Tiêu điểm
Quản lý và khai thác tốt tài nguyên nước
Với thế mạnh kinh tế mũi nhọn là sản xuất nông nghiệp, nước thật sự trở thành nguồn tài nguyên quý giá. Song, quản lý, khai thác nguồn tài nguyên này như thế nào là vấn đề đáng được quan tâm hiện nay, nhất là trong điều kiện phải ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gia tăng.
Sử dụng nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất rau màu ở huyện Vĩnh Lợi.
GIÀU TÀI NGUYÊN
So với các địa phương khác, tài nguyên nước của tỉnh Bạc Liêu rất phong phú và giàu tiềm năng cho phát triển nông nghiệp.
Về nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân chủ yếu là nước mưa tại chỗ, một phần được bổ sung từ nguồn nước sông Hậu. Trong đó, nguồn nước từ sông Hậu ước tính chảy vào địa bàn Bạc Liêu khoảng 1,4 tỷ m3/năm.
Bên cạnh đó, lượng nước mưa hàng năm đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của tỉnh trong mùa mưa. Qua thống kê cho thấy, lượng mưa hàng năm trên địa bàn tỉnh khá lớn và được xem là nguồn cung cấp nước quan trọng cho sản xuất, sinh hoạt của dân cư khu vực nông thôn.
Theo tính toán của ngành quản lý, ước tổng lượng nước mưa cả năm trên diện tích hơn 2.667km2 khoảng hơn 5 tỷ m3/năm, trừ lượng bốc hơi và hao hụt, sai số... thì còn khoảng 4 - 4,2 tỷ m3/năm (chiếm khoảng hơn 6% tổng lượng nước mưa toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL); phân bố vào mùa mưa khoảng 3,5 - 3,6 tỷ m3 (chiếm 85% lượng mưa cả năm). Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình và phân bố mưa, nguồn nước này rất khó tận dụng mà còn gây ra úng ngập trên diện rộng, hiện nước mưa chủ yếu phục vụ sinh hoạt cho dân cư trong vùng.
Riêng mùa khô, nguồn nước lấy từ sông Hậu không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của dân cư, do Bạc Liêu ở cuối hạ lưu sông Mê Kông và chỉ có một trục cấp nước ngọt duy nhất lấy từ sông Hậu là kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Do vậy, thường xuất hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm.
Đặc biệt, nguồn nước mặn (nước biển) được xem là tài nguyên quý giá cho phát triển nghề nuôi tôm, cua, nhuyễn thể, làm muối và trồng rừng phòng hộ ven biển. Với điều kiện địa hình, hệ thống sông, kênh rạch, chế độ thủy - hải văn, triều biển Đông lớn, hệ thống thủy lợi hiện có tương đối hoàn thiện… là điều kiện thuận lợi để đưa nước mặn từ biển vào đồng ruộng cho phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản.
Nguồn nước mặn trên địa bàn tỉnh phần lớn chịu ảnh hưởng trực tiếp của triều biển Đông, biển Tây thông qua mạng lưới kênh rạch khá dày và liên thông với nhau nên nguồn nước mặn khá dồi dào, có khuynh hướng lấn át nguồn nước ngọt. Song, do biển Đông và biển Tây vừa là nguồn cấp cấp nước mặn, vừa là nơi thoát nước cho khu vực ĐBSCL nên việc kiểm soát chất lượng nước là một thách thức lớn đối với công tác quản lý và khai thác nguồn nước này.
Riêng chất lượng nguồn nước mặt thật sự trở thành vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Đó là vào mùa khô, nước trong các sông, kênh rạch hầu hết bị nhiễm mặn. Cùng với đó là sự tác động của quá trình sản xuất, sinh hoạt, các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, chất thải nuôi trồng thủy sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong trồng trọt, dầu nhớt của các phương tiện vận tải… đều đổ ra các sông, kênh rạch đã làm cho nguồn nước mặt ngày càng ô nhiễm nặng nề.
Từ thực trạng tài nguyên nước cho thấy, các ngành và các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ, khai thác tài nguyên nước một cách hợp lý; cũng như tận dụng nguồn tài nguyên này theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và thích ứng với BĐKH.
Tận dụng nguồn nước mặn để sản xuất muối ở huyện Đông Hải. Ảnh: Kim Trung
CẦN BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC NGẦM
Một trong những nguồn tài nguyên nước rất quý giá và đưa vào cảnh báo hiện nay chính là quản lý, khai thác nguồn nước ngầm.
