Tiêu điểm

Quản lý và giám sát tốt về môi trường trong nuôi trồng thủy sản

Thứ Sáu, 05/08/2022 | 16:19

So với những địa phương khác, kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu được xác định là nuôi trồng thủy sản (NTTS) với con tôm là sản phẩm chủ lực. Con tôm đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và hướng đến xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm cả nước. Song, tình trạng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững - đây cũng chính là vấn đề đáng quan tâm hiện nay.

TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO

Bạc Liêu được xếp là một trong 6 tỉnh trọng điểm nuôi tôm của cả nước và được đánh giá có vai trò đóng góp khá lớn trong nhiều khâu của chuỗi cung ứng tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Hiện tại, Bạc Liêu là tỉnh đứng thứ hai cả nước về diện tích, sản lượng với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia và là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của cụm sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ tôm.

Phát huy thế mạnh này, Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2030 diện tích NTTS đạt 150.410ha, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh 6.000ha và nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 28.000ha. Đây thật sự là áp lực trong quản lý về môi trường và tạo ra hàng loạt các thách thức cho phát triển bền vững.

Để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước theo hướng phát triển bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo gắn với triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động NTTS trên địa bàn.

Theo đó, giao Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) chịu trách nhiệm và chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan và UBND cấp huyện tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm BVMT cho cộng đồng, doanh nghiệp, hộ nuôi tôm trên địa bàn bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp nhằm hạn chế tình trạng xả nước thải, chất thải rắn, bùn thải... chưa qua xử lý ra kênh, sông rạch gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan và UBND cấp huyện xây dựng quy định BVMT trong NTTS trên địa bàn tỉnh theo Luật BVMT năm 2020. Trong đó, quy định cụ thể điều kiện BVMT trong NTTS, việc thực hiện thủ tục môi trường đối với cơ sở nuôi và trách nhiệm BVMT đối với tổ chức, cá nhân NTTS.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các viện, trường, các chuyên gia về môi trường và học tập thêm kinh nghiệm tại một số tỉnh bạn để nghiên cứu các mô hình xử lý chất thải trong NTTS phù hợp với tình hình địa phương.

Giới thiệu mô hình quản lý môi trường trong nuôi tôm tại Diễn đàn tôm Bạc Liêu 2022. Ảnh: K.T

PHÁT HUY TRÁCH NHIỆM CHUNG

Xác định công tác BVMT vì sự phát triển bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị chứ không riêng của ngành TN-MT. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT tiếp tục chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là đối với loại hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh.

Trong đó, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan và UBND cấp huyện tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, kiến thức về điều kiện vùng NTTS, kỹ thuật NTTS gắn liền với công tác BVMT (lồng ghép tuyên truyền, khuyến khích các hộ nuôi tôm tham gia đăng ký cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện NTTS), hướng dẫn kỹ thuật nuôi tuần hoàn nước hoặc ít thay nước; tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện đúng quy định về sên vét đất bùn, cải tạo ao đầm trong NTTS và các quy định khác có liên quan đến BVMT trong NTTS.

Phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh xác định vùng nuôi để tích hợp chung với quy hoạch của tỉnh Bạc Liêu…

Đặc biệt, để xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về NTTS, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chịu trách nhiệm phối hợp Sở TN-MT, Sở NN&PTNT, các ngành, đơn vị có liên quan, UBND cấp huyện và UBND cấp xã tăng cường hơn nữa công tác thanh - kiểm tra về NTTS trong hoạt động NTTS và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

BẢO NGỌC

----------------------------

Để phát huy vai trò và trách nhiệm của các địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo quy định tại khoản 2 Điều 168 Luật  BVMT 2020.

Tăng cường công tác thẩm định, cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật BVMT 2020.

Chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc và UBND cấp xã tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về BVMT và kỹ thuật NTTS gắn với BVMT bằng nhiều hình thức khác nhau; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các loại hình NTTS trên địa bàn quản lý; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phối hợp Sở NN&PTNT vận động, khuyến khích các hộ nuôi tôm tham gia đăng ký cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện NTTS và kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp không đáp ứng đầy đủ các điều kiện trong Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện NTTS được cấp, góp phần giảm thiểu tình trạng nuôi tự phát, xen kẽ trong khu dân cư không đáp ứng các điều kiện về NTTS và BVMT.

Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các hội, đoàn thể thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất… về nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn nhằm thực hiện tốt hơn nữa vai trò giám sát của cộng đồng trong hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh; vận động, tuyên truyền các hộ NTTS thực hiện tốt công tác BVMT theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện đăng ký môi trường đúng theo quy định tại khoản 7 Điều 49 Luật BVMT 2020.

Khuyến khích các cơ sở nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phân tán, nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh nuôi theo hình thức tập trung và hợp tác sản xuất (hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã) để thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn; vận động những hộ nuôi tôm không nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh chuyển đổi sang hình thức nuôi đối tượng khác phù hợp với quy hoạch…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.