổng lưu lượng theo thiết kế 45.812m3/ngày đêm, lưu lượng khai thác thực tế khoảng 30.863m3/ngày đêm, cấp cho khoảng 75.887 hộ dân (khu vực các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh).
Bên cạnh đó, có khoảng 300 cơ sở, công ty, doanh nghiệp khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất đã được cấp phép với lưu lượng khai thác khoảng 70.000m3/ngày đêm và lưu lượng hàng trăm hộ gia đình cá nhân khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và tưới rau màu... Phần lớn việc khai thác nước dưới đất được khoan ở tầng chứa nước Pleistocen giữa - trên (qp2-3) là tầng được khai thác phổ biến, có nguồn nước tương đối dồi dào.
Hiện nay, tầng chứa nước Pleistocen giữa - trên (qp2-3) là tầng mà người dân Bạc Liêu đang khai thác phổ biến, có nguồn nước dồi dào. Theo Bản tin chuyên đề của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia: Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 10 năm 2011 - 2021 là 0,26m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,51m/năm tại công trình Q597030M1 (Phường 7, TP. Bạc Liêu). Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 15 năm 2006 - 2021 là 0,25m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,46m/năm tại công trình Q597030M1 (Phường 7, TP. Bạc Liêu). Vì vậy, cần phải có giải pháp để bảo về nguồn nước dưới đất trong thời gian tới và đây thật sự trở thành vấn đề đáng được quan tâm.
Sử dụng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của nông dân Bạc Liêu. Ảnh: T.A
ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN
Xác định tài nguyên nước có tác động trực tiếp đến phát triển bền vững, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Chỉ thị 04 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Quyết định 11 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu... Bên cạnh đó, Sở TN-MT hàng năm đều tổ chức tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước như Luật Tài nguyên nước, các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan, đặc biệt là Nghị định 82/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, thu tiền cấp khai thác tài nguyên nước cho cán bộ quản lý từ tỉnh đến cơ sở và các tổ chức, cá nhân và Nhân dân có các hoạt động về tài nguyên nước. Sở TN-MT cũng phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bạc Liêu tuyên truyền về Ngày Nước thế giới; thực hiện chuyên mục về tài nguyên nước, nhằm tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý, góp phần bảo vệ tốt môi trường nước.
Cùng với công tác tuyên truyền, Sở TN-MT còn tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thi hành các quy định của Luật Tài nguyên nước. Từ năm 2013 đến tháng 6/2021, Sở TN-MT đã tiến hành 19 cuộc thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên nước đối với 299 tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc hành nghề khai thác nước dưới đất. Các đoàn thanh tra, kiểm tra chủ yếu là nhắc nhở, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng pháp luật về tài nguyên nước, đề nghị khắc phục lỗi vi phạm…
Qua thanh tra, kiểm tra nhằm làm cho ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước để sản xuất - kinh doanh như: chưa thực hiện báo cáo định kỳ cho cơ quan cấp phép, chưa lập sổ theo lưu lượng khai thác hoặc xả nước thải, chưa lập hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước…
VẪN CÒN GẶP KHÓ
Công tác quản lý tài nguyên nước tuy được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhưng cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và vướng mắc trong khai thác, sử dụng nước dưới đất.
Đó là đội ngũ công chức quản lý tài nguyên nước còn thiếu, nhất là ở cấp huyện. Hệ thống quản lý, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước của tỉnh hiện nay chưa được hoàn thiện, các trang thiết bị phục vụ việc giám sát, kiểm tra, quản lý còn thiếu (máy định vị vệ sinh (GPS) cầm tay, thước đo mực nước, độ khoảng cách, đồng hồ đo lưu lượng...). Đến nay, cả tỉnh chỉ có 3 trạm quan trắc nước dưới đất quốc gia, các trạm này được đặt tại: Phường 7 (TP. Bạc Liêu), Phường 1 (TX. Giá Rai) và xã Phước Long (huyện Phước Long) làm cho việc theo dõi diễn biến nguồn nước còn hạn hẹp. Trong khi đó, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân chưa chấp hành các quy định về tài nguyên nước như: khai thác nước dưới đất chưa đăng ký, chưa xin phép, khai thác sử dụng nước lãng phí…
Phải khẳng định rằng, tài nguyên nước tuy dồi dào nhưng sẽ cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước nếu không được quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả. Do vậy, cần sự chung tay và trách nhiệm của cả cộng đồng trong quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên quý báu có tác động trực tiếp đến sự sống và phát triển bền vững trong tương lai.
.................................................................................................................................................................................................................................
Ngành TN-MT đề xuất một số giải pháp để quản lý tài nguyên nước:
Đề xuất Bộ TN-MT hỗ trợ cho tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tài nguyên nước; hỗ trợ dự án về trang bị các thiết bị (máy định vị vệ sinh (GPS) cầm tay, thước đo mực nước, độ khoảng cách, đồng hồ đo lưu lượng...).
UBND tỉnh xem xét kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án về tài nguyên nước, nhất là Dự án “Khoanh định các vùng, khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”.
Về giải pháp, cần thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao chuyên môn cho cán bộ quản lý các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước đến các cơ sở, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh. Khuyến cáo sử dụng kết hợp nước mưa, nước mặt, nước ngầm; áp dụng các mô hình tiết kiệm nước trong sản xuất, tích trữ nước trong các ao, hồ, bể chứa để hạn chế sử dụng nước dưới đất; các biện pháp công nghệ tuần hoàn nước hoặc tái sử dụng, thu gom nước mưa, xử lý nước lợ, nước mặn thành nước ngọt để sử dụng.
Đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung cho cả thành thị và nông thôn để hạn chế việc khoan giếng và khai thác đơn lẻ để bảo vệ tốt nguồn nước dưới đất.
Xây dựng hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh (chủ yếu là hướng dẫn, nhắc nhở); từng bước đưa công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất đi vào nền nếp, theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ việc cấp, gia hạn và điều chỉnh các loại giấy phép về tài nguyên nước theo quy định…
.................................................................................................................................................................................................................................
TÚ ANH
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con