Nguồn nước ngầm tầng nông nằm sát mặt đất được bổ sung bằng nước mưa và lượng nước từ kênh rạch. Mực thủy cấp của nguồn nước này thay đổi tùy theo mùa. Vào mùa mưa, mực nước cách mặt đất từ 0,5 - 1,0m, mùa khô mực nước hạ thấp xuống 1 - 3m. Nguồn nước ngầm tầng nông thường bị nhiễm mặn, phèn, do vậy không thể sử dụng cho sản xuất, sinh hoạt. Vào mùa khô, nước được chuyển lên mặt đất bằng các mao dẫn mang theo muối và các chất gây độc không có lợi cho cây trồng (hiện tượng xì phèn). Nguồn nước ngầm ở tầng sâu khá phong phú với trữ lượng lớn, chất lượng khá tốt. Có 4 tầng nước ngầm có thể khai thác nằm ở độ sâu từ 80 - 500m trong địa bàn tỉnh.
Đây chính là tầng nước bị khai thác và lạm dụng nhiều nhất hiện nay, nhất là phục vụ cho sản xuất rau màu và nuôi trồng thủy sản. Việc khai thác nước ngầm quá mức và tràn lan ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng đã gây ra tình trạng suy giảm trữ lượng nước, tình trạng sụt lún diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Các quan trắc ở nhiều nơi ở ĐBSCL cho thấy, trữ lượng nước ngầm đã suy giảm ở tất cả các tầng chứa nước, giảm nhiều nhất ở các tầng nông; có địa phương mực nước ngầm đã giảm tới 0,5m/năm, nhiều nơi mức sụt lún đất hàng năm gấp 5 - 10 lần mực nước biển dâng trung bình, gây ra những thách thức về thoát nước và khiến đất nông nghiệp có nguy cơ bị ngập nước, nguy cơ xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước ngầm sẽ trở nên nghiêm trọng trong các thập kỷ tới. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách, Bạc Liêu cần tăng cường khả năng dẫn và trữ nước ngọt trong mùa mưa đủ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô và thay thế dần cho nhu cầu sử dụng nước ngầm, nhất là ở khu vực ven biển, phía Nam Quốc lộ 1A; hạn chế dần, thậm chí cấm hẳn sử dung nước ngầm cho một số lĩnh vực. Quản lý nghiêm ngặt mọi hoạt động khai thác, sử dụng nước để bảo vệ nguồn nước ngầm. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm gây thất thoát, lãng phí tài nguyên nước, đặc biệt là trình trạng lạm dụng khai thác làm cạn kiệt và gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia kinh tế, môi trường khu vực ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức và tác động trực tiếp đến phát triển bền vững.
Thách thức đầu tiên là các tác động từ thượng nguồn sông Mê Kông. Các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại. Hệ quả là gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển tràn vào làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn.
Thách thức thứ hai là suy giảm nguồn nước, hệ thống thủy điện sông Mê Kông đã tác động đến dòng chảy, làm giảm đáng kể mực nước sông Me Kông và gây đảo lộn hệ sinh thái ven sông vùng hạ lưu.
Thứ ba là chất lượng đất trồng suy giảm, ở khu vực thượng nguồn (Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên), hệ thống đê bao và các tuyến kênh thoát lũ ra biển Tây đã ngăn không cho nước lũ vào sâu trong nội đồng và khiến đất đai ngày càng suy kiệt. Tất cả những điều này làm giảm chất lượng đất canh tác và kết quả cho thấy khoảng 30% số hộ nông nghiệp vùng ĐBSCL có đất trồng trọt bị thoái hóa.
Thách thức môi trường thứ tư là BĐKH. Kết quả dự phòng BĐKH giai đoạn 2030 - 2040 cho thấy nhiệt độ cao nhất trung bình trong mùa khô sẽ tăng, lượng mưa đầu vụ hè thu lại giảm, mùa mưa bắt đầu trễ hơn, diện tích ngập do lũ tăng, áp thấp nhiệt đới và bão có xu hướng gia tăng…
Những tác động này ngay lập tức ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, khiến cuộc sống và sinh kế của nông dân vùng ĐBSCL vốn đã khó khăn còn trở nên bấp bênh hơn.
HỒNG THANH
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con